itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên tại Festival Trà Quốc tế

Nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên tại Festival Trà Quốc tế

Festival Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 khai mạc hôm nay (9/11) và kéo dài tới ngày 15/11 là cơ hội để Thái Nguyên đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời đưa thương hiệu chè Thái Nguyên xứng tầm với danh tiếng sẵn có.

Với sự tham gia của 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhập khẩu chè của Thái Nguyên, cùng gần 100 doanh nghiệp và làng chè nổi tiếng từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, Festival Trà quốc tế lần thứ nhất là cơ hội lớn để chè Thái Nguyên quảng bá hình ảnh, cũng như trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Festival, ông Đặng Viết Thuần cho biết, toàn tỉnh hiện có 105 chợ nông thôn, trong đó có 17 chợ đầu mối lớn về chè, mỗi chợ cung cấp từ 40 đến 200 tấn trà/năm. Có thể kể đến các chợ: Yên Lạc, Phú Đô, Tức Tranh, Giang Tiên (huyện Phú Lương); Phú Sơn, Điềm Mặc, Bình Yên, Quán Vuông, Bình Thành, Chợ Chu, Tân Lập (huyện Định Hóa); Minh Lập, Hòa Bình, Văn Hán, Nam Hòa, Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ); Bắc Sơn, Phúc Thuận (huyện Phổ Yên); Bình Sơn, Mỏ Chè (huyện Sông Công)...

Trong 158.700 tấn sản lượng chè búp tươi, tương đương 32.000 tấn trà thành phẩm/năm, có khoảng 80% bán tại chợ nông thôn với giá bình quân 60 triệu đồng/tấn, cho doanh thu khoảng 19.200 tỷ đồng, góp phần đáng kể về thu nhập của người làm chè trong tỉnh. Về trà hàng hóa do các doanh nghiệp lớn chế biến, mỗi năm, Thái Nguyên cấp cho thị trường nội địa khoảng 22.000 tấn với nhiều chủng loại khác nhau, doanh thu gần 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các sản phẩm trà phổ thông (giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg), UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng, phát triển những thương hiệu, chủng loại trà có chất lượng, giá trị cao như: trà Ô Long, trà hoa nghệ thuật (giá từ 1 triệu đến 6 triệu đồng/kg). “Đây là hướng đi cần thiết để sản phẩm chè của Thái Nguyên chinh phục và đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu”, ông Thuần cho biết.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá “Nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên” cho 13 doanh nghiệp và 31 cá nhân. Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình đang sản xuất trên 30 loại sản phẩm, tất cả đều có mã vạch, được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001-9002.

Theo ông Thuần, Bộ Công thương đã có nhiều hoạt động trợ giúp Thái Nguyên kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu chè trong tỉnh với các đối tác kinh doanh ở nhiều thị trường quốc tế. Qua đó, Hiệp hội Chè Pakistan đã đến Thái Nguyên tìm hiểu và ký biên bản hợp tác và duy trì trao đổi mua bán hiệu quả thông qua các hoạt động giao lưu trực tuyến, tổ chức đoàn giao thương… Nhiều doanh nghiệp kinh doanh chè của Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Sri Lanka, Nga, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… cũng đã dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Thái Nguyên nhiều lời mời sang thăm, tham gia hội chợ triển lãm và ký hợp đồng mua bán chè.

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước sản xuất chè lớn, với diện tích khoảng 19.000 ha trồng chè. Trong đó, Thái Nguyên đóng góp sản lượng chè đứng thứ 2/35 tỉnh trong cả nước, chỉ sau Lâm Đồng. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Tại Festival Trà quốc tế lần này, thông qua các hoạt động như giới thiệu không gian văn hóa trà, triển lãm trà Thái Nguyên và Việt Nam, hội thảo quốc tế chè Thái Nguyên, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp chè của Thái Nguyên sẽ tận dụng tốt cơ hội để quảng bá hình ảnh, mở rộng kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và đưa thương hiệu chè Thái Nguyên xứng tầm với danh tiếng sẵn có của mình”, ông Thuần nói.

Theo baodautu.vn