itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Kỳ vọng từ những hiến kế cho năm 2012

Kỳ vọng từ những hiến kế cho năm 2012

Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm.

Doanh nhân, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm vừa có bài viết gửi tới QĐND Online, nhìn từ diễn đàn Quốc hội vừa qua và bày tỏ những trăn trở và kỳ vọng để năm 2012, nền kinh tế đất nước vượt qua được khó khăn, thách thức, có được bức tranh sáng hơn...

Thông điệp của Thủ tướng vô cùng quan trọng

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi đã nói:Mỗi đại biểu có quan điểm riêng; theo quan điểm cá nhân tôi, thời gian vừa rồi chất vấn nặng về chỉ trích. Tại sao chúng ta không đưa ra giải pháp và chừng nào người trả lời chất vấn không thực hiện các giải pháp đó thì hãy chỉ trích. Hay tại sao các đại biểu không bám sát vào giám sát? Thực sự, nếu đại biểu quan tâm, sẽ đeo bám bộ trưởng đã trả lời, có như vậy bộ trưởng ấy tự khắc sẽ bám sát công việc hơn. Mình đưa ra ý kiến của mình, nếu ý kiến của mình chưa đủ thì tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Vấn đề là có quan tâm hay không? Mỗi đại biểu đều hiểu biết về vấn đề này, vấn đề kia. Ai giỏi về lĩnh vực nào thì nên đóng góp vào lĩnh vực đó. Chất vấn phải có trách nhiệm mới giải quyết được vấn đề”.

Với tinh thần đó, là đại biểu thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của đất nước, đồng thời lại là doanh nhân thuộc khối doanh nghiệp, tôi luôn thấu hiểu và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, là của cử tri thuộc khối doanh nghiệp, không chỉ cử tri nơi mình cư trú mà còn là đại biểu của cử tri cả nước. Do vậy, tiếp xúc với cử tri khắp mọi miền và thuộc nhiều giới, tôi đã hiểu và nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ; tôi mang nhiều nỗi băn khoăn, nhiều câu hỏi của cử tri cả nước đến với diễn đàn Quốc hội. Đây là những băn khoăn, trăn trở không chỉ của cá nhân tôi, mà là của các cử tri, trong đó có những cử tri thuộc khối doanh nghiệp đã tin tưởng và giao phó trọng trách cho tôi tại diễn đàn Quốc hội này.

Trong phiên chất vấn Thủ tướng ngày 25-11, tôi đã đặt câu hỏi với Thủ tướng: “Kính thưa Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện rất tốt chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Không ai ngờ là Việt Nam có thể giữ được lạm phát 18% mà tăng trường gần 6%; 6 tháng cuối năm lạm phát chỉ 3%; vậy Thủ tướng có thông điệp quan trọng gì cần đưa ra cho cử tri cả nước, và Thủ tướng có định hướng hay lời khuyên nào cho doanh nghiệp nên tập trung vào ngành nào trong thời gian tới?…”.

Tuy nhiên, do thời lượng chất vấn Quốc hội quy định chỉ được một phút, nên có nhiều dẫn chứng của các đại biểu Quốc hội đã buộc phải cắt đi. Câu hỏi chất vấn của tôi gửi tới Thủ tướng cũng nằm trong quy định này, nhưng người được chất vấn cũng hiểu rất rõ nội dung câu hỏi, cũng như các cử tri là những người dân và cử tri thuộc khối doanh nghiệp có thể trao đổi truyền tải nguyện vọng đến Thủ tướng để qua đó mong rằng sẽ nhận được câu trả lời rõ ràng định hướng cho năm 2012 và 5 năm tới.

Chúng ta cần phải thấy rõ một thực tế, năm 2011 là một năm sóng gió về kinh tế đối với đất nước ta. Vừa qua phải quyết liệt thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ vì đến hết tháng 6-2011, lạm phát 6 tháng đầu năm đã hơn 15%. Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước công bố tăng trưởng tín dụng 20% cho nền kinh tế, thế mà 11 tháng qua, tổng dư nợ tín dụng gia tăng chưa đến một nửa. Nếu thực chất không có đồng nào ra thì lạm phát vẫn cao. Lạm phát năm 2011 cơ bản là do trượt giá tiền Việt tới 9,3% dẫn đến hàng nhập tăng giá, kéo theo chi phí tăng. Đồng thời, do ảnh hưởng gói kích cầu trước đó ở Việt Nam và thế giới nên giá tăng. Cả 2 yếu tố này cộng dồn như thủy triểu lên vào giữa mưa rào nên lạm phát cao là tất yếu, chứ không phải chỉ vì mỗi nguyên nhân tiền tệ. Nhìn lại năm 2009, tổng tăng trưởng tín dụng là hơn 40%, năm 2010 hơn 30% thì thấy 11 tháng qua mà tăng trưởng tín dụng có hơn 9% thì quá nhỏ khiến cho cả nền kinh tế khá khó khăn. Sự thiếu hụt đồng tiền dẫn đến lãi suất quá cao, cá biệt đã lên đến 25-30%/năm, vượt xa khả năng kinh doanh của doanh nghiệp. Dẫn đến việc kinh doanh đình trệ, quá nhiều doanh nghiệp lỗ, công việc giảm sút, việc này ảnh hưởng đến tất cả người dân Việt Nam.

Do nhiều chính sách quyết liệt của Chính phủ như cắt giảm đầu tư công, hiệu quả hóa đầu tư vốn nhà nước; xuất siêu từ 40% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 mà tới 2011 chỉ còn 10,2% dẫn đến kết quả dư ngoại hối và giúp ổn định tỷ giá, đồng thời triệt tiêu yếu tố tăng giá nhập hàng hóa. Từ đó 6 tháng cuối năm lạm phát cộng dồn riêng 6 tháng chỉ còn 3%. Đây là thắng lợi to lớn mà quốc tế không tin Việt Nam có thể làm nổi, và là dẫn chứng hùng hồn rằng lạm phát cơ bản đã được kiểm soát. Như vậy, với sự điều hành khá tốt của Chính phủ, đã kiểm soát được lạm phát và người dân đặt thêm niềm tin vào Chính phủ.

Vậy thì việc điều hành chính sách tiền tệ sắp tới thế nào, các chính sách liên quan ra sao, và dự báo năm 2012 thế nào? TỐT hơn hay XẤU hơn để toàn dân yên tâm là mối quan tâm lớn của mỗi người. Nên câu hỏi đưa ra là: “Thủ tướng có thông điệp quan trọng gì cần gửi đến cử tri cả nước?” tôi nghĩ rằng đó là một câu hỏi mà nhiều cử tri mong đợi. Thực sự là các cử tri hết sức mong chờ những thông điệp cụ thể để họ yên tâm cho năm 2012 (liệu năm 2012 còn khó khăn hơn năm 2011 như nhiều tin tức dự đoán hay không?). Vì năm 2011 lạm phát quá cao, thắt chặt tiền tệ quá chặt gây khó khăn là câu hỏi mà rất nhiều cử tri gửi gắm, đặc biệt là các cụ hưu trí, mất sức lao động, những người thu nhập thấp. Tôi cho rằng, cả nước đang mong chờ những thông điệp cụ thể, rõ ràng, nhất quán để yên tâm đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp cho năm 2012, tránh được những rủi ro lớn đã gặp phải như năm 2011: các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch của mình trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 20% theo thông báo của Ngân hàng nhà nước, song Ngân hàng đã đột ngột cắt giảm chỉ còn ½ đã làm cho nhiều công trình dở dang vì không tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp thật sự điêu đứng. Do vậy mà thông điệp của Thủ tướng đưa ra sớm là vô cùng quan trọng, đưa ra ngay lúc này hoặc trước cuối năm 2011 sẽ rất có ý nghĩa.

Nên tăng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế lên 7%

Có thể nói, không ai ngờ được năm 2011 đã có 50.000 doanh nghiệp phá sản và khoảng 50.000 doanh nghiệp nữa sẽ phá sản trong thời gian tới nếu không có những chính sách cụ thể để hỗ trợ họ. Vậy thì không lên tiếng hỏi định hướng của Thủ tướng thì sẽ hỏi ai đây? Có khá nhiều doanh nghiệp khác băn khoăn trong việc lựa chọn lĩnh vực ngành nghề để đầu tư trong thời gian tới, vì vậy việc hỏi Thủ tướng có định hướng hay lời khuyên gì cũng là điều rất cần thiết. Ví dụ, doanh nghiệp BĐS và chứng khoán trước đây không được cảnh báo trước, đùng một cái năm 2011 không cho họ vay vốn và khiến trên 90% doanh nghiệp BĐS và chứng khoán lỗ vốn, gây khó khăn lớn. Thời gian tới sẽ có thể có thêm những lĩnh vực không khuyến khích và Chính phủ không cho vay, như vậy, nếu biết được định hướng của Chính phủ thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế. Và khi doanh nghiệp đầu tư đúng theo định hướng của Chính phủ thì cũng sẽ có những đóng góp hữu ích cho nền kinh tế.

Nhiều người cho rằng, đã là doanh nghiệp thì phải biết tự mình quyết định. Nhưng trước đây nhà nước ta có những chính sách rất cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đâu, ngành nghề nào, địa bàn nào thì được ưu đãi, hỗ trợ, nhưng gần đây không còn những chính sách này nữa, mà các doanh nghiệp tự mày mò, với khó khăn của nền kinh tế như hiện tại thì việc hỏi ý kiến Thủ tướng là điều nên làm. Ngay trong các phiên chất vấn, rất nhiều đại biểu không phải doanh nhân chất vấn những câu hỏi làm sao hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, để tạo công ăn việc làm, các câu hỏi làm sao giảm lãi suất cho vay về 15% để doanh nghiệp bớt khổ, nhưng cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trước đó, trong cuộc gặp của Thủ tướng với đại biểu là doanh nhân, bản thân tôi cũng đề xuất: Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tập trung vấn đề tam nông, vậy tôi cũng đề xuất Chính phủ cần có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng và nâng cao năng suất – chất lượng, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp,… Ngay trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng đóng góp chính sách khuyến khích phát triển nông, lâm, thủy sản để giải quyết cơ bản cuộc sống của hơn 70% dân số Việt Nam trong nông nghiệp. Điều chúng ta dễ dàng thấy là hễ 1 USD xuất khẩu thì 99% là giá trị gia tăng trong nước, như vậy, tại thời điểm hiện nay, giai đoạn này rất cần sự hiệu triệu của người đứng đầu Chính phủ để doanh nghiệp cả nước tập trung nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực mà Chính phủ cho là chủ đạo. Dẫn dắt nền kinh tế nước ta đúng định hướng là điều hết sức cần thiết và có thể nói là cấp bách. Tránh đầu tư tràn lan, dàn trải sẽ lãng phí và làm đất nước chậm phát triển.

Ngay trong các phiên góp ý về các chỉ tiêu kinh tế xã hội 5 năm tới và năm 2012, hầu hết các ĐBQH đều góp ý cần tập trung chống lạm phát và có thể tăng trưởng thấp hơn 6% như đề xuất của Chính phủ cũng được. Nếu tăng trưởng thấp hơn 6% thì có thể có vài triệu người mất việc làm nên tôi cũng mạnh dạn đóng góp là cần tăng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đến 7% với các dẫn chứng xác đáng:

- Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định trung bình tăng trưởng 5 năm là 7,5%.

- Năm nay, xuất khẩu tăng mạnh, kết dư nợ ngoại hối hơn 10 tỷ USD, triệt tiêu yếu tố trượt giá đồng tiền Việt là nguyên nhân lớn làm tăng lạm phát.

- Ảnh hưởng gói kích cầu ở Việt Nam và thế giới 2012 không còn nữa, nên yếu tố tăng giá khó tăng cao, dẫn đến lạm phát không thể cao được (ngoài ra, tôi cũng dẫn chứng IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng trong năm 2012 trên 7%, và lạm phát dưới 8,5%).

Những đóng góp đó cũng đã được tiếp thu vào nghị quyết của Quốc hội khi tăng chỉ tiêu tăng trưởng lên. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, chỉ có làm tốt chính sách ưu đãi cho công nghiệp chế biến hàng nông, lâm thủy, hải sản xuất khẩu mới có thể tạo chuỗi giá trị gia tăng. Cùng với đó, việc đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực này mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chỉ có như vậy mới giải quyết cơ bản cuộc sống của hơn 70% dân số Việt Nam trong nông nghiệp. Tại thời điểm hiện nay, giai đoạn này rất cần sự hiệu triệu của người đứng đầu Chính phủ để doanh nghiệp cả nước tập trung nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế để dẫn dắt nền kinh tế nước ta và nâng vai trò của Việt Nam trên thế giới. Thế giới có khoảng 3 tỷ người dân đang ăn cơm hàng ngày và cần tới 1,4 tỷ tấn gạo, song cả thế giới cũng mới chỉ đáp ứng được 1 tỷ tấn, khoảng 1 tỷ người đang bị đói như thống kê của FAO (Tổ chức lương thực thế giới). Nếu làm tốt những giải pháp đã đề ra, tôi tuyệt đối tin tưởng là năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn năm 2011.

Dù còn những ý kiến khác nhau về phát biểu của tôi, nhưng là đại biểu của nhân dân TP. Hồ Chí Minh từ năm 2000, với tâm huyết và kinh nghiệm của một doanh nhân, tôi luôn cầu thị lắng nghe ý kiến góp và cố gắng đáp ứng tốt nhất lòng mong mỏi của cử tri đã bầu cho tôi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

NGUYÊN THÀNH/QĐND