itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Thiếu chế tài người đứng đầu, luật công sản khó hiệu quả

Thiếu chế tài người đứng đầu, luật công sản khó hiệu quả

Đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận

về hai dự luật sẽ trình Quốc hội

vào giữa năm. Ảnh: VA

"Nếu Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước không quy định chế tài trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi để thất thoát, lãng phí, sai mục đích sử dụng tài sản công, thì chưa đạt mục đích, yêu cầu". Đại diện ban pháp chế của HĐND Hà Nội góp ý với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chiều 13/3 về 2 dự án luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Cho thuê hay không?

Về dự luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, ông Nguyễn Văn Tuyến, giảng viên ĐH Luật cho rằng, dự luật chưa phân biệt được các nguyên tắc của nền hành chính công và tài chính công.

"Điều này có thể dẫn đến tình trạng khó áp dụng, đặc biệt cần làm rõ một nguyên tắc cơ bản là "mọi tài sản Nhà nước phải có chủ thể quản lý rõ ràng", nhằm xác định được trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức khi làm tổn hại tài sản Nhà nước", ông Tuyến nói.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến thì đề nghị Luật phải quy định chế tài xử lý khi làm thất thoát, lãng phí tài sản công.

Đại diện Ban Pháp chế của HĐND thành phố Đỗ Hoài Nam cũng đồng tình: "Nếu Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước không quy định chế tài trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, kể cả của Thủ tướng, khi để thất thoát, lãng phí, sai mục đích sử dụng tài sản công, thì chưa đạt mục đích, yêu cầu".

Đa số các đại biểu tham dự đồng tình với việc không thể để cơ quan, đơn vị cho thuê phần đất đai trụ sở không sử dụng hết, mà nên quy định đấu thầu cho đơn vị khác sử dụng.

Phó phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội Võ Thị Cẩm Thúy cho rằng Luật nên quy định giao cho các chủ đầu tư khác sử dụng phần tài sản này thông qua hình thức đấu thầu, nhằm "đảm bảo công bằng giữa các cơ quan".

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị ở điều khoản về thanh lý tài sản công, nên tính đến yếu tố môi trường. "Có những tài sản nếu cơ quan Nhà nước thanh lý để người dân sử dụng thì sẽ nguy hại cho môi trường như máy tính, ô tô quá cũ. Vì thế, thay vì thanh lý thì phải có quy định cho tiêu hủy".

Cá nhân có quyền nêu sáng kiến lập pháp

Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), giảng viên luật Nguyễn Văn Tuyến nhấn mạnh tư tưởng cần quán triệt là "mọi quy định của pháp luật phải bắt nguồn từ cuộc sống, cho nên các sáng kiến lập pháp không phải chỉ bắt nguồn từ các cơ quan công quyền, mà phải gồm cả các sáng kiến do cá nhân, tổ chức, đoàn thể xã hội đưa ra".

Vườn thú HN đã từng được xẻ thịt vô tội vạ để cho thuê làm quán cafe,
karaoke... với giá bèo.

"Pháp luật là công cụ để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng nên quá trình làm luật cần đơn giản, hiệu quả, có sự tham gia tích cực của người dân, đảm bảo mọi người dân đều có khả năng tiếp cận được với quá trình lập pháp", ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cũng cho rằng dự luật phải xác định rõ "thứ bậc về giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng văn bản có giá trị ngang nhau, khiến người dân "choáng váng" không biết phải tuân theo văn bản nào. Cố gắng cụ thể hóa các quy định trong các văn bản có hiệu lực cao như luật, bộ luật, thay vì phải ban hành nghị định, thông tư, vì như thế, vô hình chung, Quốc hội đã từ bỏ quyền lập pháp của mình".

Giảng viên luật Nguyễn Văn Tuyến cũng đề nghị bổ sung vào dự luật một quy định được ông cho là "đột phá". Đó là việc cho phép các cá nhân, tổ chức tham gia đấu thầu xây dựng luật, nhằm có được những luật có tính khả thi cao, lại tốn ít chi phí và hiệu quả.

Dự kiến, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.

Vân Anh / Vietnamnet