itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Thị trường M&A 5 tỷ USD

Thị trường M&A 5 tỷ USD

Nhiều chuyên gia nhận định đây là thời điểm chín muồi cho hoạt động M&A công ty chứng khoán. Tín hiệu trên thị trường cho thấy, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính dù diễn ra âm thầm, nhưng ngày càng sôi động. Tại diễn đàn M&A được tổ chức tại Tp.HCM, các chuyên gia nhận định xu hướng này tiếp tục tăng nhanh và ước tính cả năm 2013 vẫn đạt giá trị tương đương năm 2012 với hơn 300 thương vụ đạt khoảng 5 tỷ USD.

Đây là một con số không nhỏ đối với thị trường M&A Việt Nam. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến thị trường này. Một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng, dược phẩm, nông nghiệp và bán lẻ luôn được chú ý trong dài hạn khi có tiềm năng phát triển mạnh.
M&A ngân hàng, chứng khoán
Theo các chuyên gia, thị trường M&A đang tăng trưởng vượt bậc về giá trị, cũng như chất lượng, mặc dù có rất nhiều thương vụ còn được giữ kín đến phút chót. Trong đó, các giao dịch trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán đang đi vào thực chất hơn, cộng với nhiều chiêu trò thú vị.
Trước đây, lĩnh vực ngân hàng chủ yếu bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nhằm thu hút vốn, nâng cao năng lực quản trị. Giờ đây, hoạt động M&A giữa các ngân hàng Việt Nam diễn ra sôi động hơn và không chỉ bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, mà nhiều thương vụ M&A giữa các ngân hàng nội với nhau đã diễn ra thành công.
Vướng vào gánh nặng nợ xấu, thanh khoản và khủng hoảng, nhiều ngân hàng bị buộc hoặc tự nguyện hợp nhất. Qua đó, các ngân hàng có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới lớn mạnh hơn cả về quy mô lẫn thị phần khách hàng. Hơn nữa, NHNN khuyến khích các ngân hàng tự nguyện thực hiện M&A.
Các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán thì giá cổ phiếu cũng sụt giảm mạnh và là mục tiêu mua lại của các nhà đầu tư hoặc đối thủ cạnh tranh. HDBank đang tận dụng cơ hội này để hợp nhất DaiABank nhằm hoạch định chiến lược phát triển, mở rộng ra nhiều đối tượng khách hàng, tăng sản phẩm tín dụng, mạng lưới, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính và dịch vụ…
Ở lĩnh vực các công ty chứng khoán (CTCK), nhiều chuyên gia nhận định đây là thời điểm chín muồi cho hoạt động M&A. Điều này xuất phát từ cả nhu cầu của bên muốn ra đi, lẫn bên muốn nhập cuộc. Các CTCK đi thâu tóm cũng quan tâm phân tích điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ. Các CTCK có vốn khả dụng tốt quan tâm tới những CTCK có chỉ tiêu này kém, nhưng có phân khúc khách hàng ít… đụng hàng.
Quá trình M&A không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, đôi khi đụng đến quyền lợi sát sườn, nhiều khi các đối thủ còn tung chiêu trò làm khó nhau, làm cho thương vụ bất thành. Điển hình như quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ động đến quyền lợi cổ đông lớn, những người sáng lập không dễ gì buông lĩnh vực mà mình tâm huyết gắn bó.
Trong khi đó, thông qua M&A, các ngân hàng mới được lợi nhiều thứ: giảm chi phí đầu tư và tối đa hóa lợi ích kinh tế. Ngân hàng mới sẽ tạo ra giá trị hợp lực sau khi hợp nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng 70% các thương vụ M&A bị thất bại trong quá trình hậu sáp nhập. Nguyên nhân là do bỏ qua các thách thức tiềm ẩn về việc tích hợp và đánh giá quá cao sức mạnh tổng hợp.
Hơn nữa, thời kỳ hậu M&A, cần có sự đồng thuận và gắn kết về văn hóa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh đơn vị hợp nhất. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để có thể phát triển tốt trong thời kỳ hậu M&A, tạo niềm tin vững chắc đối với khách hàng.
Cuộc chiến khốc liệt
Trên con đường đi tới M&A, cho dù diễn ra dưới hình thức thân thiện hay thù địch, thì bên thâu tóm luôn tìm ép buộc đối thủ ở mức thấp nhất. Còn bên bán cố gắng nâng cao giá trị của mình lên để thu được lợi ích tốt nhất.
Trong lĩnh vực chứng khoán, các chiêu trò mà các CTCK đưa ra là nguy cơ mất vốn, danh mục tự doanh thua lỗ nặng không đủ khả năng thu hồi vốn, hệ thống giao dịch chậm chạp khiến khách hàng mất niềm tin…
Ở chiều ngược lại, các CTCK cũng cố gắng chống đỡ nhằm gia tăng giá trị, vị thế của mình trước khi sáp nhập. Sau khi phân tích, thấu hiểu điểm mạnh, yếu của nhau, nếu có nhu cầu thực, các bên hoàn thành thương vụ M&A.
Điển hình tại Công ty CP Quản lý quỹ Phương Đông, khi Chủ tịch công ty quyết định bán 67% vốn cho một nhóm cổ đông khác cũng là lúc căng thẳng trong hoạt động nghiệp vụ và sau đó là tranh chấp pháp lý bùng phát. Ở vị thế 67% vốn, nhóm cổ đông mới đã tự tổ chức ĐHCĐ, phế truất Chủ tịch - người sáng lập Công ty và bầu ra 1 Chủ tịch mới.
Như vậy, công ty này đang tồn tại 2 Chủ tịch, không ai chịu ai, dù vụ việc được đưa đến Tòa, nhưng khi Tòa chưa xử thì "nghị quyết Đại hội vẫn có hiệu lực thi hành". Từ khi tranh chấp pháp lý xảy ra, hoạt động Công ty bị ngưng trệ, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp và chưa biết bao giờ tìm được lối ra.
Tại một DN khác, CTCK Kenanga bán 49% vốn cho đối tác ngoại cứ ngỡ sẽ cùng nhau phát triển doanh nghiệp, nhưng từ 1 mâu thuẫn giữa Chủ tịch Công ty với 2 cá nhân trong HĐQT, một cuộc họp HĐQT đã được tổ chức, ra quyết định phế truất Chủ tịch đương nhiệm, bầu 1 đại diện phía nước ngoài lên nắm quyền Chủ tịch Công ty. Như vậy, Công ty này cũng có 2 Chủ tịch và cuộc tranh cãi pháp lý nổ ra, đang chờ các cơ quan chức năng phán quyết.
Tại Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng, nhóm cổ đông mua thâu tóm doanh nghiệp này khi nắm đến 67% vốn đã tự tổ chức ĐHCĐ, bầu ra ban bệ mới, cách chức Giám đốc Công ty, gây ra sự ức chế cho đương sự và nhiều cổ đông nhỏ.
Cuộc chiến giữa các bên về mua bán, sáp nhập luôn diễn ra rất căng thẳng đôi khi trở thành cuộc chiến đấu "một mất, một còn", biến nhau thành đối thủ. Và M&A luôn là một câu chuyện nhiều uẩn khúc và không bao giờ dễ dàng.

Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh