itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Thế đứng của doanh nghiệp nhỏ

Tìm thế đứng trong thời hội nhập của doanh nghiệp nhỏ

Ảnh: Giang Thanh

Trong quá trình hội nhập kinh tế nhiều người lo lắng về năng lực cạnh tranh của các Doanh nghiệp (DN) "làng" nhất là các DN sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên trong cuộc chơi mới với rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà các DN vừa và nhỏ này vượt qua để sự trưởng thành, thích nghi với thời cuộc cho thấy họ hoàn toàn có khả năng trụ vững. Một trong những DN như thế phải kể tới Công ty Nhật Anh của xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.

Cũng như nhiều DN trưởng thành từ các làng nghề, DN Nhật Anh trưởng thành từ một tổ hợp sản xuất nhỏ, phải tự thân vận động tìm kiếm thị trường để thoát khỏi "bóng" của một DN "làng" vươn lên "phố". Mô hình sản xuất của Công ty lúc đầu tưởng là "bất tiện" do khoảng cách đi lại nhưng đến nay lại tỏ ra hiệu quả. DN đã đầu tư xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng với nhà xưởng, sân phơi... rộng rãi trên diện tích vài ha tại Phú Túc. Đồng thời thành lập phòng giao dịch tại Hà Nội khang trang với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đến nay, DN là đầu mối trung gian thu mua cho các công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ lớn của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều đơn hàng ký trực tiếp với đối tác nước ngoài. Cũng như nhiều DN khác, chủ DN Nhật Anh, anh Trần Xuân Yên đã nỗ lực học tập để khẳng định mình, năm 2006 là một năm DN tiếp tục làm ăn phát đạt, mở rộng được thị trường, có thêm nhiều bạn hàng mới, mẫu mã mới. Xuất thân là một người thợ thủ công, anh tích cực học hỏi thành lành nghề.

Làm giàu từ mây tre đan. Ảnh: Giang Thanh

Công ty TNHH Nhật Anh thành lập tháng 1-2005, tuy nhiên trước đó mới chỉ là cơ sở sản xuất nhưng doanh thu hàng năm đã đạt 12 tỷ đồng. Ít ai ngờ rằng để có cơ ngơi vài chục tỷ đồng như hiện nay anh Yên lại đi lên từ hai bàn tay trắng. Năm 1990, sau khi đi bộ đội về không có việc làm anh Yên xoay đủ nghề để kiếm sống đúng lúc đang trăn trở tìm đường đi cho mình thì sản phẩm cỏ tế của quê hương Phú Túc bắt đầu được khôi phục và phát triển trở lại sau một thời gian dài đóng băng do không tìm được đầu ra. Lúc đầu không có vốn, chưa có kinh nghiệm anh Yên mua các loại hàng cỏ tế chất lượng mẫu mã đẹp nhưng do sai kích thước, kiểu dáng nên bị loại của các chủ hàng trong vùng trả với giá rẻ sau đó đem ra triển lãm Giảng Võ bán trong các kỳ hội chợ.

Lâu dần anh mở rộng địa bàn cung ứng sản phẩm đến tất cả các khu du lịch nổi tiếng phía bắc như: Ao Vua, Thác Đa, chùa Hương, Hạ Long... Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập khá thu hút anh năng động hơn; tiếp sau đó đã tham gia nhiều triển lãm thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, có gian hàng trưng bày ở nơi sang trọng, là thành viên của hiệp Hội Mây, tre đan trong và ngoài tỉnh, nhưng anh vẫn nhớ những ngày đứng bán hàng cỏ tế rong ở cổng triển lãm Giảng Võ và các khu du lịch.

Chính những ngày mang hàng đi bán rong ở các hội chợ, khu du lịch anh Yên đã may mắn gặp được nhiều thương gia nước ngoài đến Việt Nam vừa đi du lịch vừa là để tìm mối hàng thủ công mỹ nghệ. Bằng lòng nhiệt thành và hơn hết là nhanh nhậy trước thời cuộc anh đã đưa khách hàng về địa phương tham quan. Thấy làng nghề phát triển mạnh, có khả năng đáp ứng được mọi hợp đồng và sự tin tưởng cảm mến trước một thanh niên ham học hỏi, hiểu nghề, biết nghề như anh, nhiều hợp đồng kinh doanh đã được ký sau đó.

Kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Giang Thanh

Từ một người buôn bán tự do nay phải tuân thủ thời gian hợp đồng chặt chẽ cũng như các thủ tục xuất, nhập khẩu, cái gì anh Yên cũng phải "vác giá" đi học từ đầu. Đến nay, Công ty Nhật Anh không chỉ là đối tác tin cậy của nhiều bạn hàng lớn và không dừng lại ở việc xuất khẩu trực các mặt hàng truyền thống của địa phương, Công ty TNHH còn sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu với đủ loại chất liệu khác nhau như mây, cói, rơm, bèo tây, dây chuối, sành sứ... Các chất liệu mới này được anh Yên sử dụng, kết hợp hài hòa với cây cỏ tế truyền thống cho ra đời nhiều mẫu "hàng độc". Công ty TNHH Nhật Anh đã có chỗ đứng cao trong giới kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ đã tạo việc làm cho hàng nghìn hộ gia đình lao động vệ tinh tại các địa phương, hàng năm Công ty còn dạy nghề cho 200 đến 300 hộ trong và ngoài huyện Phú Xuyên.

Hiện nay Công ty Nhật Anh phải gấp rút hoàn thành các hợp đồng đã ký. Và chỉ có hoàn thành các hợp đồng thì những người thợ thủ công ở làng nghề Phú Túc cũng như chủ hàng mới có một cái tết vui trọn vẹn. Trong khi ở làng nghề Phú Túc những lô hàng của DN được hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao nhờ đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề giầu truyền thống thì văn phòng đại diện của anh tại khu đô thị Đại Kim - Định Công (Hà Nội) cũng đang có nhiều hợp đồng hàng thủ công mỹ nghệ với số lượng lớn được ký kết./.

Giang Thanh