itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Lãi suất giảm… vượt dự đoán

Lãi suất giảm… vượt dự đoán

Đánh giá một cách khách quan, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất xuống mức thấp, tương đương giai đoạn 2005 - 2006, thực sự là thành tích điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Vào tháng 7/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình từng đưa ra một cam kết gây xôn xao thị trường, rằng "sẽ đưa lãi suất cho vay về dưới 15%/năm và giữ ổn định khoảng 1 năm". Hơn 20 tháng qua, lãi suất thực tế đã giảm nhanh, thậm chí xuống mức 6%/năm, vượt cả dự đoán của nhà điều hành.

Đó là thời điểm Thống đốc Bình mới nhận chức chưa đầy 1 năm, với bộn bề công việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, tín dụng "tắc nghẽn"… Không ít người đã hoài nghi về khả năng giảm lãi suất. Nhưng vẫn có ý kiến đồng tình và cho rằng cam kết đưa ra là… thừa vì lãi suất thực tế đang và sẽ giảm nhanh hơn dự đoán!

Chẳng dại "cố đấm ăn xôi"?

Quyết định giảm tiếp 1% đối với các lãi suất chủ chốt, áp trần huy động ngắn hạn là 6%/năm dường như là kết quả ngoài dự đoán của NHNN. Bởi, kinh tế vĩ mô trong 2 năm gần đây dần ổn định, lạm phát giảm xuống mức thấp nhất (khoảng 6 - 6,5%), chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả… thì lãi suất sẽ giảm nhanh.

Ở phía người cho vay, các ngân hàng từ lâu đã rơi vào cảnh "ế vốn" vì không có người vay, mà vẫn mất chi phí huy động vốn. Cho nên, giảm lãi suất huy động trước hết là bớt áp lực chi phí vốn cho ngân hàng, sau đó có cơ sở để kéo giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có vốn sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, vài tháng trước khi NHNN hạ lãi suất thêm 1%, một số ngân hàng lớn, dư dả vốn như Vietinbank, Vietcombank, Agribank… đã chủ động giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn xuống 6 - 7%/năm. Hiện, lãi suất huy động của khối ngân hàng quốc doanh chỉ dao động từ 5 - 5,5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng), dưới 6,5%/năm (kỳ hạn 6 - 12 tháng), thấp hơn con số lạm phát kỳ vọng của năm 2014.

Trước đây, khi Thống đốc đưa ra cam kết ổn định lãi suất dưới 15%/năm, Ts. Nguyễn Quang A, Chuyên gia ngân hàng, đã từng hóm hỉnh nói rằng "lãi suất dưới 15%/năm chẳng cần hứa vẫn có thể đạt được". Dẫn chứng là, lãi suất huy động thời điểm tháng 7/2012 đã giảm xuống 9%/năm thì lãi vay ở mức 13%/năm là hợp lý. Chênh lệch 3 - 3,5% là đủ cho chi phí và lợi nhuận ngân hàng. Lạm phát được dự báo sẽ không tăng nên lãi suất huy động khó có thể cao hơn. Và, do sức ép cạnh tranh, các ngân hàng buộc phải giảm lãi vay.

"Các ngân hàng cũng tính toán và thừa hiểu rằng nếu "cố đấm ăn xôi" duy trì lãi suất cao thì có thể vài tháng nữa, DN đó sẽ chết thì nợ xấu càng tăng. Do đó, việc gia hạn nợ, cho vay tiếp, giảm lãi hoặc ngừng thu lãi của nợ khó đòi… là việc làm thường xuyên, vì lợi ích của chính ngân hàng, chứ không cần ai đốc thúc", Ts, Quang A nói.

Ở khối NHTM, cuộc cạnh tranh huy động và cho vay lâu nay vẫn rất căng thẳng

Nhận định của Ts. Nguyễn Quang A cũng "khớp" với diễn biến thực tế thời gian qua, khi trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục giảm từ 14%/năm xuống 11%, rồi 8% và giờ chỉ còn 6%. Nhờ đó, lãi suất cho vay cũng dần hạ nhiệt, tuy có độ trễ chậm hơn.

"Co kéo" lợi nhuận

Với các DN phải vay vốn ngân hàng, lãi suất giảm là điều rất đáng mừng bởi sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí, từ đó có hi vọng mức lợi nhuận tốt hơn. Mức lãi suất cho vay hiện giờ dao động từ 9 - 13%/năm, thậm chí chỉ 6%/năm (tùy từng khách hàng và nhóm lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng là "dễ thở" hơn thời kỳ ngân hàng cho vay lãi "cắt cổ" như tín dụng đen, tới 25 - 27%/năm, hơn 2 năm trước.

Câu hỏi đặt ra là, lãi suất cho vay có giảm tương ứng với mức giảm của lãi suất huy động hay không? Thực tế, lãi suất cho vay chịu sự điều chỉnh của nhiều yếu tố và quan trọng nhất là mục tiêu lợi nhuận của mỗi ngân hàng. Dù lãi suất huy động có giảm xuống 6% hay chỉ 1%/năm, thì cái quan tâm nhất với ngân hàng là chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra (NIM) có đảm bảo mức lợi nhuận như kỳ vọng.

Thông thường, chênh lệch 3 - 3,5% là hợp lý. Nhưng ở một số ngân hàng và nhiều thời điểm, các chi phí vận hành, chi phí xử lý nợ xấu, dự phòng cao… đòi hỏi mức chênh lệch lớn hơn. Cho nên, giảm lãi vay thường là yêu cầu "cần phải xem xét kỹ" liên quan đến lợi ích của ngân hàng.

Đối với những khoản vay có kỳ hạn dài hơn (từ 12 - 18 tháng), cần có độ trễ hơn để ngân hàng tính toán và chọn thời điểm giảm lãi suất phù hợp. Đây cũng là do đặc thù có tính lịch sử của hệ thống ngân hàng, khi nguồn vốn dựa chủ yếu vào huy động ngắn hạn, nhưng cho vay trung và dài hạn nhiều hơn. Hơn nữa, quyền cho vay, xác định mức lãi suất, có giảm lãi cho khách hàng hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của từng ngân hàng, chứ NHNN hay Thống đốc không thể can thiệp.

Lãnh đạo cấp chi nhánh của Ngân hàng Vietinbank, cho biết không chờ đến khi NHNN giảm lãi suất 1%, Vietinbank đã chủ động hạ lãi suất cho vay để hút khách hàng, đẩy tín dụng ra. "Có những khách hàng tốt, được ngân hàng cho vay lãi suất chỉ 6%/năm. Nhưng cho vay cũng khó, vì có phải DN nào cũng có phương án kinh doanh khả thi để mà có lợi nhuận đâu", vị lãnh đạo này nói.

Với nguồn vốn lớn và đôi khi phục vụ những mục tiêu điều hành, các ngân hàng quốc doanh như Vietinbank, Vietcombank, BIDV… có thể nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. Còn ở khối NHTM, cuộc cạnh tranh huy động và cho vay lâu nay vẫn rất căng thẳng, thì việc hạ lãi vay còn phụ thuộc ý chí của các "ông chủ" nhà băng.

Theo Thu Hằng

Thời báo kinh doanh