itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Gian nan bán gạo Việt cho người Việt

Gian nan bán gạo Việt cho người Việt

Ảnh: Sản phẩm của Ita-Rice bán tại các siêu thị

Nói về cách xây dựng thương hiệu gạo Ita-Rice, ông Nguyễn Tuấn Minh, tổng giám đốc công ty Ita-Rice, cho biết đến nay đã đầu tư vào nhà máy, vào con người, vùng nguyên liệu và hệ thống cửa hàng gạo không dưới 200 tỉ đồng. Tuy vậy, doanh số bán hàng vẫn còn “rất khiêm tốn”. Theo ông Minh, đến giờ phút này người tiêu dùng vẫn có thói quen mua gạo xá, niềm tin vào gạo sạch, chất lượng chưa có nên việc tiếp cận thị trường rất khó.

Các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường nội địa, chắc chắn không thể bỏ qua yếu tố cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhãn hàng. Muốn vậy, cách này hay cách khác, họ phải đầu tư thật nhiều tiền làm thương hiệu, bắt đầu từ hạt lúa, quy trình chế biến, thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường…

“Chúng tôi có trong tay 800ha lúa thơm ở Long An trồng theo Global GAP. Ita-Rice có nhà máy sấy, nhà máy chế biến, đóng gói vô trùng, và chúng tôi cũng đã bỏ ra năm, sáu tỉ làm marketing, nhưng mọi thứ vẫn chưa như mong đợi”, ông Minh thừa nhận.

Ông Minh cho biết kế hoạch sắp tới của Ita-Rice là ngoài việc đánh mạnh vào phân khúc các siêu thị, công ty nhắm đến các điểm phân phối, bán hàng do chính công ty thực hiện, trên cơ sở thông báo cho người tiêu dùng về tiêu chuẩn Global GAP, các hình ảnh, chăm sóc, bước thực hiện… làm người tiêu dùng nắm thêm các nội dung gạo sạch, đồng thời, xây dựng hệ thống marketing online, các trung tâm nhận và giao hàng trực tuyến để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.

Ở Nosavina, việc tiếp cận hệ thống đại lý cũng phải thay đổi, doanh nghiệp phải sẵn sàng giao hàng miễn phí mỗi ngày với đơn hàng nhỏ, phù hợp với tất cả đại lý lớn nhỏ, không cần có diện tích lớn để trữ hàng. “Đảm bảo gạo không có tạp chất, mọt và các côn trùng khác. Hơn nữa, để đảm bảo chất lượng đúng là “gạo mới”, các sản phẩm từ 50 ngày kể từ ngày sản xuất Nosavina sẵn sàng thu hồi không tính phí mặc dù hạn sử dụng của gạo là 12 tháng”, bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, giám đốc phát triển khách hàng công ty Cỏ May, nói thêm.

Chưa hết, theo bà Hạnh, hướng giải quyết sắp tới của Cỏ May là quyết định tăng chiết khấu cho đại lý, chấp nhận lời rất thấp để sản phẩm nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng. “Xét cho cùng, dù nhu cầu của đại lý thế nào thì muốn bán hàng cũng phải dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng, nếu người dùng hiểu ra những lợi ích và chọn thay đổi thói quen dùng gạo có nhãn hiệu thì đại lý cũng sẽ thay đổi thói quen bán hàng của mình”. Bên cạnh đó, Nosavina cũng triển khai chương trình dùng thử gạo và tặng các phần quà hấp dẫn cho khách hàng tham gia chương trình tại các chợ, nhằm giới thiệu gạo mới theo mùa của nhãn hàng trực tiếp đến các bà nội trợ”.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Lan, phó tổng giám đốc công ty CP Gentraco (Cần Thơ) cho biết, công ty Gạo Việt (thành viên Gentraco) làm chủ lực trong việc thu mua, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu gạo Miss Cần Thơ, Cò Trắng, Ngọc Đồng, Ngọc Đỏ, nếp thơm Cò Trắng đang bán trong 70 – 80 siêu thị Co.opmart, Maximark, Big C, Lotte… từ TP Đà Nẵng trở vào các tỉnh/thành phía Nam. Công ty Gạo Việt xây dựng chương trình quảng bá cho sản phẩm gạo chất lượng cao, thân thiện môi trường và sản phẩm gạo Ngọc Đồng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, nguồn gốc từ giống lúa ST nổi tiếng ngon cơm ở Sóc Trăng do HTX Ngọc Đông sản xuất theo mô hình 1 vụ lúa – 1 vụ tôm.

Gạo Cò Trắng được sản xuất từ gạo Khawdakmali (KDM) hay còn gọi là gạo Hương Lài nhập từ Thái Lan, gạo Miss Cần Thơ sản xuất từ giống lúa Jasmine cao cấp – giống lúa thuần, gạo Ngọc Đỏ giàu dinh dưỡng sản xuất từ giống lúa ST đỏ, nếp Cò Trắng chọn giống nếp dẻo do nông dân ở huyện Phú Tân (An Giang) cung cấp. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, công ty này đã hình thành cánh đồng liên kết với nông dân sản xuất thuần một loại giống, áp dụng theo quy trình sử dụng phân, thuốc an toàn, hợp lý. Nông dân chuyển đổi cách làm vừa giảm chi phí sản xuất vừa tạo sản phẩm chất lượng cao. Công ty Gạo Việt và nông dân thực hiện cam kết từ ngoài đồng đến bàn ăn và lợi nhuận người sản xuất tăng trên 30%.

Tuy nhiên, theo bà Lan, thay đổi thói quen sản xuất của nông dân để sản phẩm đạt chất lượng là việc không dễ chút nào!

Minh Khoa – Đức Toàn/ TGTT