itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Phân luồng giao thông: Dời điểm kẹt xe từ chỗ này sang chỗ khác?

Phân luồng giao thông: Dời điểm kẹt xe từ chỗ này sang chỗ khác?

Với cách phân luồng giao thông tại TP.HCM như hiện nay thì cứ xóa một điểm kẹt xe lại phát sinh nhiều điểm kẹt xe mới. Như vậy nạn kẹt xe chẳng bao giờ hết... Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ TP.HCM nhận xét như trên.

Việc phân luồng khu vực đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận, Gò Vấp) mới đây là một ví dụ về sự thiếu tính toán khi xây dựng phương án phân luồng giao thông. Trục đường Nguyễn Kiệm khi trở thành một chiều đã dồn áp lực xe cộ lên các đường nhánh xung quanh như Hồ Văn Huê, Đào Duy Anh, Hoàng Minh Giám, Phạm Ngũ Lão... khiến các đường này trở nên quá tải. Đó là chưa kể việc phân luồng một chiều đường Hồ Văn Huê, Đào Duy Anh khiến xe cộ từ trung tâm TP muốn đi về Gò Vấp bắt buộc phải rẽ về ngã tư Phú Nhuận, gây ùn tắc nghiêm trọng tại giao lộ vốn đang là điểm nóng về kẹt xe này.

Phân luồng kiểu “thử, sai và... sửa”

Thay vì lường định các tình huống này từ đầu, Sở Giao thông công chính (GTCC) TP.HCM phải đợi đến khi người dân khốn khổ vì kẹt xe do phân luồng mới vội vã đưa ra những biện pháp điều chỉnh cảm tính.

Chẳng hạn, để giải quyết dòng xe dồn ứ trên đường Hoàng Văn Thụ, sở tăng thời gian đèn xanh để xe cộ thoát nhanh qua ngã tư Phú Nhuận nhưng lại gây ùn ứ nặng hơn trên đường Phan Đình Phùng. Biện pháp cấm ôtô lưu thông trên đường Nguyễn Thái Sơn dù giải tỏa được ùn tắc trên đường Nguyễn Thái Sơn nhưng lại gây kẹt xe trên đường Phạm Ngũ Lão...

Việc mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ công viên Gia Định đến giao Đào Duy Anh) lẽ ra phải hoàn thành trước khi tổ chức phân luồng để đảm bảo thông suốt cho luồng xe khổng lồ từ Gò Vấp đổ về mỗi cao điểm sáng. Thế nhưng chỉ sau ngày đầu phân luồng xảy ra kẹt xe kinh khủng, sở mới hối hả yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh việc mở rộng đường Hoàng Minh Giám để giải quyết nút thắt cổ chai tại đây.

Trước đó, việc phân luồng một chiều đường Nguyễn Thị Minh Khai và Võ Văn Tần do không chuẩn bị kỹ nên cũng phát sinh thêm những điểm kẹt xe mới như: Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần... Và Sở GTCC cũng vội vàng đưa ra hàng loạt biện pháp điều chỉnh.

Không thể lấy người dân làm thí nghiệm

Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ TP cho rằng hầu hết đợt phân luồng của Sở GTCC đều không nhắm đến việc giải quyết kẹt xe trên diện rộng mà cứ kẹt đâu phân luồng đó bằng cách dời điểm kẹt xe từ chỗ này sang chỗ khác. Cán bộ này nhận xét: với cách phân luồng như hiện nay thì cứ xóa một điểm kẹt xe lại phát sinh nhiều điểm kẹt xe mới. Như vậy thành tích giải quyết ùn tắc không lúc nào thiếu nhưng vấn nạn kẹt xe cũng chẳng bao giờ hết!

Theo một chuyên gia về giao thông, việc phân luồng giao thông không thể dùng phương pháp “thử và sai” dựa trên “người thật, xe cộ thật” như hiện nay vì làm tổn hao sức lực, tiền bạc của người dân cũng như chính quyền.

Trước khi phân luồng nên mô phỏng trên máy tính để có cái nhìn tổng thể cũng như dự đoán trước những tình huống xảy ra. Việc quan trắc định lượng số lượng từng loại xe theo từng thời điểm trong ngày, theo mùa, ứng xử của người tham gia giao thông... là hết sức quan trọng để xây dựng phương án phân luồng. Thế nhưng hiện nay Sở GTCC không dùng máy chuyên dụng mà dùng người để đếm lưu lượng xe cộ nên thường không chính xác, phần nào dẫn đến những phương án phân luồng xa rời thực tế.

Cũng có ý kiến cho rằng với điều kiện đường sá và xe cộ ở TP.HCM hiện nay thì không nên thực hiện phân luồng một chiều ồ ạt. Mục đích của phân luồng là điều chỉnh lưu lượng xe cộ ở những đường có mật độ dày đặc sang những đường thông thoáng hơn, nhưng phải thừa nhận ở TP.HCM bây giờ gần như đường nào cũng quá tải. Trong khi đó, việc phân luồng một chiều thường bắt xe cộ phải đi đường vòng xa hơn, do đó tăng thời gian hiện diện của phương tiện trên đường, dẫn đến tăng mật độ lưu thông và có khi làm trầm trọng thêm việc tắc đường.

Trước đây, Sở GTCC đã nhiều lần phạm sai lầm trong việc tổ chức phân luồng. Cụ thể, năm 2001 đã xảy ra hàng loạt vụ kẹt xe nghiêm trọng khi sở cho lắp đặt những tiểu đảo một cách vô tội vạ tại khu vực ngã bảy Lý Thái Tổ - Điện Biên Phủ và công trường Mê Linh. Sau đó, đơn vị thi công đã phải đập bỏ những tiểu đảo bất hợp lý này. Đến năm 2004, sở lại “vô cớ” lắp đặt dải phân cách trên đường Cách Mạng Tháng Tám gây ùn tắc kéo dài tại khu vực vòng xoay Phù Đổng vốn trước đó chỉ bị ùn ứ.

Tuy nhiên, những “đau thương” này đã không được Sở GTCC rút ra bài học kinh nghiệm nào khi nhiều đợt phân luồng mới đây cũng thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến phải điều chỉnh tới lui nhiều lần.

Kẹt xe do đặt dải phân cách bất hợp lý 

Sáng 30-11 đã xảy ra kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực công viên Hoàng Văn Thụ (ảnh) do Sở GTCC TP.HCM vừa lắp đặt dải phân cách bê tông dài khoảng 10m ngay giữa giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi. Kẹt xe lan rộng ra các đường xung quanh và gây ùn tắc cả vòng xoay Lăng Cha Cả. Đến gần 10g, đã qua giờ cao điểm nhưng tình trạng ùn ứ vẫn căng thẳng dù có đến tám cảnh sát giao thông liên tục tham gia điều tiết.

Các cảnh sát giao thông ở đây nhận xét việc lắp đặt dải phân cách ngay giữa giao lộ là bất hợp lý vì không những thu hẹp mặt đường mà còn dễ xảy ra va quẹt tại hai đầu con lươn. Trong khi đó, Sở GTCC TP khẳng định việc lắp đặt dải phân cách tại giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi là cần thiết. Tuy nhiên, Sở GTCC thừa nhận do triển khai phân luồng gấp gáp nên chưa kịp thông báo rộng rãi đến người dân, và cho rằng do "người dân chưa quen" nên mới xảy ra kẹt xe.

Theo Phương Thanh (Tuổi Trẻ)