itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Dow Jones mất 3,7% giá trị trong tuần

Dow Jones mất 3,7% giá trị trong tuần

Trong tuần, chỉ số Dow Jones mất 3,7%, chỉ số Nasdad hạ 2,69%, chỉ số S&P 500 trượt 4,52%

Ngày 16/1, chứng khoán Mỹ đồng loạt lên điểm nhưng đó chỉ là tia sáng nhỏ trong một tuần “u tối”.

Hôm thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này trong tháng 12/2008 đã giảm 0,7% - thấp hơn 0,2% so với dự báo của giới phân tích.

Như vậy, CPI ở Mỹ trong năm 2008 đã tăng 0,1% so với năm 2007. Tuy nhiên, CPI cơ bản (không bao gồm giá lương thực- thực phẩm và năng lượng) đã tăng 1,8% so với năm 2007.

Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố sản xuất công nghiệp ở nước này trong tháng 12/2008 đã giảm 2% - cao hơn so với dự báo giảm 1% của giới phân tích. Như vậy, so với năm 2007, sản xuất công nghiệp ở Mỹ đã giảm 7,4%.

Cũng trong ngày 16/1, trường Đại học Michigan và hãng Reuters đã công bố kết quả thăm dò về lòng tin người tiêu dùng Mỹ. Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở nước này trong tháng 1/2009 đã tăng lên 61,9 điểm từ 60,1 điểm trong tháng 12/2008.

Các chỉ số giảm từ 2,7-4,5% giá trị trong tuần

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến Bank of America, Chính phủ Mỹ vừa quyết định đầu tư thêm 20 tỷ USD vào Bank of America (BoA) và dùng 118 tỷ USD để bảo lãnh cho tài sản của ngân hàng này.

Trong khi đó, BoA lại phải đối diện với một quý tồi tệ khi lần đầu tiên trong 17 năm qua, ngân hàng bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, trong quý 4/2008, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị lỗ 1,79 tỷ USD, tương đương 48 cent/cổ phiếu – trong khi cùng kỳ năm 2007, BoA lãi 268 triệu USD (5 cent/cổ phiếu).

Liên quan đến kết quả kinh doanh của Citigroup, trong quý 4/2008, doanh thu của Citigroup đã giảm 13% xuống 5,6 tỷ USD, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng giảm 27%. Ngân hàng bị lỗ 8,29 tỷ USD, tương đương 1,72 USD/cổ phiếu – thấp hơn so với mức lỗ 9,8 tỷ USD (1,99 USD/cổ phiếu) của cùng kỳ năm 2007.

Citigroup cho biết đã trích dự phòng rủi ro và bị thua lỗ từ hoạt động tín dụng lên đến 28,3 tỷ USD, đưa tổng mức thiệt hại trong 15 tháng qua lên hơn 92 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lên điểm nhờ đà tăng của cổ phiếu khối năng lượng, khối thực phẩm - bất chấp việc sụt giảm của khối tài chính.

Phiên giao dịch hôm thứ Sáu là buổi điều hành thị trường cuối cùng của chính quyền Tổng thống Bush trước khi bàn giao lại cho chính quyền ông Obama vào ngày 20/1 tới.

Như vậy, chỉ số S&P 500 đã giảm 35% so với ngày đầu tiên Tổng thống Bush bước vào Nhà Trắng năm 2001.

Trong ngày giao dịch, cổ phiếu khối tài chính tiếp tục là tâm điểm khi nhiều cổ phiếu khối ngân hàng vẫn giảm điểm mạnh trước nhiều lo ngại mới.

Chỉ số S&P Tài chính đã giảm 2,4% trong phiên này, trong đó Bank of America và JPMorgan Chase có mức giảm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones với biên độ giảm lần lượt là 13,7% và 6,2%; cổ phiếu Citigroup hạ 8,2%, cổ phiếu Barclays niêm yết tại thị trường New York mất 13,69%...

Thị trường khởi sắc trong ngày nhờ sự lên điểm mạnh mẽ của cổ phiếu khối năng lượng và thực phẩm, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil lên 1,9%, Chevron tăng 1,37%; cổ phiếu McDonald's tiến thêm 2,91%, cổ phiếu Kraft lên 2%...

Trong tuần, chỉ số Dow Jones mất 3,7%, chỉ số Nasdad hạ 2,69%, chỉ số S&P 500 trượt 4,52%. Và so với đầu năm, chỉ số Dow Jones mất 5,6%, chỉ số Nasdaq trượt 3,02%, chỉ số S&P 500 hạ 5,88%.

Biểu đồ ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong tuần

Điểm qua kết quả ngày giao dịch 16/1: chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 68,73 điểm, tương đương 0,84%, đóng cửa ở mức 8.281,22.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 17,49 điểm, tương đương 1,16%, chốt ở mức 1.529,33.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 6,38 điểm, tương đương 0,76%, đóng cửa ở mức 850,12.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,62 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.012 cổ phiếu lên điểm và có 1.036 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,29 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.480 cổ phiếu tăng điểm và có 1.206 cổ phiếu giảm điểm.

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Hai: Thị Mỹ nghỉ giao dịch nhân ngày lễ

Thứ Ba: Ông Obama chính thức nhậm chức tổng thông Mỹ; công bố kết quả kinh doanh của J&J, IBM, CSX.

Thứ Tư: Công bố kết quả kinh doanh của United Tech, Abbott Labs, Northern Trust, US Bancorp; Burlington Northern.

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố kết quả kinh doanh của Nokia; Fifth Third Bancorp; KeyCorp; Southwest Air; SunTrust Banks; United Health, Union Pacific, Microsoft, AMD, Capital One.

Thứ Sáu: Công bố kết quả kinh doanh của GE, Harley-Davidson và Xerox.

Chứng khoán châu Âu lên điểm sau bảy phiên mất điểm

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trở lại và chấm dứt chuỗi bảy ngày giảm điểm liên tiếp trước đó. Thị trường tăng điểm nhờ sức tăng mạng mẽ của cổ phiếu khối khai mỏ, năng lượng – bất chấp việc cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục mất điểm.

Cổ phiếu Xstrata lên 6%, cổ phiếu Total tăng 1,1%, cổ phiếu Rio Tinto lên 7,6%. Trong khi đó, cổ phiếu khối ngân hàng như Barclay, Commerzbank, BNP Paribas, Deutsche Bank... lại giảm từ 3,2-25% giá trị.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 25,95 điểm, tương đương 0,63%, đóng cửa ở mức 4.147,06 – giảm 6,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức tiến thêm 0,68% nhưng mất 8,7% giá trị trong tuần, khối lượng giao dịch phiên này đạt 33,3 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,7% nhưng mất 8,5% giá trị trong tuần, khối lượng giao dịch đạt 172 triệu cổ phiếu.

Thị trường châu Á đồng loạt khởi sắc

Thông tin Chính phủ Mỹ vừa quyết định đầu tư thêm 20 tỷ USD vào Bank of America (BoA) và dùng 118 tỷ USD để bảo lãnh cho tài sản của ngân hàng này đã thúc đẩy thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc.

Chứng khoán Nhật bất ngờ phục hồi mạnh sau khi thông tin Bank of America được Chính phủ Mỹ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cổ phiếu nhiều hãng xuất khẩu lớn đều lên điểm do đồng Yên giảm giá so với USD, nên đã góp phần thúc đẩy toàn thị trường lên điểm.

Trong ngày giao dịch, nhiều cổ phiếu khối xuất khẩu lên điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Sony tăng 4,8%, cổ phiếu Canon lên 1,8%, cổ phiếu Honda tiếm thêm 8%, cổ phiếu Toyota tăng 6%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 206,84 điểm, tương đương 2,58%, chốt ở mức 8.230,15 – giảm 6,9% so với tuần trước. Khối lượng giao dịch đạt 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 23,86 điểm, tương đương 2,15%, chốt ở mức 1.135,2 – giảm 3,87% so với tuần trước.

Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 32,93 điểm, tương đương 0,76%, chốt ở mức 4.353,7 – thấp hơn 3,3% so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore đã lên 26,39 điểm, tương ứng 1,55%, chốt ở mức 1.730,45 – hạ 4,2% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm 34,23 điểm, tương đương 1,78%, chốt ở mức 1.954,44 – tăng 2,6% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 12,55 điểm, tương đương 0,09%, chốt ở mức 13.255,51 – mất 0,8% giá trị trong tuần.

Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ tăng 276,85 điểm, tương đương 3,06%, chốt ở mức 9.323,59 – hạ 1,7% so với tuần trước.

Chỉ số ASX của Australia tăng 18,1 điểm, tương đương 0,52%, chốt ở mức 3.494,9 – mất 5% so với tuần trước.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.212,49 8.281,22 + 68,73 +0,84
Nasdaq 1.511,84 1.529,33 + 17,49 +1,16
S&P 500 843,74 850,12 + 6,38 +0,76
Anh FTSE 100 4.121,11 4.147,06 + 25,95 +0,63
Đức DAX 4.336,73 4.366,28 + 29,55 +0,68
Pháp CAC 40 2.995,88 3.016,75 + 20,87 +0,70
Đài Loan Taiwan Weighted 4.320,77 4.353,70 + 32,93 +0,76
Nhật Nikkei 225 8.023,31 8.230,15 +206,84 +2,58
Hồng Kông Hang Seng 13.242,96 13.255,51 + 12,55 +0,09
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.111,34 1.135,20 + 23,86 +2,15
Singapore Straits Times 1.707,39 1.730,45 + 26,39 +1,55
Trung Quốc Shanghai Composite 1.920,21 1.954,44 + 34,23 +1,78
Ấn Độ BSE 30 9.000,52 9.313,51 +266,77 +2,95
Australia ASX 3.476,80 3.494,90 + 18,10 +0,52
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg, Vne

Trương Định