itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Sự kiện / Để sớm khởi công dự án Nhiệt điện Kiên Lương: Cần thúc đẩy nhanh GGU và PPA

Để sớm khởi công dự án Nhiệt điện Kiên Lương: Cần thúc đẩy nhanh GGU và PPA

Vườn hoa, cây xanh có diện tích tới 2,000 m2 đã được xây dựng cách đất liền 1,5km

Dự án Trung Tâm nhiệt điện Kiên Lương, một dự án trọng điểm quốc gia đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) về việc triển khai Dự án này. Trần Bình Nguyên thực hiện.

Thưa bà, tại sao chưa có lệnh khởi công mà ITACO đã chi gần 2.000 tỷ đồng cho các công việc ở Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương? Số tiền trên được chi cho những công việc gì?

Nếu đặt chân đến khu vực lấn biển của Dự án, chắc chắn như bao người khác, anh sẽ rất ngạc nhiên đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngay giữa biển khơi mênh mông, ngổn ngang đất đá lại có một sàn đậu trực thăng và một vườn hoa xanh tươi và rực rỡ đến thế?”.

Vườn hoa cách đất liền gần 1,5km và hàng ngày xe bồn chở nước phải đi 24km để lấy nước ngọt về tưới cho cây, các nhân viên kỹ thuật trồng cây ở đây cũng được đưa từ TP.HCM xuống. Thật sự để có một vườn hoa, cây xanh rộng tới 2.000m2 ở ngay giữa biển nước mênh mông như thế này quả là không đơn giản, song ngay sau khi san lấp, lấn biển chuẩn bị mặt bằng cho Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1, tôi đã chỉ đạo xây dựng ngay một vườn hoa, cây xanh.

Lý do gì khiến ITACO phải xây dựng một vườn hoa như vậy?

Thứ nhất, tôi muốn ngay từ đầu xây dựng một truyền thống văn hóa cho Tập đoàn để từng cán bộ, công nhân viên phải nhận thức rõ: “Chúng ta đang lãnh một trọng trách thay đổi hẳn một nếp nghĩ của mọi người khi nói đến nhà máy nhiệt điện. Do vậy, Trung tâm Điện lực Kiên Lương phải là biểu tượng của một nhà máy nhiệt điện xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường”.

Thứ hai, vườn hoa, cây xanh minh chứng cho niềm tin, sức mạnh, ý chí của chúng tôi trong việc quyết tâm xây dựng thành công Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương.

ITACO là doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên được Chính phủ giao làm chủ đầu tư một dự án điện thực hiện theo hình thức xây dựng – sở hữu – kinh doanh (B.O.O) được Chính phủ bảo lãnh tín dụng. Vì vậy, nên chúng tôi đang dồn hết tâm huyết, sức lực cho Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương với quyết tâm: từ sự thành công của Dự án này, mọi thành phần kinh tế trong nước sẽ được góp sức xây dựng thêm nhiều nhà máy điện, bổ sung cho nguồn năng lượng đang thiếu hụt trầm trọng ở Việt Nam.

Chúng tôi đã hứa với Chính phủ là sẽ thực hiện thành công Dự án. Đó chính là lý do trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người đã hỏi rằng, tại sao khi chưa có lệnh khởi công chính thức của Chính phủ, ITACO đã đem gần 2.000 tỷ đồng… đổ ra biển (?!).

Bà có cho rằng, đó là việc làm vội vã?

Thời gian đâu có đợi chúng ta! Muốn đảm bảo được nhà máy phát điện hoạt động vào năm 2014 theo đúng tiến độ do Chính phủ đề ra, thì chúng tôi phải hoàn thành toàn bộ mặt bằng nhà máy chậm nhất vào tháng 12/2010.

Cần phải nắm rõ quy trình thế này, Dự án chỉ chính thức khởi công khi hoàn tất các thủ tục bảo lãnh vay vốn của Chính phủ (GGU) và hợp đồng mua bán điện (PPA). Nhưng nếu chờ đến khi các thủ tục này hoàn tất, thì sẽ mất rất nhiều thời gian cho các phần việc (vốn rất quan trọng trong Dự án) như giải phóng mặt bằng, nạo vét, san lấp biển để có mặt bằng thi công….

Chúng tôi đang phải nạo vét, san lấp khoảng 48 triệu m3 đất đá, nâng cao độ khu vực lấn biển từ -3 đến -14m lên +3,27m. Vật liệu san lấp cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chẳng hạn hạt cát phải đảm bảo có đường kính từ 1,2mm trở lên.

Chính vì vậy, từ tháng 9/2009 đến nay, chúng tôi đã phải đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để nạo vét, san lấp biển lấy mặt bằng xây dựng nhà máy. Mặc dù gặp khó khăn về nguồn vật liệu, nhưng đến nay, ITACO đã nạo vét được 5,5 triệu m3 bùn và san lấp gần 10 triệu m3 cát, đá và sỏi đỏ thực hiện san lấp được trên 88ha của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 (chiếm 70% khối lượng san lấp). Trong đó, gồm 60 ha mặt bằng cho nhà máy, 10 ha cho đường sá, hệ thống kỹ thuật, hệ thống điện, hồ chứa nước, cống hộp, sân đậu trực thăng, công viên cây xanh và 18 ha khu tái định cư, văn phòng, nhà ở cho chuyên gia và công nhân…

Cùng với việc san lấp mặt bằng, ITACO đang khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ của nhà máy. Tập đoàn đã xây dựng xong tuyến đường nối hệ thống giao thông quốc gia với khu nhà máy, cơ bản thực hiện tuyến đường nội bộ chính có chiều dài khoảng 5km. Hệ thống cấp điện và cấp nước cũng đã được kéo đến hàng rào nhà máy.

ITACO đã nạo vét được 5,5 triệu m3 bùn và
san lấp gần 10 triệu m3 cát, đá, sỏi đỏ để tạo mặt bằng cho Nhà máy

Như bà vừa nói, một trong những điều kiện để triển khai đầu tư nhà máy là việc đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)? Công việc này đã triển khai đến đâu?

Có thể nói đây là một dự án rất lớn, góp phần quan trọng vào việc giải bài toán thiếu điện hiện nay, nên nhiều cơ chế, chính sách đã được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, trong đó có việc đàm phán giá điện. Hiện chúng tôi nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Công thương, EVN và các bên liên quan. Cụ thể, đến nay, việc đàm phán đã đạt được cơ bản các điều khoản của hợp đồng mua bán điện.

Bà có thể cho biết về thời điểm cụ thể khởi công Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1?

Như tôi đã nói ở trên, dự án chỉ có thể khởi công khi hoàn tất 3 công việc lớn là mặt bằng, GGU và PPA. Chúng tôi quyết tâm đến tháng 12/2010 sẽ hoàn thành việc san lấp mặt bằng. Về GGU, chúng tôi đã cùng Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và EVN thực hiện nhiều vòng đàm phán. Tháng 7/2010, Bộ Công thương đã trình lên Thủ tướng Chính phủ các điều khoản của GGU cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương xin được áp dụng tương tự như GGU mà Chính phủ đã cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài của Dự án điện Phú Mỹ 3 và Mông Dương.

Riêng về đàm phán giá điện, Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo cùng với Công ty mua bán điện đang khẩn trương đàm phán, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của EVN. Tôi tin tưởng rằng, với sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như tỉnh Kiên Giang, Dự án chắc chắn sẽ hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo đến năm 2014, Kiên Lương 1 sẽ chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần đáng kể vào việc giải bài toán thiếu điện, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.

Có ý kiến cho rằng, ITACO đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Vậy vấn đề thực chất là gì, thưa bà?

ITACO là tập đoàn dẫn đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và thu hút đầu tư trên cả nước trong suốt 15 năm qua, đồng thời liên tục được xếp hạng tín dụng AAA. Gần như trong suốt 15 năm hoạt động, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của ITACO chỉ xấp xỉ ở mức 20%. Với sức khỏe tài chính lành mạnh như vậy, cùng với uy tín và kinh nghiệm của một trong những tập đoàn đầu tư hạ tầng hàng đầu của Việt Nam, chúng tôi có nhiều thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn, đồng thời Dự án Nhiệt điện Kiên Lương nằm trong Tổng sơ đồ điện VI.

Đây cũng là dự án đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOO, được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bảo lãnh vay vốn. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 là dự án đầu tư nguồn điện nằm trong Tổng sơ đồ điện VI về phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 nên được áp dụng điều 3 của Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định: các dự án nguồn điện, đường dây đấu nối với hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 do các doanh nghiệp trong nước đầu tư được thực hiện theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, tại Công văn số 5404/VPCP-KTTH, ngày 27/7/2009, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Chúng tôi hiện đang tích cực cùng hơn 15 đơn vị tư vấn có tên tuổi trong và ngoài nước làm việc với các ngân hàng lớn của các tổ chức tín dụng quốc tế và Tổng công ty Bảo hiểm Sinosure (Trung Quốc) về việc vay vốn cho Dự án. ITACO cũng đã nhận được những ý kiến phản hồi, cam kết tích cực từ các ngân hàng, đặc biệt, Sinosure đã có Văn bản (để ngày 24/8/2010) đồng ý về nguyên tắc cung cấp bảo hiểm vốn vay cho Dự án. Việc xem xét cho vay chính thức chỉ được thực hiện khi có GGU và hợp đồng PPA với EVN.

Chúng tôi đang đợi phê duyệt của Chính phủ về các nội dung bảo lãnh và cam kết tại Tờ trình số 6829/TTr-BCT ngày 9/7/2010 của Bộ Công thương và Văn bản giải trình bổ sung số 8343/BCT-NL ngày 18/8/2010 sau khi đã được các bộ, ngành liên quan thống nhất.

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương thu hút một nguồn vốn rất lớn. Vậy hiệu quả hoạt động của ITACO có bị ảnh hưởng từ việc đầu tư Dự án này?

Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (một pháp nhân độc lập với ITACO) thực hiện Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương. ITACO hiện đang niêm yết cổ phiếu trên trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), chỉ đóng góp 15% vốn vào Dự án này. Do đó, việc đầu tư dự án cũng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các cổ đông của ITACO. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của ITACO đạt gần 1.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm nay, cổ tức và cổ phiếu thưởng được chi trả ở mức 50%/vốn điều lệ.

 

Với tổng mức đầu tư 6,2 tỷ USD, Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương (tiếng Anh: Kien Luong Coal – Fired Power Plant Complex KLPP) là dự án trọng điểm quốc gia về điện trong Tổng sơ đồ điện VI được Thủ tướng Chính phủ giao cho ITACO làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án lớn đầu tiên trong ngành công nghiệp nặng do một tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh thực hiện. Dự án có tổng công suất 4.400MW, được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự án được triển khai từ năm 2009 đến 2018 theo 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có công suất 1.200MW (gồm 2 tổ máy 600MW x 2), giai đoạn 3 có công suất 2.000MW (2 tổ máy 1.000MW x 2). Sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia dự kiến từ 8.100 tỷ đến 8.640 tỷ Kwh/năm. Giai đoạn 1 của Dự án có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD được xây dựng trên diện tích 100ha sử dụng nhiên liệu chính là than nhập khẩu (với nhu cầu khoảng 3,5 triệu tấn than đá/năm, dự kiến sẽ đi vào vận hành vào tháng 12/2013 – 2014).

Trần Bình Nguyên – Báo Đầu Tư Chứng khoán