itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Thận trọng khi bắt đáy chứng khoán

Thận trọng khi bắt đáy chứng khoán

Các nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn vẫn có thể canh giá đối với những CP trong “tầm ngắm” và nên giải ngân dần.

Thị trường chứng khoán suốt tuần qua biến động khá mạnh với xu hướng chủ đạo giảm điểm. Thế nhưng, đóng cửa phiên cuối tuần ngày 21.6, chỉ số VN-Index còn 498,84 điểm, chỉ giảm nhẹ 3% so với cuối tuần trước đó. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần thận trọng trước thực trạng này.
Hai tác nhân quan trọng
Mức giảm điểm của VN-Index sau một tuần không sâu nhưng khá nhiều cổ phiếu (CP) đã có mức giảm giá 10 - 15%. Do vậy, phiên giao dịch cuối tuần qua nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy khiến một số CP quay đầu tăng điểm trở lại và thanh khoản cả hai sàn cũng tăng vọt lên hơn 2.000 tỉ đồng (tăng gần gấp đôi so với những phiên giảm điểm liền kề trước đó). Các công ty chứng khoán đều nhận định tuần qua các nhà đầu tư đều e ngại khi hai quỹ đầu tư ETF (quỹ đầu tư chỉ số) đang tái cơ cấu danh mục. Vì vậy, khối lượng CP bán ra của khối ngoại tăng vọt. Cụ thể, ước tính trong tuần khối ngoại đã có 8 phiên bán ròng liên tục trên sàn TP.HCM với giá trị bán ròng đạt hơn 800 tỉ đồng. Tuy nhiên, sang tuần mới này, thị trường chứng khoán (TTCK) dự kiến sẽ cân bằng trở lại khi hai quỹ ETF đã hoàn thành việc cơ cấu danh mục mới.
Thời gian gần đây, giao dịch của hai quỹ ETF đã có tác động mạnh đến diễn biến trên TTCK Việt Nam, nhất là việc bán ra hay mua vào một lượng lớn những CP có tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư, khiến cho giá những CP này giảm hay tăng tương ứng. Điều đó cũng là một nguyên nhân làm các nhà đầu tư cá nhân trong nước luôn chạy trước đón đầu mua hay bán những CP mà hai quỹ ETF công bố thêm vào hay loại bỏ trong danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là tất cả CP mà hai quỹ ETF mua vào sẽ tăng giá. Sự tác động của khối ngoại gần đây cũng hay được nhắc đến khá nhiều. Theo thống kê, trong số gần 700 doanh nghiệp đang niêm yết thì có khoảng 3% doanh nghiệp đã hết tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Trong khi đó có đến 73% doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của NĐTNN dưới 10%. Như vậy, khối ngoại chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với một số ít doanh nghiệp chứ không phải toàn bộ CP đang niêm yết trên TTCK.
Dựa theo tỷ trọng nắm giữ CP và giao dịch mua bán thì thấy khối ngoại khá ưa thích các ngành nghề liên quan đến tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán. Ngoài ra, còn một số ngành nghề được họ chú ý như dầu khí, y tế và hàng tiêu dùng.
Chọn cổ phiếu nào ?
Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM nhận định những nhà đầu tư cá nhân ít khả năng chịu đựng rủi ro chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại. Do hiện nay không có nhiều tin tức tốt về kinh tế vĩ mô để có thể hỗ trợ TTCK tăng điểm. Những thông tin cũ như công ty giải quyết nợ xấu hay quyết định sẽ nâng tỷ lệ sở hữu thêm cho NĐTNN… đã không còn phản ánh hết thực trạng doanh nghiệp. Đồng thời dòng tiền vào thị trường vẫn chưa mạnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn vẫn có thể canh giá đối với những CP trong “tầm ngắm” và nên giải ngân dần.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng để chờ xu hướng thị trường rõ ràng hơn, nhất là chờ sau khi cuộc họp của Quốc hội kết thúc những chính sách kinh tế sẽ được ban hành và thực hiện như thế nào. Riêng đối với những nhà đầu tư dài hạn hoặc tiềm lực tài chính dồi dào, có thể lựa chọn những CP có lợi nhuận nhiều, mức chia cổ tức cao để mua vào. Tuy nhiên, phải so sánh mặt bằng giá CP với những đơn vị cùng ngành, vì không loại trừ nhiều CP khi có thông tin chia cổ tức cao thì giá đã tăng lên rất nhiều lần. “Việc lựa chọn đúng CP của các doanh nghiệp hoạt động ổn định, tình hình tài chính lành mạnh thì mua vào và nắm giữ từ 6 tháng đến 1 năm sẽ thắng”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.

Theo Mai Phương

Thanhnien