itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Thị trường hàng hoá tháng 8: Chặn từ gốc nguy cơ tăng giá

Thị trường hàng hoá tháng 8: Chặn từ gốc nguy cơ tăng giá

Một tuần đã trôi qua kể từ ngày điều chỉnh giá xăng dầu, nhưng nhìn chung giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường vẫn ổn định, ngoại trừ ngành vận tải. Tuy nhiên, theo dự báo của các siêu thị lẫn nhà sản xuất, trong tháng 8, một số mặt hàng thiết yếu sẽ điều chỉnh giá.

Song khác với các đợt tăng giá xăng trước đây, lần này một số đơn vị đầu mối đã có bước chuẩn bị tạo nguồn hàng để bình ổn giá, nhất là đối với các mặt hàng lương thực - thực phẩm.

Nhiều mặt hàng tăng giá 5-15%

Tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguyên liệu xăng dầu, nhưng sữa bột đang là mặt hàng được người tiêu dùng (NTD) xếp đầu tiên trong danh sách những mặt hàng tăng giá. Từ đầu năm đến nay, các loại sữa NK đã 3 lần điều chỉnh giá, với mức tăng không dưới 5% mỗi đợt.

Đáng nói là từ 1.7, một số hãng sữa NK đã tăng 7-15%, tạo nên độ chênh lệch giữa giá cũ với giá mới từ 20.000 - 50.000 đồng/sản phẩm. Chẳng hạn như sữa Gain Advance IQ 3 loại 900gr tăng từ 266.000 đồng/hộp lên 300.000 đồng/hộp, Pedia Sure 900gr từ 300.000 lên 330.000 đồng/hộp, hay như sữa Dumex từ giá 260.000 đồng/hộp 900gr trước đây nay tăng lên 283.000 đồng/hộp nhưng trọng lượng giảm còn 700gr.

Chính việc tăng giá mạnh đối với mặt hàng không thể không dùng, nhất là đối với các loại sữa dành cho trẻ sơ sinh đến 3 tuổi vừa qua đã khiến thị trường sữa bột có hiện tượng NTD đổ xô truy lùng các điểm bán hàng giá cũ như một số siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ để mua hàng dự trữ.

Thế mà, trong vài ngày nay, thị trường sữa bột lại tiếp tục sôi động với thông tin một số loại sữa bột, sữa tươi của các hãng khác như nhãn hiệu Cô gái Hà Lan sẽ tăng từ 1.8. Nguyên nhân tăng giá sữa bột được các nhà sản xuất, phân phối đưa ra nhiều lý do như giá nguyên liệu tăng, chi phí bao bì, vận chuyển, nhân công..., kể cả chiêu tung sản phẩm mới, mẫu mã mới và dĩ nhiên đi kèm theo là giá mới cao hơn giá cũ.

Trong khi đó, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tại TPHCM vừa dẹp loạn được cơn sốt ximăng thì từ đầu tháng 7 đến nay lại khốn đốn với tình trạng sắt thép liên tục tăng giá. Ở thời điểm cuối tháng 6, giá thép tại các đại lý, cửa hàng VLXD tuy đứng ở mức cao 18 triệu đồng/tấn nhưng bước sang tháng 7 đã liên tục tăng lên, đạt mức bình quân 22 triệu đồng/tấn hiện nay. Xem ra, mức tăng của sắt thép hiện nay đạt đến hơn 20% nhưng một số cửa hàng, đại lý cho biết giá sắt thép trên thị trường có dấu hiệu ngấp nghé ngưỡng 23 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, thị trường đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới sắp đến cũng đang vào mùa với diễn biến tăng giá 15-20% so với năm trước với lý do giá nguyên liệu giấy, nhựa... tăng. Riêng về các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, theo các siêu thị, từ tháng 8 trở đi, sẽ có một số mặt hàng điều chỉnh giá với mức tăng 5-10%.

Tạo nguồn hàng dự trữ để bình ổn giá

Mặc dù, hầu hết các siêu thị đều dự đoán sẽ có đợt điều chỉnh giá một số mặt hàng. Tuy nhiên, không như những đợt trước đây, lần này từ các đơn vị sản xuất, nhà phân phối đến các siêu thị đều cố gắng giữ giá hoặc tăng giá ở mức hợp lý.

Thời điểm tăng giá một số mặt hàng có thể diễn ra vào tháng 8, với mức tăng 5-10%. Để điều chỉnh tăng giá sản phẩm, siêu thị yêu cầu các nhà cung cấp phải đưa ra lý do tăng giá và phải có lộ trình tăng giá hợp lý để NTD chấp nhận.

TP HCM đang thực hiện 4 nhóm giải pháp để bình ổn các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm. Ngoài giải pháp tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, làm giá, TPHCM đang tập trung tạo nguồn hàng dự trữ đồng thời với việc triển khai mạng lưới bán buôn và bán lẻ nhằm đưa hàng hóa đến tay NTD nhanh nhất và bình ổn giá tốt nhất.

Cty Vissan cho biết, Cty đang tập trung đảm bảo dự trữ thường xuyên 6.000 tấn thịt gia súc, 1.500 tấn thực phẩm chế biến cùng 10.000 tấn rau, củ, quả. Riêng thịt heo hiện nay đang có xu hướng giảm giá cộng với nguồn cung trong nước và hàng NK dồi dào nên Vissan sẽ tăng cường thu mua, dự trữ đảm bảo cho sản xuất và chế biến từ nay đến cuối năm với mức giá cạnh tranh.

Tương tự, Cty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn cũng lên kế hoạch dự trữ thường xuyên 1.000 tấn gạo, 1.900 tấn thịt heo, bò, gà các loại và 50 tấn thực phẩm chế biến với giá bán cam kết thấp hơn giá thị trường 10%. Chính những giải pháp và cố gắng của các đơn vị DN lương thực thực phẩm chủ lực của TPHCM đã góp phần bình ổn giá lương thực thực phẩm hiện nay. Điều này giúp cho một số mặt hàng thực phẩm như thịt heo, gà... đang giảm 3.000 - 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 7 và không rơi vào vòng xoáy tăng giá như các mặt hàng khác

Trương Định (Theo Vietstock)