itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Tạo đột phá - bao giờ?

Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Tạo đột phá - bao giờ?

Nếu như năm 2000, XK nông sản chỉ đạt 4,197 tỉ USD thì năm 2007, kim ngạch đã đạt 12,6 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2006, chiếm 25% tổng kim ngạch XK của cả nước và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010 tới 1,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng kim ngạch XK năm qua trên thực tế phần lớn là nhờ vào sự tăng giá của thế giới, trong khi từ yếu tố nâng cao chất lượng xem ra còn khiêm tốn.

Trên thực tế, việc đạt được kim ngạch XK cao trong năm 2007, trước hết là do hầu hết các mặt hàng nông sản trên thế giới đều tăng giá, vì vậy giá trị XK các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng nhờ đó mà tăng lên. Nhiều mặt hàng đã về đích sớm và đạt kim ngạch 1 tỉ USD trở lên, cụ thể như: cà phê về đích sớm với 1,7 tỉ USD; thủy sản đạt 3,7 tỉ USD; cao su 1,4 tỉ USD; gạo 1,5 tỉ USD; sản phẩm gỗ đạt 2,5 tỉ USD...

Bên cạnh yếu tố tăng giá từ tác động của tăng giá thế giới thì không thể phủ nhận một thực tế, đó là chất lượng các loại nông sản của Việt Nam cũng ngày được cải thiện đáng kể. Dẫn đầu về lĩnh vực này đó là các mặt hàng thủy sản. Mặc dù vẫn còn một vài trường hợp bị cảnh báo và trả lại hàng, nhưng hầu hết các mặt hàng thủy sản Việt Nam đều được các thị trường khó tính chấp nhận, thậm chí còn được dành khá nhiều sự ưu ái. Tiếp đến là mặt hàng gạo, lần đầu tiên, giá một số chủng loại gạo Việt Nam đã ngang bằng với giá gạo Thái lan, điều đó cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt. Ngoài ra hàng loạt nông sản khác cũng được đầu tư cải thiện đáng kể về chất lượng như hồ tiêu với giá XK bình quân 3.500USD/tấn (trong khi năm 2006 chỉ đạt 1.500 USD/tấn), vì vậy dù năm 2007 sản lượng XK giảm 15%, nhưng kim ngạch lại tăng tới 57,9%; những nỗ lực của ngành chè trong việc đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến chè theo quy hoạch, tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, có chất lượng cao để cải thiện đáng kể giá chè XK với mức tăng khoảng 25%, tương ứng với 270 - 280USD/tấn...

Đặc biệt, nông sản Việt Nam đã mở rộng thị trường sang nhiều nước trong khu vực và cả các thị trường lớn khó tính như: EU, Úc, Nhật Bản. Sau 1 năm gia nhập WTO, có thể thấy Việt Nam phải từng bước mở cửa thị trường nông sản, cơ hội nhiều nhưng khó khăn cũng rất lớn. Từ những tổng kết về một số kết quả bước đầu cho thấy, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn quá thấp. Chi phí sản xuất cao đang là một trở ngại đối với người nông dân. Kinh tế nông thôn phần lớn đang phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm, thiếu nguyên liệu và sử dụng công nghệ lạc hậu. Minh chứng rõ ràng nhất là mặt hàng mía đường. Sau hơn 10 năm triển khai chương trình 1 triệu tấn đường, năng suất mía của Việt Nam chỉ nhích từ 48tấn/ha lên trên 55 tấn/ha/năm, trong khi các nước tiên tiến đã vượt ngưỡng 100 tấn/ha/năm. Thách thức tiếp theo là sản xuất nông nghiệp rất manh mún, công nghệ chế biến bảo quản quá thô sơ, chưa kết nối được giữa sản xuất và tiêu thụ, vì vậy hàng nông sản của Việt Nam nhìn chung là XK với giá thấp so với các nước trong khu vực. Ví dụ như việc phát triển rau quả. Cả nước có tới 750.000 ha, nhưng kim ngạch XK chỉ đạt trên 200 triệu USD/năm, trong khi Thái lan chỉ có 260 ha mà kim ngạch XK đã đạt tới trên 1 tỷ USD. Thứ ba là vấn đề chất lượng và VSATTP. Đây là một trong những mấu chốt trong việc đưa mặt hàng nông sản Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường thế giới. Ngoài một số mặt hàng thủy sản, gạo đạt chất lượng khá tốt thì khá nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính. Ví dụ: cà phê Việt Nam, tuy đứng thứ 2 thế giới về XK, nhưng lại chiếm tới 80% số cà phê bị loại. Các quy định ATVSTP ở Việt Nam còn thiếu và yếu, vì thế thường bị động trước những yêu cầu của các nước NK. Quy trình “nông nghiệp sạch” còn rất manh mún...

Tất cả các nguyên nhân trên đã đặt ra tại nhiều hội thảo, hội nghị hàng năm, thậm chí đã đề ra hàng loạt giải pháp đi kèm như: tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp; thành lập các tập đoàn XK từng mặt hàng cụ thể để tăng sức cạnh tranh; thay đổi tư duy, thực hiện các liên kết hợp tác, giữ vững và mở rộng thị trường XK. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách cũng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp cho nông dân, tuy nhiên, việc đưa ra các giải pháp trên là rất quan trọng, nhưng việc thực hiện đến đâu, hiệu quả thế nào lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Năm 2008 và những năm tới, theo phân tích của các chuyên gia, việc phấn đấu đạt kim ngạch XK cơ bản cũng nhờ vào yếu tố tăng giá, bởi cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một bước đột phá nào trong việc nâng cao chất lượng của hầu hết các mặt hàng nông sản (!?).

Minh Quang / Báo Thương mại