itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Các đại gia xe hơi thế giới đang đứng trên bờ phá sản

Các đại gia xe hơi thế giới đang đứng trên bờ phá sản

Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho nhiều đại gia xe hơi trên thế giới phải rời vào tình trạng hết sức khó khăn.

Các đại gia ôtô như General Motors, Ford và Chrysler lần lượt kêu cứu vì doanh số liên tục sụt giảm trầm trọng và đang đứng bên bờ vực phá sản. GM, Ford và Chrysler đều chứng kiến doanh số bán sụt giảm mạnh năm nay trên thị trường trong nước.

Trong khi việc này phản ánh tình thế chung, vốn ảnh hưởng tới cả các nhà sản xuất ôtô Nhật và châu Âu ở Mỹ, bộ ba còn bị chỉ trích vì không cung cấp những loại xe hấp dấn.

Họ bị chỉ trích quá chậm chạp đối phó tới sự gia tăng ảnh hưởng của các loại xe nhỏ hơn và ít tốn nhiên liệu.

GM thừa nhận hồi đầu tuần rằng hãng đã khiến người tiêu dùng Mỹ ‘thất vọng’ vì đã để cho ‘chất lượng rơi xuống thấp hơn tiêu chuẩn của ngành ôtô cũng như các thiết kế trở nên buồn tẻ’.

Ngoài những lý do trên, nên kinh tế thế giới ảm đạm cũng là nguyên nhân dẫn các đại gia xe hơi rơi vào tình trạng này.

Cuối tuần qua thượng viện Mỹ cũng đã chính thức thông qua gói tài chính 15 tỷ đôla nhằm giải cứu ba đại gia xe hơi hàng đầu của nước này.

Tuy nhiên vẫn có nghi ngờ rằng liệu gói giải cứu này có thể cứu vãn được tình hình doanh số của General Motors, Ford và Chrysler hay không hay chỉ là hạt muối bỏ biển khi mà nền kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm.

Theo dự đoán của các chuyên gia thì sẽ còn nhiều công ty sản xuất xe hơi đóng cửa trong năm tới.

Hôm thứ hai vừa qua, lần đầu tiên trong 71 năm lịch sử, đại gia Toyota của Nhật dự đoán sẽ lỗ trong tài khoá này. Toyota báo cáo mức tiêu thụ giảm mạnh, nhất là tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, là Hoa Kỳ. Mức lỗ lã dự đoán là 1 tỉ 600 triệu đô la cho tài khoá kết thúc vào tháng ba năm 2009.

Toyota cũng giảm lần thứ nhì mức bán dự kiến cho năm sau và cho biết đây là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã tác động sâu rộng hơn nhiều so với dự đoán.

Các hãng ôtô Nhật Bản cũng lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy trong suốt 5 năm qua. Giảm phát khiến doanh số trong nước liên tục giảm. Toyota chống chọi với cơn bão suy thoái bằng cách tập trung vào thị trường nước ngoài như châu Âu và Mỹ. Năm ngoái, kinh doanh của hãng vẫn đang còn khá với lợi nhuận lên tới 28 tỷ USD.

Nhưng năm nay bóng đen suy thoái đã bao trùm lên toàn bộ kinh tế thế giới. Lượng xe Toyota bán tại hai khu vực chủ chốt giảm tới 30%. Việc thua lỗ là không thể tránh khỏi và dự tính con số thâm hụt trong tài khóa năm 2008 (sẽ kết thúc vào 3/2009) khoảng 1,7 tỷ USD.

Chủ tịch Toyota Katsuaki Watanabe nhận định, trước tình trạng khẩn cấp chưa từng có, Toyota không còn cách nào khác ngoài chấp nhận thua lỗ. Tin xấu này buộc tập đoàn sa thải hàng loạt nhân công thời vụ và bán thời gian, đồng thời tạm ngưng tất cả dự án xây dựng nhà máy mới.

Trong suốt lịch sử 7 thập kỷ của mình tính cho đến nay, Toyota chỉ lỗ một lần duy nhất vào 1937, năm đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, Toyota vẫn luôn nổi tiếng về hoạt động kinh doanh hiệu quả và chính sách hợp lý, nhanh nhạy.

Tình hình thua lỗ của Toyota diễn ra trong bối cảnh tất cả các nhà xuất khẩu khác của Nhật cũng đang chịu những tổn thất nặng nề. Người ta dự đoán sắp tới sẽ thêm nhiều tập đoàn lớn và danh tiếng của Nhật Bản lâm vào tình trạng tương tự.

Đồng yên tăng giá và suy giảm kinh tế toàn cầu đã làm cho nhu cầu nhập hàng từ Nhật giảm mạnh. Cán cân thương mại của Nhật Bản thâm thủng 2,5 tỷ USD trong tháng 11 khi xuất khẩu giảm sụt với tốc độ nhanh chưa từng có. So với cùng kỳ năm trước xuất khẩu của nước này giảm tới 26,7%.

Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso lên tiếng Nhật Bản "phải có hành động dứt khoát để đối phó lại cơn khủng hoảng tầm cỡ thế kỹ". Đáp lại lời kêu gọi này, ngân hàng trung ương Nhật vừa giảm lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0,1% hồi tuần trước. Tuy nhiên thống đốc ngân hàng Nhật cho biết ông bi quan về khả năng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong năm sau.

Toyota thành lập thương hiệu năm 1936 và đi vào hoạt động năm 1937. Trong giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ 1970, tập đoàn này thành công lớn do thiết kế các loại xe tiết kiệm nhiên liệu.

Tuy nhiên hiện Toyota phải cắt giảm sản lượng ở tất cả các nhà máy đặt tại 24 nước trên thế giới. Một nhà máy tại Anh quốc, nơi đang có 4.200 nhân công đang làm việc, phải ngừng sản xuất trong một tháng.

Các nhà sản xuất khác như Suzuki hay Daihatsu, một tập đoàn thuộc Toyota cũng vừa quyết định cắt giảm sản xuất đáng kể. Hồi đầu tháng, CEO của Honda, ông Takeo Fukui tuyên bố do ảnh hưởng của diễn biến ngày một xấu đi của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, họ không còn đủ tiền để tiếp tục tham gia giải đua Công thức 1 vào năm sau.

80% đại lý xe hơi Trung Quốc bị lỗ

Khủng hoảng ngành công nghiệp ôtô đã không loại trừ Trung Quốc, nơi vẫn được cho là ít bị ảnh hưởng nhất. Nhiều đại lý nước này có thể phải tuyên bố phá sản trong 2009.

Theo số liệu thống kê, chỉ khoảng 20% có lãi. Tháng 12, nhiều đại lý đã phải "cắn răng" hạ giá, bán lỗ để đạt doanh số mục tiêu đã đăng ký với hãng. Hầu hết trong số đó là đối tác của những thương hiệu lớn như liên doanh FAW-Volkswagen, Shanghai VW, Dongfeng Citroen hay GAC Honda (Guangzhou Honda).

Các đại lý lãi ít hay lãi nhiều ở nửa đầu năm 2008 nay đều rơi vào cảnh thua lỗ. Hy vọng duy nhất của họ là dịch vụ sau bán hàng. Chấp nhận hạ giá để đạt doanh số kế hoạch, các cơ sở này mong chờ có doanh thu nhờ tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa. Tình hình có thể khó khăn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.

Thế nhưng, một số đại lý 4S không thể nhận xe để bán bởi họ đã hết tiền mặt. Trong lúc đó ngân hàng thì từ chối cho vay. Những công ty này sẽ phải đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản. Có lợi nhuận lúc này thực sự là "giấc mơ giữa ban ngày".

Những khó khăn của hệ thống phân phối dự báo trước xu hướng hạ giá trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, đến giữa năm sau, làn sóng bán tháo ôtô, đóng cửa sẽ diễn ra phổ biến do mùa đông lượng xe bán ra thường giảm đi rất nhiều.

H.T. (Tổng hợp theo FT,CNN, BBC )