itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Nhà đầu tư TP HCM 'mê' cổ phiếu sàn Hà Nội

Nhà đầu tư TP HCM 'mê' cổ phiếu sàn Hà Nội

Sự thăng hoa của nhiều mã cổ phiếu tại sàn Hà Nội thời gian qua là nguyên nhân khiến nhiều nhà kinh doanh trên đất Sài Gòn chuyển hướng đầu tư ra thủ đô nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Phong trào đua nhau mua cổ phiếu sàn Hà Nội rộ lên khoảng 2 tuần nay khi chỉ số Hastc-Index liên tục thăng điểm. Những cổ phiếu chủ chốt như ACB, BVS, PAN, SDA, SD7 kịch trần nhiều phiên liên tiếp khiến không khí sàn này nóng hẳn lên. Đơn cử, PAN đang lình xình ở mức 60.000 đồng một cổ phiếu 2 tháng trước, song tính tới lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (22/10) đã lên đến 194.700 đồng. Những cổ phiếu thuộc nhóm SD cũng biến động lên mức 10% mỗi phiên.

Anh Tùng, mở tài khoản tại Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho hay, gia nhập thị trường được 2 năm, anh chỉ mua cổ phiếu niêm yết tại sàn TP HCM vì cho rằng tình hình làm ăn của các công ty niêm yết tại đây tốt, biên độ biến động giá chỉ 5%, ít rủi ro. Tuy nhiên, diễn biến thị trường khả quan khiến nhiều cổ phiếu sàn Hà Nội thăng hoa, liên tục kịch trần nhiều phiên liên tiếp. Trong khi đó, cổ phiếu sàn TP HCM lại trồi sụt suốt cả tuần nay nên anh quyết định chuyển hẳn danh mục đầu tư qua sàn Hà Nội. Hiện anh Tùng đang nắm hai mã cổ phiếu PAN và SD9.

Chị Trúc, nhà đầu tư sàn Công ty cổ phần chứng khoán Cao Su cũng dồn tiền mua 2.000 SSI hơn một tháng trước với giá 153.000 đồng. Tính đến ngày tạm ngừng giao dịch tại sàn Hà Nội để chuyển vào sàn TP HCM, SSI chốt giá hơn 265.000 đồng, lãi hơn gấp đôi. Tuy nhiên, chị Trúc vẫn chưa có ý định bán ra bởi cho rằng, phiên chào sàn sắp tới chắc chắn cổ phiếu này sẽ kịch trần và mức giá tối đa có thể đạt tới còn cao hơn.

Một nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), cũng tiết lộ đang chờ cơ hội để bán một số mã đang èo uột tại sàn TP HCM để gom tiền mua cổ phiếu Hà Nội. "Biên độ 10% mỗi phiên tạo cơ hội nhà đầu tư có thể thu lời nhanh hơn", anh này nói.

Theo ghi nhận của VnExpress, 9h sàn Hà Nội mới mở cửa giao dịch song để mua được cổ phiếu, nhưng ở Sài Gòn nhiều nhà đầu tư đã đến sàn đặt lệnh từ lúc hơn 8h sáng. Họ vừa xem tin tức, chỉ số từ các trang web và sôi nổi bàn luận về sự bứt phá của sàn này trong thời gian gần đây.

Việc các nhà đầu tư TP HCM chú ý đến sàn Hà Nội khiến khối lượng và giá trị giao dịch tăng đột biến. Từ mức 600.000-800.000 đơn vị, tương đương 80-90 tỷ đồng mỗi phiên hồi tháng 6, tháng 7; nay khối lượng chứng khoán khớp lệnh của Hastc một phiên lên mức 4,5-5 triệu đơn vị, giá trị hơn 500 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư TP HCM đua đầu tư vào cổ phiếu sàn Hà Nội. Ảnh: Ánh Hồng.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Đại diện Công ty cổ phần chứng khoán Á Châu (ACBS) xác nhận, một số nhà đầu tư vừa và nhỏ đang có xu hướng đầu cơ cổ phiếu của sàn Hà Nội để thu lời nhanh. Biên động giá cổ phiếu niêm yết tại đây lên đến mức 10% mỗi phiên và suốt 4 tháng thị trường điều chỉnh, giá đã về mức hấp dẫn. Tuy nhiên, những đại gia của sàn TP HCM thì chỉ san sẻ một phần vốn sang sàn Hà Nội. Nguyên nhân là tính thanh khoản của sàn này rất kém và thường bị hiệu ứng của sàn TP HCM.

Thêm vào đó, nhiều cổ phiếu của sàn thủ đô lên giá mạnh trong hai tuần qua thường là của những công ty có vốn nhỏ. Theo ông Tuấn, số lượng cổ phiếu giao dịch ít rất dễ dẫn đến chuyện nhà đầu tư lớn liên kết với nhau để làm giá.

Một chuyên gia chứng khoán đã dùng từ "tăng điên" để chỉ những cổ phiếu thuộc nhóm "SD.." bởi chỉ trong hơn một tháng, giá những mã này đã đội lên gấp đôi. Những mã khác có thông tin chuyển sàn hoặc công bố lợi nhuận cũng liên tục kịch trần, dư bán bằng 0.

Theo nguồn tin ông này có được, xu hướng đầu tư cổ phiếu sàn Hà Nội bắt nguồn từ những nhà môi giới của các công ty chứng khoán. Các môi giới này lại tư vấn cho những người quen của mình mua khiến cổ phiếu sàn Hà Nội đã nóng lại càng thêm sốt. Lợi dụng thời cơ, một số tay chơi áp dụng thủ thuật đánh 2 tài khoản để làm giá cổ phiếu. Thông thường là mua cổ phiếu phiên đầu và bán ra phiên cuối và ngược lại, chênh lệch lớn nhất có thể lên đến 20%.

Ông Huỳnh Anh Tuấn khuyên, nhà đầu tư nên thận trọng trước diễn biến của sàn Hà Nội, sẽ rất rủi ro khi tỷ lệ đặt mua một loại cổ phiếu quá cao khiến cổ phiếu trở nên khan hiếm. Những tay đầu cơ sẽ cố tình ghìm hàng đến mức giá hài lòng thì sẽ đồng loạt đẩy hàng ra. Về nguyên tắc, người nắm cổ phiếu sau cùng sẽ lỗ nặng nhất.

Ánh Hồng