itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo: Người “đứng trước biển”

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo: Người “đứng trước biển”

Nhiều tờ báo từng giật tít về chị: “Giàu nhất trên thị trường chứng khoán”, “bông hồng vàng...tỷ phú”, “ba chị em đại gia”...Nhưng hoá ra, đó toàn là những từ ai đó gán vào chứ chưa bao giờ chị Yến nói về mình. Câu chuyện chị chia sẻ với chúng tôi không phải là chuyện làm giàu, cũng không phải chuyện lợi nhuận mà là câu chuyện mà tôi xin tạm mượn tên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn năm nào để nói về chị: Người phụ nữ ...“đứng trước biển”!

Người mở lối

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tác phẩm Đứng trước biển ra đời trên nền hiện thực Thành phố Hồ Chí Minh thời “đêm trước đổi mới”. Biển ở đây chính là cuộc sống bộn bề gian khó, tiềm ẩn đầy thách thức. Có một giám đốc xí nghiệp đánh cá đã vượt lên những tư duy cũ bằng chân lý: “Tạo ra nguồn của cải vật chất đầy đủ giúp người lao động không xa rời biển cả”. Chừng mươi năm sau đó, cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến khởi nghiệp với vai trò một giám đốc doanh nghiệp nhưng không đứng trước biển mà đứng trước một khu đất bùn lầy nước đọng ở quận Bình Chánh....

PV: Lúc đó là năm 1995, vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Bình Chánh lại là một trong những huyện nghèo nhất thành phố Hồ Chí Minh có không ít nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát rồi lại lắc đầu ra đi. Vì sao chị dám liều lĩnh đưa quyết định gây sốc cho mọi người: Xây dựng nơi đây thành một khu công nghiệp?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Lúc đó cụm từ “khu công nghiệp” chưa phổ thông như bây giờ đâu. Cũng chưa có một doanh nghiệp tư nhân nào được cấp phép thực hiện một khu công nghiệp. Ngày ấy, người ta thường nghĩ tư nhân thì nhỏ bé, manh mún. Nhưng tôi đã quyết tâm vào cuộc và chứng minh hướng đi, cách làm của mình. Thật bất ngờ, nhiều lãnh đạo Giáo sư Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Quốc Sam, Bí thư, chủ tịch thành phố lúc bấy giờ đã lắng nghe, đặt lòng tin và tạo cơ hội cho chúng tôi...

PV: Quyết định này có ý nghĩa thế nào với sự khởi nghiệp của chị?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Trước chúng tôi, đã có doanh nghiệp ngoài quốc doanh nghĩ đến chuyện đầu tư vào khu công nghiệp Sóng Thần nhưng họ phải mượn danh nghĩa liên danh liên kết. Chính nhờ sự quan tâm ủng hộ cái mới tích cực mà Khu Công nghiệp tập trung Tân Tạo được cấp phép, ra đời vào năm 1996, được giao cho 181 ha, sau lên 443,25 ha. Đây cũng là khu công nghiệp do doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tiên ở nước ta. Chỉ riêng với khu công nghiệp Tân Tạo, chúng tôi đã tạo được hàng trăm ngàn công ăn việc làm, từ vùng ngập mặn dân số chỉ khoàng 200 ngàn, nay có hàng triệu người và tạo thành Khu Bình Tân sầm uất. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khi vào thăm đã ghi nhận: “Cần có những khu công nghiệp như thế này trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến tại diễn đàn kinh tế thế giới 2010.

PV: Văn hào Lỗ Tấn từng nói một câu nổi tiếng: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Hình như chính nhờ sự miệt mài “đi mãi” của chị mà đã “thành đường” cho nhiều doanh nghiệp...đi chung?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Khu công nghiệp Tân Tạo ra đời đúng vào lúc các nước trong khu vực chìm trong “cơn bão” của cuộc khủng hoảng tài chính từ 1994 – 1999. Một trong những khó khăn nổi cộm là vốn. Chúng tôi mạnh dạn đưa ra mô hình thế chấp đất và tiền đã đền bù giải toả để vay vốn ngân hàng, là mô hình hoàn toàn chưa có tiền lệ, song với tư duy năng động và đổi mới, lãnh đaọ Thành phố đã xin cơ chế thí điểm cho chúng tôi. Những năm 1996-1997, do ảnh hưởng cuả khủng hoảng kinh tế thế giới, đầu tư nước ngoài rất hạn chế, chủ trương của Đảng là phát huy nội lực nên hướng đi mà chúng tôi đưa ra rất được ủng hộ. Từ sự thực hiện thí điểm, ngày 29-12-1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 178 cho pháp cả nước áp dụng cơ chế chúng tôi đã thí điểm, nhờ vậy đã góp phần tích cực phát huy nội lực...

PV: Sau 17 năm nhìn lại, với góc nhìn của một lãnh đạo doanh nghiệp, chị nghĩ gì về sự phát triển trong đổi mới chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước ta?

Vườn hoa ven bờ biển mọc lên ngay sau khi mặt bằng được san lấp.

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Nếu nhìn lại thì đó quả là một chặng đường “mười bảy năm ấy biết bao nhiêu tình”. Là một chủ doanh nghiệp tôi thấy rất mừng vì sau mỗi một năm qua đi thì chính sách giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp ngày một cởi mở hơn, tạo nhiều cơ hội hơn cho tất cả các thanh phần kinh tế tham gia vào phát triển đất nước. Song chúng tôi vẫn mong muốn có được những chính sách mới cởi mở hơn...

Đứng trước biển

PV: Tại sao khi đặt tên doanh nghiệp của mình, chị lại chọn hai từ Tân Tạo?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Tân Tạo nghĩa là tạo ra cái mới, kiến tạo cái mới. Và tên gọi này như một duyên nợ gắn với cuộc đời doanh nhân của tôi, luôn gắn với những vùng đất mới, kiếm tìm những con đường mới dù đó là những con đường đầy chông gai, những miền đất mới sình lầy, lau lách, ngập mặn...

PV: Nếu coi khu công nghiệp Tân Tạo là lần “đứng trước biển” thứ nhất, thì lần “đứng trước biển” thứ hai của chị là gì?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Đó chính là khi tôi quyết tâm đầu tư xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương. Cho đến bây giờ, đất nước thiếu điện nhưng đầu tư phát triển điện gần như mới chỉ là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp Nhà nước. Khi tôi xin được đầu tư xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương, nhiều người đã cho đó là một quyết định...không tưởng, “châu chấu đá xe”.

PV: Giống như trước biển mênh mông, có cảm giác như các con tàu đều nhỏ bé. Và con tàu...tư nhân xem chừng càng bị coi là nhỏ bé hơn?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Sự hoài nghi là có cơ sở bởi Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương từng nằm trên tổng bản đồ quy hoạch ngành điện từ hàng chục năm trước, từng là ước mơ cháy bỏng của những người phác thảo nhưng lực bất tòng tâm. Bao năm trời ước mơ vẫn nằm trên giấy khi mà nhiều đối tác nước ngoài vào khảo sát hơn 7 năm trời cũng phải rút lui bởi quá nhiều cái khó: Thiếu vốn (dự án cỡ chừng 6-7 tỷ USD), thiếu nguyên liệu xây dựng, thiếu nguồn than để vận hành...Tôi nghĩ: Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đã được sự hỗ trợ, bảo lãnh cuả Chính phủ và họ đã làm thành công thì một tập đoàn hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong suốt 15 năm qua như chúng tôi tại sao không làm được nếu cho áp dụng các cơ chế ngang bằng như đã áp dụng cho các dự án điện Phú Mỹ, Mông Dương? Phảỉ trải qua rất nhiều “sát hạch” để cuối cùng chúng tôi đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương “gật đầu”. Một lần nữa, Tân Tạo lại ghi dấu ấn, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được giao thực hiện dự án nhiệt điện trọng điểm của quốc gia. Mình là người đầu tiên mở lối nên đúng là “làm gì có đường”, phải cùng với các bộ, ngành cùng bàn, cùng làm, cùng tìm cơ chế. Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của các bộ ngành, đặc biệt là của Bộ Công thương và EVN, đàm phán rất nhanh. Dự án này chúng tôi quyết làm bằng được, làm thật tốt để mở ra tiềm năng mới, cơ hội mới cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào giải bài toán thiếu điện cuả đất nước.

Sà lan 500 tấn đóng cừ nặng hàng chục tấn lấn biển Ba Hòn làm mặt bằng nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1.

Công nghiệp xanh

PV: Khi tới Kiên Lương, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mặt bằng vừa san lấp, dự án chưa khởi công, nhà xưởng văn phòng chưa có mà đã trồng cây, trồng vườn hoa giữa biển rất...tốn kém?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Tôi đã tới các nhà máy nhiệt điện ở Nhật Bản, Hoa Kỳ. Mỗi lần đến tìm hiểu, tôi đều sờ vào từng lá cây, từng viên gạch và nhận thấy chúng không hề có bụi. Tôi muốn mang cái đẹp ấy về nhiệt điện Kiên Lương, để xoá đi nỗi ám ảnh của người dân về cảnh khói bụi kinh hồn ở nhiều nhà máy nhiệt điện. Trồng vườn hoa giữa biển rất tốn kém nhưng tôi muốn ngay từ đầu đã phaỉ gieo vào tiềm thức từ người công nhân trở lên phải định hình một nét “văn hoá”, họ phải hiểu mình đang xây dựng một nhà máy “xanh-sạch-đẹp”. Khi xây dựng khu công nghiệp - đô thị Long An và Trường Đại học Tân Tạo, chúng tôi cũng bố trí rất nhiều công viên, thảm xanh, sân vận động. Người khác làm khu công nghiệp thường ít trồng cây không phải vì họ không nhận thức được vai trò cây xanh mà do họ muốn có hệ số sử dụng đất cao để có lợi nhuận nhiều. Nhưng tôi muốn mỗi dự án của mình phải làm đẹp hơn cho đất nước, hạnh phúc hơn cho mỗi người đang sống ở đó.

Dòng sông và biển cả

PV: Câu chuyện hôm nay nhắc nhiều đến biển, có sự bao la, hoành tráng nhưng cũng có sóng ngầm, bão tố. Chuyện kinh doanh của chị có lúc nào như thế?

Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến: Có, ngay tại nhiệt điện Kiên Lương, chúng tôi đã phải đối mặt với không ít nhọc nhằn (một thoáng suy tư)...Phút suy tư của chị trong cuộc trò chuyện khiến chúng tôi nhớ lại hành trình tới vùng biển Kiên Lương, nơi mà trước khi người phụ nữ bé nhỏ và can trường này tìm đến, ngoài những nhà máy xi măng và hòn Phụ Tử, chưa có thêm nét gì nổi tiếng như cụm từ “Nhiệt điện Kiên Lương” hiện nay. Đứng trên con tàu 500 tấn đang hối hả đóng những cọc bê tông siêu lớn nặng hàng chục tấn xuống đáy biển làm thành bức tường thành vĩ đại kéo dài cả mấy cây số vuông ngăn sóng trùng khơi lấn biển làm mặt bằng dự án, chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi dự án chưa khởi công, kinh tế suy giảm mà chị Yến đã “quyết” đầu tư hơn 2000 tỷ đồng, vét bùn, san lấp hơn 100 héc ta biển sâu để chuẩn bị khởi công nhà maý điện. Từ phía boong tàu, nhìn về phía xa là thấy mờ mờ Phú Quốc, hòn đảo phía Tây từng là địa ngục trần gian nơi hàng nghìn tù binh cộng sản ngã xuống, một người bạn đồng nghiệp đã xúc động thốt lên: “Các anh hi sinh không uổng phí khi vùng biển phía Tây hôm nay có biết bao người miệt mài dời non lấp biển vì dòng điện của Tổ quốc”. Hôm nay gặp lại chị, một trong những tỷ phú “bị” tấn phong một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán mà lại đang dùng bữa trưa vừa gặm bánh mì vừa đọc hồ sơ dự án nhiệt điện khiến chúng tôi càng thêm cảm phục. Thế mà, gần đây, có kẻ tung tin, dự án nhiệt điện bị đắp chiếu, chị Yến bỏ chạy sang Mỹ. Chúng tôi đem thông tin ấy trao đổi cùng chị. Chị khảng khái nói:

- Chúng tôi mặc dù chưa khởi công, nhưng vẫn đang khẩn trương chuẩn bị mặt bằng như các anh đã trực tiếp chứng kiến. Còn kẻ bịa đặt “khởi công rồi đắp chiếu”, đưa thông tin sai sự thật, phát tán và tiếp tay cho những kẻ phạm pháp, những nhà thầu làm ăn lừa đảo, khai khống khối lượng nạo vét bùn, san lấp đang bị khởi tố và truy nã ...cần phải bị xử lý nghiêm minh. Tại sao tôi phải “bỏ chạy” khi thành công của dự án đã trong tầm tay, chúng tôi đã gần tới đích, hồ sơ thủ tục đã xong, mặt bằng gần xong, bảo lãnh của Chính phủ cơ bản xong, thu xếp vốn đã ổn, đàm phán giá điện cũng đã gần xong, những rủi ro, bất trắc không còn, bao công sức bỏ ra sắp đến ngày gặt hái thành công. Tôi làm sao phải “bỏ chạy” khi nơi đây là Tổ quốc tôi...

Dường như chuyện ấy không mấy làm chị bận tâm. Chị lại tiếp tục nói về những dự định, những ước mơ. Chị tâm sự: “Từ lâu rồi ước mơ lớn nhất của tôi là xây dưng bên sông Vàm Cỏ một “thành phố khoa học”, ở giữa là một trường đại học lớn. Dòng sông này năm xưa từng là nơi hàng nghìn chiến sĩ “đằng mình” đã hi sinh, từng là cái nôi cách mạng, nay tôi muốn dựng xây nó thành một cái nôi nuôi dưỡng tài năng trẻ cho đất nước. Trường đại học Tân Taọ sẽ lựa chọn những em học sinh giỏi nhất về học, sẽ miễn học phí cho các em, trang bị máy tính xách tay, thuê các giáo sư giỏi trong và ngoài nước, xây biệt thự cho thầy cô, ký túc 5 sao cho trò...Tôi đã và tiếp tục hiến tặng 85% kinh phí từ thu nhập của bản thân và gia đình cho ngôi trường này!”.

Chị say sưa dẫn chúng tôi đi giới thiệu: đây là giảng đường tiêu chuẩn quốc tế, đây biệt thự của giáo sư trưởng khoa, đây sân bóng cho sinh viên, đây sân tennis cho giảng viên...Trước mắt tôi những lời tâm huyết của chị đã và đang trở thành hiện thực, khi dòng sông của tình yêu kinh doanh, tình yêu lao động sáng tạo đang đổ vào biển cả của tình yêu quê hương, đất nước, cộng đồng...

Theo ĐỨC TOÀN - NGUYÊN MINH (thực hiện)/ QĐND