itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Kinh tế Việt Nam 2008: Những thách thức không nhỏ

Kinh tế Việt Nam 2008: Những thách thức không nhỏ

Thủy sản là một trong những mặt hàng

xuất khẩu quan trọng của VN. ảnh: Đ.B

Năm 2007 nền kinh tế Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tích lớn. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,44%, mức cao nhất trong nhiều năm qua, xuất khẩu tăng mạnh, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài ở mức kỷ lục trên 20 tỉ USD...

Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam năm 2007 cũng bộc lộ nhiều yếu kém và chúng chính là những thách thức không nhỏ cho năm 2008.

Tuy tăng trưởng cao, nhưng lạm phát cũng ở mức kỷ lục, 12,6%. Lạm phát cao, kéo dài nhiều năm đã làm cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, cảm thấy thành quả tăng trưởng chưa thực sự mang lại cải thiện cho cuộc sống của họ như mong đợi.

Đây có lẽ là mối nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Theo tôi, Nhà nước nên thay đổi cách nhìn, cách ứng xử một cách thật triệt để với lạm phát. Chống lạm phát là một trong số không nhiều việc mà Nhà nước phải làm và có công cụ để làm.

Tuy nhiên, năm 2007 Nhà nước đã chưa sử dụng hữu hiệu các công cụ tài chính-tiền tệ (như kiểm soát cung tiền, kiềm chế tăng trưởng tín dụng bằng chính sách lãi suất, dự trữ bắt buộc, v.v...) và chính sách tài khoá (như cắt giảm chi tiêu ngân sách) để chống lạm phát, mà chủ yếu lại đưa ra các biện pháp không cơ bản như cắt giảm thuế nhập khẩu hay các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm tra, kiểm soát giá, hô hào chung chung hay đưa ra những giải thích chưa đầy đủ, hoặc chưa hợp lúc khiến người dân nghĩ đó là những lời giải thích bao biện.

Nếu không có thay đổi sâu sắc, mà vẫn ung dung với "mục tiêu lạm phát", một mục tiêu hết sức kỳ quặc, thì nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy lạm phát hết sức nguy hiểm. Lạm phát ở mức cao có thể gây ra bất ổn xã hội. Vấn đề này không thể được coi nhẹ. Giá dầu thô vượt ngưỡng 100USD/thùng rồi giảm nhưng vẫn mức gần 100USD gây ra tâm lý lo âu, và ảnh hưởng tâm lý này có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Các quyết định đôi khi không nhất quán về giá xăng dầu trước kia đã làm cho những tin đồn cũng đã gây ra làn sóng tích trữ xăng, là một chỉ báo đáng lo ngại.

Cần có những quyết định cẩn trọng, có tính toán, và dứt khoát mới khôi phục được lòng tin của người tiêu dùng. Theo tôi, đây là vấn đề nóng bỏng nhất của năm 2008, nhất là các tháng đầu năm.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm 2007 đạt mức kỷ lục trên 20 tỉ USD, song mức thực hiện, 4,6 tỉ, là không cao so với mức 4,1 tỉ thực hiện của 2006, mà vốn thực hiện mới là quan trọng chứ không phải vốn đăng ký. Các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước luôn kêu ca về cơ sở hạ tầng yếu kém, mà chủ yếu là năng lực bốc xếp của các cảng, mạng lưới đường sá, chi phí bốc dỡ và chuyên chở cao.

Thiếu điện là vấn đề hết sức đau đầu đối với các doanh nghiệp. Hạ tầng cơ sở pháp lý tuy đã được cải thiện khá song vẫn còn nhiều trở ngại. Đấy là những thách thức không nhỏ cho năm 2008 và các năm sau. Những vấn đề về hạ tầng cơ sở nếu không được cải thiện sớm thì có thể làm mất đà, mất cơ hội của làn sóng mới về đầu tư nước ngoài.

Tổng đầu tư của Nhà nước vẫn chủ yếu dành cho các "tập đoàn" và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả nhưng đang tìm cách bành trướng, lấn sân sang những lĩnh vực có vẻ "dễ ăn [xổi]" như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Điện thiếu, nhưng ngành điện bành trướng sang ngân hàng, bất động sản. Các tập đoàn này có thể là "những quả bom nổ chậm" đối với nền kinh tế, chứ chưa chắc đã là những "quả đấm" như người ta kỳ vọng.

Tôi e rằng trong vòng 5-7 năm tới chúng ta sẽ có thể phải hứng chịu những hậu quả khó lường. Hiện tượng phải dùng tiền ngân sách để giải quyết vấn đề nợ, để xoá nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua mà bây giờ cũng chưa được giải quyết triệt để phải là bài học đắt giá cho các nhà hoạch định chính sách. Nếu không khéo chúng sẽ trở lại với mức độ trầm trọng hơn.

Xuất khẩu vẫn tăng ở mức cao nhưng cũng không cao hơn vài năm trước, trong khi nhập khẩu tăng kỷ lục làm cho thâm hụt cán cân thương mại (tổng nhập - tổng xuất khẩu) ở mức kỷ lục, khoảng 10,5 tỉ USD. Đây cũng là vấn đề không thể xem thường. Nó chứng tỏ sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam có vấn đề. Nhiều người lập luận mức nhập siêu lớn là bình thường, không có vấn đề gì vì đó là nhập nguyên liệu, máy móc. Có thể, nhưng chưa chắc.

Quá phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài thì giá trị gia tăng chúng ta làm ra là bao nhiêu? Tỉ lệ nhập khẩu hàng tiêu dùng, kể cả hàng xa xỉ đâu phải nhỏ, tức là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật chú ý đúng mức đến thị trường nội địa. Nếu nền kinh tế thế giới hay khu vực gặp khó khăn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Đấy là bốn vấn đề chính mà tôi nghĩ là các thách thức không nhỏ trong năm 2008 đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra còn những vấn đề không chỉ là cấp bách của năm 2008 mà còn dài dài trong nhiều năm nữa:

Đó là cải cách hành chính mà Nhà nước rất quyết tâm tiến hành, song kết quả của năm 2007 chưa được như mong đợi. Có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại Nhà nước chỉ nên làm những người việc gì, còn những việc tuy hiện nay vẫn đang làm song không phải việc của Nhà nước thì mạnh dạn giao cho khu vực kinh tế hay khu vực xã hội. Phân quyền, phân cấp rõ ràng, kiên quyết không bao biện.

Rà soát lại tất cả các quy trình làm việc, đơn giản hoá chúng, hợp lý hoá chúng và có kinh phí thích đáng để đào tạo viên chức nhà nước theo quy trình mới. Cải tổ thật triệt để cung cách tuyển dụng viên chức sao cho đảm bảo công khai minh bạch, không nặng về bằng cấp mà lấy năng lực làm trọng, cải tiến cách đánh giá, cất nhắc viên chức. Chỉ có thế mới tránh được nạn chạy chức, chạy biên chế, mới có thể nâng cao được năng lực quản lý nhà nước ở mọi cấp.

Đó là vấn đề nguồn nhân lực - vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài. Không tạo được nguồn nhân lực tốt thì không thể có phát triển bền vững. Những người sử dụng lao động than phiền về hệ thống giáo dục và đào tạo của chúng ta. Nếu không mau chóng cải thiện tình hình, thì sẽ ảnh hưởng xấu đến làn sóng đầu tư nước ngoài, đến phát triển kinh tế. Đã có rất nhiều nỗ lực cải cách, song hình như vẫn chưa tìm đúng một vài cái "huyệt" để tác động, nhằm cải tổ triệt để hệ thống giáo dục đào tạo.

Đó là hệ thống ngân hàng tài chính chưa bền vững. Do người ta đua nhau mở ngân hàng và công ty chứng khoán và các tổ chức hiện hành mở rộng quy mô nên nhu cầu nhân lực và giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhanh mà chất lượng nhân lực không cao. Tăng trưởng tín dụng khá nóng. Cơ chế quản lý và kiểm soát, nhất là quản lý rủi ro còn chưa tốt.
Đó là vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, v.v. và v.v...

Năm 2007 nền kinh tế đã có nhiều thành tích, song đừng quá say sưa với các con số, với thành tích, phải tỉnh táo và nghiêm túc nhìn nhận cả những điểm chưa được và cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, để cho tăng trưởng thực sự đi đôi với phát triển xã hội, để cho tuyệt đại nhân dân được thụ hưởng thành quả tăng trưởng, để có tăng trưởng bền vững.

Theo Nguyễn Quang A (LĐ)