itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Bloomberg: Fitch nhận định triển vọng nợ công thách thức xếp hạng của Việt Nam

Bloomberg: Fitch nhận định triển vọng nợ công thách thức xếp hạng của Việt Nam

“Fitch đã và sẽ tiếp tục coi tài chính công là một trong những điểm yếu trong hồ sơ xếp hạng của Việt Nam. Việc nâng xếp hạng cho Việt Nam sẽ bị thách thức nếu triển vọng tài chính công bị xói mòn”. Từ nhiều năm nay, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, một nền kinh tế lấy khu vực nhà nước làm chủ đạo và đẩy mạnh hoạt động sản xuất tận dụng chi phí thấp. Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam đang cố gắng tránh kịch bản mắc phải “bẫy nợ” như người láng giềng Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mới đây đã nhận định nợ quốc gia của Việt Nam đang tăng lên quá nhanh. Theo ông, nợ có thể tăng từ mức 60% của năm ngoái lên tới 64% GDP vào cuối năm 2015. Dự báo này bao gồm cả những khoản nợ được chính phủ bảo lãnh mà các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế thường không tính đến trong các đánh giá của họ.

Trao đổi với Bloomberg, ông Kiên cho rằng nợ công đã tăng quá nhanh trong một giai đoạn mà nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp nhất. “Chúng ta cần phải chi tiêu một cách thận trọng hơn”, ông Kiên nói. Đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bắt đầu đề cập đến “áp lực trả nợ” mà Việt Nam phải đối mặt.

Ở Trung Quốc, thời kỳ đầu tư bùng nổ đã giúp tạo ra tốc độ tăng trưởng như vũ bão. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là tình trạng các chính quyền địa phương và nhiều doanh nghiệp đang “oằn mình” gánh “núi nợ” trên vai.

Ở Việt Nam, theo ông Kiên, trung bình mỗi năm trong giai đoạn từ 2010 đến 2014, nợ quốc gia tăng khoảng 20%. Đây là thời kỳ Việt Nam cố gắng tái cấu trúc các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ (như Vinashin và EVN – những tập đoàn có nợ được Chính phủ bảo lãnh).

Trong khi đó, tại một báo cáo được công bố hồi tháng 3, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s dự báo rằng nợ chính phủ của Việt Nam sẽ tăng với tốc độ trung bình dưới 5% trong vòng 3 năm tới. Tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm từ 46% xuống còn 43%. Hai hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch Ratings và Moody’s lần lượt đưa ra con số 49% và 45,5% (tính đến cuối năm 2014 và không bao gồm nợ chính phủ bảo lãnh)

Theo Andrew Fennel, chuyên gia của Fitch phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam vẫn cao hơn so với mức trung bình 42% của các nước có mức xếp hạng tương tự. Tỷ lệ ở Indonesia là 24%. Còn tỷ lệ của Bangladesh – nước có cùng mức xếp hạng BB- với Việt Nam, chưa đến 29%.

“Fitch đã và sẽ tiếp tục coi tài chính công là một trong những điểm yếu trong hồ sơ xếp hạng của Việt Nam. Việc nâng xếp hạng cho Việt Nam sẽ bị thách thức nếu triển vọng tài chính công bị xói mòn”, chuyên gia Fennell cho biết.

Trong báo cáo gửi lên Quốc hội tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính sẽ cải thiện hoạt động quản lý nợ công và nâng cao chất lượng giám sát quá trình sử dụng các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng như nợ của các địa phương.

“Nghĩa vụ trả nợ – tức là số tiền mà chúng ta phải trả hàng năm – là chỉ số quan trọng hơn tổng mức nợ trên GDP”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói với Bloomberg. Ông cho biết nghĩa vụ trả nợ quốc gia hiện đang tiến sát đến mức giới hạn 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Tamara Henderson của Bloomberg cho rằng ngưỡng giới hạn 60% GDP mà Chính phủ đặt ra là mức khuyến nghị mà Hiệp ước Maastricht đưa ra cho các nước thành viên Liên minh châu Âu. Bà cho rằng đây không phải là con số báo động vì phần lớn nợ nước ngoài của Việt Nam là các khoản vay có ràng buộc, tức là đi kèm các điều kiện thuận lợi hơn thị trường. Các khoản vay này thường được sử dụng để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và đi kèm với các điều khoản có liên quan đến kế hoạch kết nối các nước Đông Nam Á.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg