itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Một kỷ nguyên đấu tranh vì nữ quyền

Một kỷ nguyên đấu tranh vì nữ quyền

Shannon Hayes – “người nội trợ cấp tiến” - Ảnh: Getty Images

“Việc trở thành một bà nội trợ không có nghĩa là từ bỏ nữ quyền, mà chỉ là định nghĩa lại nữ quyền theo cách khác. Tôi chia sẻ việc nhà với chồng, nhờ vậy cả hai đều thấy cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc”. Tiến sĩ Shannon Hayes

Ngày mai là 8/3, Ngày Quốc tế Phụ nữ - ngày hạnh phúc của hơn ba tỷ rưỡi phụ nữ (PN) và các bé gái, cũng là dịp để hơn ba tỷ rưỡi nam nhi thể hiện những cử chỉ “tao nhã” trước phái đẹp. Nhưng 8/3 không chỉ là ngày lễ, nó là biểu tượng của cuộc đấu tranh dài hơn một thế kỷ mang tính xã hội sâu sắc.

Những mục tiêu bình đẳng giới và nữ quyền từ khi PN toàn cầu liên kết lại trong một cuộc đấu tranh mang tính tượng trưng ngày 8/3/1910 vẫn không thay đổi mà ngày một nâng cao, khi PN ngày nay không chỉ đòi quyền đi bầu, mà họ còn đòi tỷ lệ thích đáng trong bộ máy quản lý xã hội cũng như doanh nghiệp. Bên cạnh đấu tranh chống tăng giờ làm, PN ngày nay còn đấu tranh đòi quyền được học tập và hưởng thụ văn hóa, và bình đẳng giới không chỉ mang ý nghĩa bình đẳng trong các cơ hội ở chỗ làm việc và chia sẻ việc nhà, đó còn là bình đẳng trong giáo dục con cái.

Sau hơn 100 năm, nhân loại được biết đến ngày càng nhiều những tên tuổi PN lừng danh - các chính khách quyền lực vô biên, các nhà khoa học xuất sắc, các nghệ sĩ tài danh, các nhà giáo và thầy thuốc tên tuổi, các doanh nhân thành đạt. Sự xuất hiện của các “bông hoa” trên mọi lĩnh vực cuộc sống phổ biến đến mức người ta thôi không còn “nhấn mạnh” sự khác biệt giới tính của họ nữa - tất cả đã thành “một nhà”!

Sau hơn 100 năm, vai trò của người PN trong xã hội và gia đình đã có nhiều đổi khác. Mặc dù bất công và bạo lực đối với PN vẫn còn, bạo hành gia đình vẫn còn, nhưng luật pháp và công luận xã hội - kết quả từ cuộc đấu tranh bền bỉ của PN - đã “công khai” bảo vệ chị em và lên án những kẻ làm điều hổ nhục, tạo áp lực xã hội khiến chúng phải “chùn tay”!

Sau 100 năm, nữ quyền nay đi về đâu? Shannon Hayes, một nhân vật đang tạo ra làn sóng tranh luận về nữ quyền và bình đẳng giới thông qua cuốn sách Những người nội trợ cấp tiến là một trường hợp đáng chú ý. Trong cuốn sách của mình, Hayes kể về 20 PN từ chối đi làm công sở, thay vào đó họ nuôi gà và trồng rau trái trong vườn nhà. Làm công việc nội trợ là con đường mới của những PN tự coi mình là những người ủng hộ thuyết nam nữ bình quyền. “Tôi nghĩ, nhiều người bênh vực nữ quyền nhận thức được rằng đời sống gia đình là điều cực kỳ quan trọng. Tôi còn cho rằng, thậm chí đó là một phần của làn sóng nữ quyền kế tiếp”, Hayes nói.

Shannon Hayes là ai mà có những tuyên ngôn “bảo thủ và tụt hậu” như vậy? Xin thưa, người PN trẻ này là tiến sĩ về Phát triển cộng đồng và nông nghiệp bền vững tại Đại học Cornell, New York (Hoa Kỳ). Sau khi hoàn tất luận án tiến sĩ, cô háo hức lập danh sách những nữ giáo sư của mình, như là những tấm gương để noi theo. Thật kinh ngạc, không có một nữ giáo sư giỏi nào có chồng con! Hayes nhận ra rằng, khái niệm hạnh phúc gia đình và sự thành đạt của PN khó song hành với nhau. Cô nói: “Có thể tôi sẽ không có gia đình khi đạt vị trí cao hơn trong công việc, nhưng chồng con cũng quan trọng đối với tôi như là sự nghiệp. Thực tế, chồng con còn quan trọng hơn đối với tôi”.

Khi bị chỉ trích, Hayes không biện hộ cho quan niệm “lạc hậu” của mình, cô chỉ nói: “Việc trở thành một bà nội trợ không có nghĩa là từ bỏ nữ quyền, mà chỉ là định nghĩa lại nữ quyền theo cách khác. Tôi chia sẻ việc nhà với chồng, nhờ vậy cả hai đều thấy cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc”.

Theo Hồng Kỳ - PNO