itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Độ mở của thị trường chứng khoán Việt Nam tới đâu?

Độ mở của thị trường chứng khoán Việt Nam tới đâu?

Việc không nhận thức đầy đủ kinh nghiệm thế giới để ra được chính sách hay là thiệt thòi to lớn cho kinh tế nước ta. Bởi nếu chính sách về room chậm thay đổi sẽ dẫn tới tình trạng các DN tư nhân kinh doanh hiệu quả không muốn tham gia niêm yết vì ít có lợi ích.

Sinh ở đâu, kê khai quốc tịch đó

Câu chuyện khai sinh cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp (DN) theo pháp luật nước sở tại theo thông lệ quốc tế cũng giống như chuyện người ta sang Mỹ đẻ con để em bé có quốc tịch Mỹ. Hay nói cách khác, tuân theo 1 triết lý đương nhiên là anh sinh ra ở đâu thì nhận quốc tịch ở đó.

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập DN theo pháp luật nước sở tại thì coi là nhà đầu tư trong nước, đương nhiên họ có nghĩa vụ và quyền lợi như DN trong nước, và họ được khuyến khích đầu tư với tỷ lệ cổ phần không hạn chế vào DN trong nước.

Thông lệ quốc tế cùng có chuyện một số DN kinh doanh thuộc lĩnh vực hạn chế thì có thể hạn chế tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hạn chế ở đây là về tỷ lệ cổ phần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được chiếm đa số và cách thức hạn chế là nhà nước nắm cổ phần chi phối tại 1 số DN đặc biệt.

Lý giải việc nhiều nước trên thế giới lại coi việc nhà đầu tư nước ngoài thành lập pháp nhân tại nước sở tại là nhà đầu tư trong nước, nghiên cứu của VAFI cho thấy họ muốn tăng cường khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực tài chính chứng khoán nhằm thành lập các công ty quản lý quỹ, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư ở trong nước để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, bơm vốn nhiều hơn cho nền kinh tế.

Đồng thời khuyến khích thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn để làm cho thị trường vốn phát triển ổn định. Quy định này cũng thể hiện chủ trương thúc đẩy đầu tư của chính phủ ở khía cạnh không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó DN được thành lập theo pháp luật Việt Nam với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 51%/vốn điều lệ thì được coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài và khi đầu tư vào DN trong nước thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào công ty đại chúng thì tỷ lệ góp vốn không quá 49%/vốn điều lệ, với lĩnh vực ngân hàng thì tỷ lệ đầu tư không quá 30%/vốn điều lệ.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài (nhất là trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán) đã từng phàn nàn sinh ra tại Việt Nam mà coi đó là DN nước ngoài thì thật không hợp lý. Họ phải chịu rất nhiều nghĩa vụ và thủ tục hành chính như DN trong nước nhưng quyền lợi lại không được đồng hạng. “Chính nhân tố này là rào cản rất lớn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các DN Việt Nam” VAFI đặt dấu hỏi.

Lý giải thêm việc không hạn chế tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực và ngành nghề (trừ 1 số ngành nghề đặc biệt quan trọng) VAFI chỉ ra 3 lợi ích cơ bản.

Đó là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho DN dễ dàng huy động được nguồn vốn cổ phần giá rẻ và tăng tính thanh khoản của cổ phiếu; Việc không có rào cản cho Nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vốn chẳng những kích thích dòng vốn FII mà còn kích thích mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong nước; Cơ cấu cổ đông sẽ thay đổi cơ bản theo hướng tỷ trọng cổ phần của nhà đầu tư tổ chức chiếm đa số, điều đó sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản trị DN và huy động vốn.

VAFI khuyến nghị “Các nhà hoạch định chính sách cần thấy rằng việc kích thích TTCK phát triển bền vững là phương thức chủ yếu để phát triển kinh tế trong nước, điều này có lẽ ít được đề cập trong các chương trình hành động của các bộ kinh tế”.

Không chìa “cà rốt” vì chưa có “gậy” ?

VAFI cho rằng các DN tư nhân Việt Nam chưa niêm yết không có rào cản nào trong việc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tối đa hay mua cả DN. Đây là 1 điểm sáng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên VAFI một lần nữa đặt câu hỏi “trong cùng 1 đất nước, tại sao lại có sự khác biệt về chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với khối DN niêm yết khi đưa ra room”.

VAFI cho rằng có lẽ do các nhà hoạch định chính sách ít nghiên cứu về vấn đề này nên không có kinh nghiệm và khi đã không biết hay ít biết thì bao giờ cũng e dè, chậm chạp trong công tác hoạch định chính sách.

Việc không nhận thức đầy đủ kinh nghiệm thế giới để ra được chính sách hay là thiệt thòi to lớn cho kinh tế nước ta. Bởi nếu chính sách về room chậm thay đổi sẽ dẫn tới tình trạng các DN tư nhân kinh doanh hiệu quả không muốn tham gia niêm yết vì ít có lợi ích.

Một số DN niêm yết (không phải DNNN cổ phần hóa) đã, đang và sẽ có kế hoạch hủy niêm yết, như vậy mục tiêu phát triển TTCK không đạt được theo thông lệ thế giới.

Nhưng, làm thế nào để hóa giải những tác động bất lợi từ việc gia tăng độ mở này? Kinh nghiệm chỉ ra với nhiều quốc gia có chính sách không hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì việc mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết từ nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước sẽ không chỉ có ý nghĩa trong việc huy động vốn mà còn rất có ý nghĩa trong quản trị doanh nghiệp.

Một số quốc gia có hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ hết sức có ý nghĩa ở khía cạnh vừa làm tăng tính thanh khoản cổ phiếu và tăng khả năng huy động vốn cho DN từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Dự thảo chính sách sắp tới quy định cho nhà đầu tư nước ngoài mua với tỷ lệ không quá 10%/vốn điều lệ, đây là tỷ lệ rất thấp.

Trong khi đó, nhìn nhận kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính Châu Á của các nước trong khu vực giai đoạn 1997 – 2001, chính việc ban hành quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào DN trong nước của nhiều nước Châu Á gặp khủng hoảng là giải pháp quan trọng nhất để cộng đồng DN các nước nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng, chứ không phải là giải pháp cho ra đời và hoạt động của AMC .

Việt Nam đang cố gắng xử lý nợ xấu, nhưng nợ xấu chậm được giải quyết. Nhiều nhà quản lý đang kỳ vọng ở việc ra đời hoạt động của VAMC, tuy nhiên VAFI khẳng định rằng vai trò của VAMC là hết sức hạn chế và cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để nhanh chóng xử lý nợ xấu.

Mở room cho khối DN niêm yết và cho ngành Ngân hàng sẽ tạo động lực cho hàng vạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia tích cực vào tiến trình xử lý nợ xấu và phục hồi nền kinh tế nước nhà.

* Thái Lan có giới hạn nhà đầu tư nước ngoài không sở hữu quá 49%/vốn điều lệ trong lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên lại không hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần không có quyền biểu quyết, điều này rất có ý nghĩa trong việc giúp hệ thống ngân hàng Thái Lan dễ dàng huy động vốn, một số ngân hàng Thái Lan có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ( cả không quyền biểu quyết) là 70% /vốn điều lệ.

Theo Nhất Thanh

Thời báo ngân hàng