itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Giá thấp chưa hẳn... rẻ

Giá thấp chưa hẳn... rẻ

Không chỉ có những cổ phiếu (CP) Blue-chips mới thu hút nhà đầu tư (NĐT) mà các CP có giá thấp (Penny-stocks) cũng tăng giá vùn vụt khi thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cảnh báo nên thận trọng khi đầu tư vào những CP này.

Giá tăng vùn vụt

CP Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) bắt đầu tăng liên tiếp trong hai tuần qua với nhiều phiên tăng trần (đạt 5%/phiên). Nếu như đầu tháng 9, CP này chỉ có mức giá 20.300 đồng/CP thì đến ngày 5.10 đã đạt 25.100 đồng/CP và khối lượng giao dịch cũng khá cao, hơn 232.000 CP. Tương tự, CP Công ty gạch men Chang Yil (CYC) cũng tăng từ 14.900 đồng lên 20.600 đồng/CP cùng thời gian trên. Các CP có giá dưới 50.000 đồng/CP cũng tăng tốc khá ngoạn mục như VTA, VTB, VTC, TYA...

Việc tăng giá của các CP Penny-stocks đang diễn ra tương tự như thời điểm đầu năm 2007. Sự hưng phấn của các NĐT, đặc biệt là những NĐT mới tham gia thị trường đã tạo ra lực đẩy mới cho các CP này. Anh Bảo, một NĐT tại sàn SSI lập luận rằng, nếu như anh chỉ có 30 triệu đồng trong tài khoản thì khó để mua những CP có giá trên 100.000 đồng/CP. Anh nói: "Khi đó, tôi có thể mua được gần 1.500 CP BBT; trong khi nếu mua CP NKD thì chỉ được 100 cái (giá 225.000 đồng/CP vào ngày 11.10). Nếu xét về lợi nhuận, khi BBT tăng giá 1.000 đồng/CP thì NKD phải có mức tăng tương ứng 11.000 đồng/CP. Xét tình hình thị trường hiện nay thì khả năng trên đối với BBT dễ xảy ra hơn với trường hợp của NKD".

Mua 5.000 CP BBT lúc giá còn 20.000 đồng/CP, chị An - NĐT mở tài khoản tại BVSC đã bán ra trong tuần qua với giá 23.500 đồng/CP. Tính ra chị đã lời hơn 20% chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Theo chị, hiện nay TTCK Việt Nam có xu hướng "nước lên thuyền cũng lên" nên chị vẫn đang tiếp tục "săn lùng" CP giá thấp nhưng còn nhiều khả năng tăng lên.

Giá thấp chưa hẳn... rẻ

Khi thị trường đồng loạt tăng "nóng", các CP đều lên giá ào ạt nên nhiều NĐT cá nhân không còn thời gian để suy nghĩ và xem xét về tình hình hoạt động hay các chỉ tiêu tài chính của công ty đó. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường có biến động. Ví dụ CP BBT ngày 10.10 có mức giá 24.200 đồng/CP thì chỉ số P/E (thị giá/thu nhập mỗi CP) là 50,67 lần; EPS (thu nhập trên mỗi CP) điều chỉnh là 0,48. Trong khi đó, nếu lấy giá CP DHG cùng ngày là 415.000 đồng/CP (đây là CP có giá cao thứ 2 tại sàn TP.HCM) thì chỉ số P/E là 39,75 lần; EPS điều chỉnh là 10,44. Rõ ràng xét về cả hai chỉ số này thì DHG vẫn tiềm năng và an toàn hơn BBT. Ông Nguyễn Thanh Trí, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Gia Quyền, cho rằng ngoài 2 chỉ số trên, các chỉ số khác như ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của DHG cũng khá tốt. "Nếu so sánh hàng loạt CP có thị giá thấp với các CP thuộc hàng Blue-chips đang có giá cao ngất thì không phải CP có giá thấp là giá rẻ. NĐT đang quên đi việc tìm hiểu về giá trị thật của công ty khi mình muốn bỏ tiền ra đầu tư. Điều này khá mạo hiểm cho chính NĐT" - ông Trí nói.

Trong dài hạn, khi đầu tư vào CP, NĐT phải luôn quan tâm đến mức cổ tức được chia hằng năm là bao nhiêu. Hay nói cách khác, EPS sẽ thu về được khi bỏ tiền ra mua CP là bao nhiêu. Đối với các NĐT nước ngoài, EPS là chỉ số khá quan trọng. Ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital nhấn mạnh rằng mình luôn tuân thủ theo các nguyên tắc đầu tư đã đặt ra, trong đó quan tâm hàng đầu đến chỉ số EPS, đặc biệt công ty nào trả cổ tức bằng tiền mặt là tốt nhất. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng trong những thời điểm thị trường điều chỉnh, thông thường các loại CP Penny-stocks sẽ là những CP bị ảnh hưởng đầu tiên và mức giảm giá cũng nhiều nhất. Tuy nhiên, CP Blue-chips hay Penny-stocks đều không đồng nghĩa với tốt hay xấu mà nó phụ thuộc vào yếu tố nội tại của mỗi CP. NĐT cần xem xét đến các chỉ số cơ bản khi phân tích CP trước khi ra quyết định đầu tư.

TN