itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Ai sẽ lèo lái Làn sóng Kế tiếp của Ấn Độ?

Ai sẽ lèo lái Làn sóng Kế tiếp của Ấn Độ?

Nguồn năng lượng thay thế là một trong những Làn sóng Kế tiếp hiện nay của Ấn Độ

Truyền thông và giải trí, giáo dục tư, cơ sở hạ tầng và các công ty năng lượng đang sẵn sàng lên ngôi khi tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ tăng lên.

Hãy đón chào “Làn sóng Kế tiếp” (Next Wave). Chúng ta đang sống trong một giai đoạn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại khi giới tiêu dùng, công nghệ, cơ sở hạ tầng và môi trường mới mẻ bắt đầu chiếm lĩnh và đang tạo ra một trong những kỷ nguyên hùng mạnh nhất của thế giới về tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ.

Trong vòng 20 năm tới, Làn sóng Kế tiếp sẽ tạo ra nhiều người tiêu dùng mới hơn so với thiên niên kỷ trước đây. Các khoản đầu tư vào hạ tầng cơ sở sẽ vượt mức đầu tư dành để tái thiết Âu Châu thời hậu chiến. Công nghệ và Internet sẽ trở thành trợ thủ đắc lực nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển của nhiều trung tâm cánh tân trên khắp các vùng địa lý rộng lớn. Và môi trường sẽ trở thành mối đe dọa chính, tựa như một tấm thảm nhiều hoa văn khi thời tiết biến đổi, và nhu cầu về tài nguyên đang thôi thúc nhân loại tìm kiếm các giải pháp thay thế đối với sự phát triển kinh tế và sự tăng trưởng bền vững. Mặc dù Trung Quốc, Brazil, Nga và những thị trường mới nổi khác sẽ chú trọng nhiều đến vấn đề này, nhưng Ấn Độ sẽ đi bước trước nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sự đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, nền văn hóa dựa trên công nghệ cũng như nhu cầu về năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên tăng lên.

Nhiều công ty sẽ thu lợi nhuận từ Làn sóng Kế tiếp, nhưng chỉ một số kẻ mạnh mới đoạt được phần béo bở (lion’s share) của sự tăng trưởng và các khoản lợi nhuận từ làn sóng này. Các nhóm truyền thông và giải trí nằm trong số những “Kẻ mạnh của Làn sóng Kế tiếp”. Họ sẽ chiếm được phần quan trọng ở Ấn Độ vì sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tỷ lệ biết chữ gia tăng và khu vực bán lẻ cũng được tổ chức quy cũ ngày càng tăng lên tại nước này, vốn đang thúc đẩy nhu cầu về in ấn, truyền thanh và truyền hình. Những cải thiện về cơ sở hạ tầng và sự phát triển về công nghệ khiến cho các phương tiện truyền thông xâm nhập nhiều vào những vùng nông thôn của đất nước, nơi hơn 2/3 người dân sinh sống.

Hiệu ứng Thanh thiếu niên ở Ấn Độ

Chi tiêu quảng cáo ở Ấn Độ chiếm khoảng 1/3 so với Hoa Kỳ và Châu Âu, nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng khi các nhà bán lẻ nhận thấy sự cạnh trang tăng lên và người tiêu dùng càng trở nên tinh vi và thận trọng hơn trong các quyết định mua của họ. Ấn Độ có 119 triệu gia đình có tivi, chiếm 60% tổng số hộ của nước này. Khoảng 50 triệu hộ bắt truyền hình cáp, trong khi tỷ lệ xâm nhập thị trường mới khoảng 42%. Thị trường phân phối tivi được tính luôn cả doanh số của các công ty phân phối chương trình truyền hình cho người xem. Điều này bao gồm cả chi phí của người tiêu dùng đăng ký các kênh cơ bản (basic channel) và kênh thu phí do dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, và truyền hình giao thức Internet (IPTV) cung cấp cũng như qua đầu thu kỹ thuật số (VOD).

Thị trường DVD Ấn Độ hiện tại vượt quá 1,5 triệu chiếc hàng năm. Dự đoán con số này sẽ tăng lên 4,5 triệu máy mỗi năm vào 2010. Sự tăng trưởng bùng nổ về doanh số DVD cũng được gắn với sự thống lĩnh trước đây của các hộ gia đình sử dụng truyền hình đơn hệ (single-TV). Tuy nhiên, điều này được dự đoán là sẽ thay đổi khi thu nhập tăng lên và tầng lớp thanh thiếu niên đông đúc khiến cho số hộ sử dụng truyền hình đa hệ (multiple TV) mọc lên như nấm. Hiện tượng này thường được gọi là “Teenager Effect” (Hiệu ứng Thanh thiếu niên). Những nhân tố này sẽ tiếp tục đẩy sự tăng trưởng doanh số và lợi nhuận lên cao cho các công ty truyền thông và giải trí như TV18, ENIL, và D.B.Corp., vốn là những hãng đứng đầu trong lãnh vực này.

Người dân Ấn Độ hướng về Phố Giáo dục Manipal[1]

Cũng giống như những Kẻ mạnh của Làn sóng Kế tiếp, công nghệ và hạ tầng cơ sở đã đẩy mạnh sự phát triển nhanh chóng của giáo dục tư thục khi các chương trình học qua mạng Internet tạo ra hàng loạt cơ hội cho nhu cầu học tập từ xa, và những cải thiện trong các ngành truyền thông và đường xá khiến cho nhiều tổ chức giáo dục ở những vùng nông thôn của đất nước mọc lên.

Giáo dục tư cũng sẽ lèo lái Thế hệ Kế tiếp của Ấn Độ khi người dân có tham vọng tìm kiếm những cơ hội tốt nhất để thành công và giàu có trong nền kinh tế mới cho chính bản thân họ họ và con cái của họ. Ngoại trừ Học viện Quản lý & Công nghệ nổi tiếng khắp thế giới, hệ thống trường công Ấn Độ đã và đang lâm vào thời kỳ thất bại thảm hại. Kết quả là, các công dân Ấn Độ thuộc mọi thành phần kinh tế xã hội đã và đang ngày càng hướng về khu vực tư nhân để tìm kiếm nhu cầu học tập của họ.

Ngành giáo dục tư ở Ấn Độ đang tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, và lợi nhuận từ khu vực này đã vượt qua hầu hết các học viên ở Bắc Mỹ. Các công ty như Manipal Education hiện đang dẫn đầu về mức tăng trưởng khi họ tiếp tục triển khai các giải pháp tối tân nhằm đáp ứng nhu cầu học tập gia tăng.

Dịnh vụ môi trường và nguồn năng lượng thay thế ở Ấn Độ

Các dịch vụ môi trường đang trở thành một trong những thế mạnh của Làn sóng Kế tiếp và đang phát triển nhanh nhất tại Ấn Độ. Điều đó cho thấy khi nền kinh tế công nghiệp hóa tăng lên và dân chúng trở nên giàu có hơn, thì nhu cầu về không khí và nước sạch cũng như việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiêu hiếm hoi cũng tăng theo. Chính phủ Ấn Độ đang hướng về khu vực tư nhân để xây dựng và quản lý nhiều mặt của các dịch vụ môi trường, kể cả ngành xử lý nước thải, rác thải độc hại và hệ thống kiểm soát chất lượng không khí. Nhận thấy rằng xấp xỉ 70% các thành phố của Ấn Độ không có đủ nhà máy xử lý nước thải, các cơ hội kiếm tiền chỉ trong một mình lãnh vực này thôi cũng khá nhiều. Thị trường xử lý khí thải các bon (carbon-credit market) hiện tại được định giá là 5 tỷ Mỹ Kim và dự kiến tăng lên gấp đôi, tức 10 tỷ Mỹ kim vào 2009. Điều này sẽ tạo ra cơ hội đáng kể cho các dịch vụ bán dụng cụ hấp thụ các bon và các dịch vụ tư vấn môi trường, vốn tập trung vào việc giảm các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Năng lượng tái tạo, hiện là một vấn đề toàn cầu, có thể ấn định sự thành công kinh tế lâu dài của Ấn Độ. Ấn Độ có rất ít nguồn dự trử dầu thô và việc tìm kiếm các mỏ dầu mới sẽ là một đề án tốn kém. Khi nền kinh tế của Ấn Độ tiếp tục phát triển, nó sẽ cần nhiều nhu cầu năng lượng. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là một ưu tiên quốc gia. Năng lượng tái tạo hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng tiêu thụ năng lượng. Chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu cho việc xản suất 50% nhu cầu năng lượng của nước này vào 2050. Điều này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư lớn trong một phạm vi rộng lớn về nguồn năng lượng tái tạo.

Ấn Độ đang phát triển thành nước dẫn đầu về kỹ thuật chế tạo trong các lãnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối (biomass). Chẳng hạn như Suzlon Energy, một công ty thương mại công chúng ở Ấn Độ, hiện là nhà cung cấp năng lượng gió lớn thứ năm thế giới, và vị thế của nó được dự đoán sẽ vươn lên trong tương lai gần. Moser Baer Photovoltaic, dự kiến phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên vào 2009, đang trở thành công ty đứng đầu toàn cầu về phát triển và xản suất công nghệ tấm phim mỏng mặt trời (thin-film solar). Và Công ty Bhoruka Power đang trở thành nhạc trưởng trong lãnh vực chia tách khí hiđrô để sản xuất năng lượng ở Ấn Độ.

Mahindra & Mahindra, nhà xản suất lớn nhất về máy móc dùng trong nông nghiệp ở Ấn Độ, đang dẫn đầu về về dầu sinh học (biodiesel). Tháng 2-2007, công ty này đã giới thiệu các phiên bản thành công nhất về hai loại xe thể thao, Scorpio và Bolero, sử dụng dầu sinh học. Scorpio là loại xe đầu tiên ở Á Châu sử dụng 100% dầu sinh học.

Mahindra còn ra mắt đầu máy kéo chạy bằng dầu sinh học lần đầu tiên ở Ấn Độ. Công ty này đã thành lập nhà máy dầu sinh học vào 2001. Nó đã hoàn tất các nghiên cứu sâu và đã làm việc với IIT Kanpur, một học viện công nghệ hàng đầu của Ấn Độ được thế giới công nhận, và trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ. Đồng thời, Mahindra cũng đang nghiên cứu loại nhiên liệu thay thế cho xe cộ và đang nỗ lực tạo dựng tên tuổi của mình khi Ấn Độ phát triển tới mức đòi hỏi các nguồn nhiên liệu tốt hơn.

Ấn Độ, nước trồng mía lớn thứ hai thế giới

Có lẽ cái ngày này không còn xa nữa, khi Ấn Độ trở thành nước trồng mía đứng thứ hai thế giới, vốn là nguồn nguyên liệu được ưu tiên để sản xuất khí ethanol. Nguồn năng lượng thay thế sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các đối tác liên doanh lợi nhuận đáng kể trong những năm tới. Ngoài những cơ hội trong các lãnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí ethanol, dầu sinh học, thì sự hiệp lực toàn cầu cũng đang nổi lên và tồn tại giữa các nhà thầu, các công ty năng lượng, và các nhà máy tự động. Những nhà đầu tư và tập đoàn khôn ngoan đã nhận ra được tiềm năng quan trọng của Làn Sóng Kế tiếp. Họ biết rằng một làn sóng khác giống vậy sẽ không chiếm lĩnh thị trường trong vòng 20 hoặc 30 năm tới, và họ đang xem sét những cơ hội để đầu tư vốn vào cơ hội duy nhất này.

 

Bài viết này là của tác giả William Nobrega (ảnh) và được đăng trên Tạp chí Businessweek. Ông hiện là chủ tịch và nhà sáng lập Tậo đoàn Conrad, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu tập trung vào các công nghệ và thị trường mới nổi. Hiện nay ông đang viết cuốn Làn sóng Kế tiếp: Làm cách nào các nhà đầu tư có thể lèo lái kỷ nguyên canh tân và tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy. Ấn phẩm này sẽ được phát hành vào 2009.

Thao Nguyễn dịch

 

[1]Manipal là một thành phố đại học, thuộc bang Karnataka, nằm ở duyên hải miền Tây Nam Ấn Độ. Nơi đây hiện có hơn 70.000 sinh viên đại học và có số lượng đăng ký học tăng lên chưa từng có, với hơn 19.000 sinh viên. Khu phố Manipal bao gồm hai trường đại học, 24 trường cao đẳng kỹ thuật, nhiều phân viện và hàng loạt trường tiểu học và trung học (nguồn: www.dictionary.com/encyclopedia).