itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Rủi ro lớn nhất của châu Á

Tự thỏa mãn là rủi ro lớn nhất của châu Á

Ảnh: Xinhua

Với đà tăng trưởng kinh tế và đầu tư ấn tượng chưa từng có thời gian gần đây, đang nổi lên một nguy cơ đơn giản nhưng rất lớn, đó chính là sự tự mãn với thành quả đã có. Điều nguy hiểm là sự tự mãn đó đang xuất hiện giữa lúc đang nổi lên hàng loạt các nguy cơ và thách thức mang tính toàn cầu.

Đó là sức ép tài chính ngày càng tăng, nguy cơ từ việc thay đổi khí hậu hay hậu quả từ việc phát triển bất cân bằng trong khu vực.

Đó là những cảnh báo được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tổ chức cuối tuần qua tại Singapore, với chủ đề "Tính cấp thiết về lãnh đạo trong kỷ nguyên châu Á", có sự tham gia của hơn 300 quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp châu Á cùng giới truyền thông thế giới.

"Điều này là hoàn toàn chính xác bởi ai cũng biết rõ điều gì sẽ đến”, Thứ trưởng Tài chính Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam, cảnh báo.

Gần 1 thập kỷ qua, khu vực này đã vươn lên từ đống đổ nát - có thể gọi là như vậy. Không những thế, các nước trong khu vực lại đang tiếp tục chuẩn bị sánh vai cùng các nền kinh tế năng động khác trên thế giới, trong nỗ lực hội nhập và đi theo xu hướng toàn cầu hoá.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (trái) là đồng chủ tọa một
phiên thảo luận của Diễn đàn trong ngày 25/6. Ảnh: wef.org

Ký ức đau thương về cuộc khủng hoảng cũng tan nhanh chóng như chính đà tăng của GDP những nước trong khu vực này. Ngày nay ở đó, người ta nghe tới những từ tích cực hơn, thường là "bùng nổ", "tăng tốc", "đột phá" và "tăng trưởng nóng"...

Trong khoảng 3 năm gần đây, khu vực Đông Á đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng kinh tế thế giới. Và đặc biệt ngoại thương các nước trong khu vực này với thế giới tăng hết sức ấn tượng: hầu như cả thế giới dùng hàng của Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Á.

Thế nhưng, các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng những thành quả đó đang làm nổi lên tâm lý tự thỏa mãn ở nhiều nước, bất chấp những nguy cơ, thách thức đang rình rập.

Theo họ, vẫn còn đó những nguy cơ, những thách thức mà các nước trong khu vực này luôn phải cảnh giác.

Đó là nguy cơ tăng trưởng nóng và hạ cánh nặng nề của nền kinh tế Trung Quốc. Chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bị đặt dấu hỏi, dù chính quyền nước này đã tích cực giảm nhiệt đầu tư trong thời gian qua. Nếu người khổng lồ này quỵ bước, cả khu vực sẽ chịu tác động khủng khiếp, dẫn tới suy thoái chung.

Trái với Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản luôn bị phủ bóng bởi nguy cơ tăng trưởng âm và giảm phát dù gần đây đã bắt đầu bước ra ánh sáng. Bên cạnh đó, nền kinh tế này cũng đang trong giai đoạn cần tiến hành nhiều cải cách lớn. Cải cách lớn luôn chứa đựng những rủi ro bất ngờ, không chỉ đối với riêng nước Nhật.

Gần 1 thập kỷ qua, kinh tế khu vực Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á,
đã vươn lên mạnh mẽ, đầy ấn tượng. Ảnh: Xinhua

Hơn nữa, nền kinh tế các nước trong khu vực này vẫn rất dễ tổn thương trước những tác động từ bên ngoài, trong đó dễ thấy nhất có thể kể đến các động thái bảo hộ từ phương Tây. Tăng trưởng ngoại thương nội khối chưa đủ đảm bảo cho các nước này tránh khỏi khủng hoảng một khi bị hạn chế từ bên ngoài, đặc biệt là từ châu Âu và Mỹ.

Nhiều đại biểu tại diễn đàn này cho rằng chính quyền các nước châu Á cần cân đối hài hoà giữa nguy cơ lạm phát với nhịp độ đầu tư để đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

Họ cũng cho rằng chính quyền các nước trong khu vực Đông Á nên tạo điều kiện nới lỏng hoạt động tiền tệ hơn nữa cho các thành phần tham gia. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp thích hợp để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và phải tăng cường kích cầu nội địa.

Theo giới chuyên gia, những biện pháp quản lý vĩ mô như vậy cần nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ miệt mài thực hiện. Song theo các chuyên gia, đây đã là lúc cần đi những bước đầu tiên, để đảm bảo không có cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai trong khu vực trong tương lai gần.

Theo các đại biểu tại diễn đàn, nếu tự mãn, ngủ quên trên chiến thắng, các nước châu Á lúc nào cũng có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, với những hậu quả khôn lường.

"Chúng ta đang ở trong một tình thế là thiếu một cơ chế tự điều chỉnh cần thiết. Chúng ta hy vọng một ngày nào đó, thị trường sẽ thực hiện công việc này. Song nếu chỉ thị trường thực hiện việc điều chỉnh, sẽ có thể xảy ra những hỗn loạn về kinh tế", Thứ trưởng Tài chính Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam, cảnh báo.

Nhật Vy (Theo AFP, CNNMoney, Bloomberg)