itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Vietnam Access Day: Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Vietnam Access Day: Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Theo ước tính, GDP năm 2025 của Việt Nam tăng thêm 26,2 tỷ USD nếu là TPP11 và 35,7 tỷ USD nếu là TPP11+Nhật Bản. Trong khuôn khổ Hội nghị đầu tư quốc tế Vietnam Access Day 2014 đang diễn ra tại TP.HCM, luật sư Fred Burke, đại diện công ty luật Baker & Mc Kenzie đã đưa ra một số nhận định về những lợi ích mà Việt Nam sẽ đạt được khi tham gia TPP.

Trước tiên, ông Burke khẳng định Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ đem lại những lợi ích lớn lao cho kinh tế toàn cầu. Thu nhập toàn cầu tăng 223 tỷ USD (tương đương 0,7%), xuất khẩu tăng thêm 305 tỷ USD (tương đương 4,6%), nhập khẩu tăng 325 tỷ USD (tương đương 4,2%) và dòng vốn FDI tăng thêm 255 tỷ USD (tương đương 2,5%).

So với các hiệp định thương mại khác, TPP có những lợi thế vượt trội, gấp 3 lần so với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP), gấp gần 9 lần so với FTTAAP (Hiệp định nhằm thành lập một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương).

Còn đối với Việt Nam, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều thứ ba trong hiệp định TPP, xét về khía cạnh gia tăng thu nhập. Theo ước tính, GDP năm 2025 của Việt Nam tăng thêm 26,2 tỷ USD nếu là TPP11 và 35,7 tỷ USD nếu là TPP11+Nhật Bản. So với ước tính 340 tỷ USD nếu không tham gia TPP, GDP đã tăng thêm lần lượt 7,7% và 10,5%.

Sở dĩ Việt Nam thu được nhiều lợi ích từ TPP là bởi các nhà sản xuất có thể xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn đồng thời lượng hàng hóa nhập khẩu cũng tăng lên. Nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng được tăng cường bởi sự lạc quan của nhà đầu tư. Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu, sản lượng được nâng cao nhờ môi trường cạnh tranh hơn và Việt Nam cũng có nhiều động lực để đẩy mạnh cải cách.

Ngoài việc khiến GDP tăng mạnh, TPP sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, thiết lập các tiêu chuẩn cho hoạt động thương mại và đầutuư trong tương lai và đặt Việt Nam vào “cơn lốc thương mại”.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều quyết định khó khăn. Việt Nam là bên hưởng lợi nhiều nhất, nhưng cũng sẽ mất rất nhiều nếu không thể hội nhập tốt.

Minh Anh

Theo Trí Thức Trẻ