itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Sự kiện / Hội nghị giao lưu doanh nghiệp: Chinh phục đỉnh cao kinh doanh

Hội nghị giao lưu doanh nghiệp: Chinh phục đỉnh cao kinh doanh

Với đại diện cấp cao của hơn 70 tập đoàn và công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới cùng sự có mặt của hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam.

Các doanh nhân đừng bỏ lỡ cơ hội để đến đỉnh cao!

Hội nghị giao lưu doanh nghiệp với chủ đề Chinh phục đỉnh cao kinh doanh sẽ diễn ra chiều mùng 8 tháng giêng 2008, là một diễn đàn quy tụ nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới với tổng doanh số lên đến hàng nghìn tỉ đôla mỗi năm. Chinh phục đỉnh cao kinh doanh là một hội nghị giao lưu doanh nghiệp theo sáng kiến của Báo Thế giới và Việt Nam, được tạp chí The Economist (Anh Quốc) ủng hộ và đồng tổ chức và Tập đoàn Tân Tạo ITACO phối hợp thực hiện. Hội nghị giao lưu doanh nghiệp này (Business Meets Business – BMB) là một diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Kinh tế đối ngọai với Chính phủ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội và các sự kiện chào mừng diễn ra từ ngày 7 đến 10/01/2008. Đây là một diễn đàn được tổ chức theo lối mới, cập nhật “công nghệ” tổ chức diễn đàn doanh nghiệp trên thế giới với sự khích lệ tư duy theo lối mới, giàu ý tưởng sáng tạo và mạnh dạn dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với thử thách để chinh phục đỉnh cao trong kinh doanh và phát triển cùng với sự trao đổi, cởi mở, thẳng thắn có minh họa giữa các doanh nghiệp cùng các ngành nghề nhằm tìm ra con đường ngắn nhất đi đến các dự án và hợp tác cụ thể. Do thời gian có hạn nên lần này, Hội nghị BMB sẽ tập trung vào 5 ngành kinh tế đang nóng nhất ở Việt Nam với tham vọng góp phần khích lệ chúng cất cánh phát triển và phát triển hết cở để “Bằng chị bằng em”. Đó là các ngành: Kết cấu hạ tầng, Bất động sản, Chế tạo, Tài chính, Du lịch.

Kết cấu hạ tầng

Nền tảng đưa Việt Nam vào thế kỷ mới

Một trong những vấn đề chiến lược của phát triển là xây dựng kết cấu hạ tầng của một nền kinh tế. Không có hạ tầng không thể phát triển, hoặc chí ít cũng không thể phát triển bền vững. Kết cấu hạ tầng ở Việt Nam được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử và đáp ứng được đòi hỏi của mỗi giai đoạn đó. Nay vào giai đọan phát triển với đặc điểm là tăng trưởng nhanh, kết cấu hạ tầng cũ đã trở nên quá tải còn kết cấu hạ tầng mới thì chưa đáp ứng kịp cả về số lượng lẫn chất lượng. Thị trường ở Việt Nam phải nói là rất mênh mông. Chắc hẳn để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phát triển phồn vinh, Việt Nam cần phải phát triển hạ tầng một cách bài bản, quyết liệt và tỉnh táo.

Bất động sản

Một lối sống hiện đại trong một Việt Nam quyến rũ

Thị trường bất động sản Việt Nam, có thể nói là vừa mới được sinh ra, đến nổi luật kinh doanh Bất động sản còn chưa kịp đi vào cuộc sống. Song hãy cảnh giác với sự phát triển của thị trường này. Một là tăng trưởng đầu cơ thay vì tăng trưởng tài sản cố định (tức bất động sản). Hai là hồi cổ các công trình kiến trúc Phương Tây từ thế kỷ 17 hay sao chép các công trình cao tầng chi chít của các nước khác. Hãy phát triển một thị trường bất động sản Việt Nam hiện đại trong một non sông đầy quyến rũ. Và nếu vậy, thị trường này sẽ là bất tận.

Chế tạo

Hãy tạo ra một trung tâm công nghiệp và thương mại toàn cầu mới

Dệt may, ô tô – xe máy, điện tử… ở Việt Nam còn chưa phải là các ngành chế tạo thật sự mà chủ yều chỉ là các đơn vị lắp ráp cấu kiện nhập từ nước ngoài. Một nền kinh tế tự chủ không thể chấp nhận tình trạngđó mãi được. Đất nước không thiếu những bộ óc sáng chế, các kỹ sư có năng lực và những người thợ khéo tay cần cù. Tại sao chúng ta không dám vươn lên trở thành một trung tâm chế tạo như ở khu vực Hàn Quốc, Đài Loan? Tại sao chúng ta không dám vươn lên trở thành một trung tâm chế tạo và thương mại toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc hay ít nhất như Singapore? Câu trả lời thuộc về các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý kinh tế về đội ngũ doanh nhân. Đường đi đến câu trả lời tích cực cho câu hỏi đó không bằng phẳng nhưng rộng thênh thang và là đường một chiều cho những người dám chinh phục đỉnh cao.

Tài chính - Ngân hàng

Thiên lý mã Việt Nam

Với tốc độ gần đây phát triển nhanh nhất, đôi khi là nhanh nhất thế giới, ngành tài chính Việt Nam, bao gồm cả kinh doanh ngân hàng, tiền tệ, giấy tờ có giá…đang gây một sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và chính trị gia trên toàn thế giới. Thiên lý mã (ngựa chạy nghìn dặm) là hình ảnh chuyển động và sống động có thể ví cho thị trường tài chính- chứng khoán Việt Nam. Song nếu là thiên lý mã có sức chạy một nghìn dặm thì cũng cần có ý thức về một khả năng dẻo dai, bnền vững để chạy những nghìn dặm tiếp theo. Tài chính- chứng khóan là những ngành dễ tổn thương và đổ vỡ nhất, song nó lại là kênh huy động vốn nhanh nhất và có thể là nhiều nhất.

Du lịch

Hãy là kì quan của Phương đông

Việt Nam không có Vạn Lý Trướng Thành như Trung Quốc, vườn treo Babilon như Irag hay vạn đảo quyến rũ như Indonesia… Nhưng Việt Nam có hệ thiên nhiên hầu như chưa bị tàn phá, có Vịnh Hạ Long đẹp nhất thế giới, có hệ thống hang động Phong Nha- Kẻ Bàng kỳ bí nhất Châu Á và những bãi biển thơ mộng. Song vượt lên tất cả là sự trìu mến, hiếu khách, đôi khi là tính sính ngoại của con người Việt Nam. Hay có thể nói là tấm lòng Việt. Thiên nhiên thanh bình và trong sạch, lòng người bao dung và hiền hậu. Kỳ quan thiên nhiên và kỳ quan tâm hồn. Và đó hoàn toàn có thể làm cho Việt Nam trở thành một kỳ quan của Phương Đông. Song tại sao ngành du lịch Việt Nam lại kém phát triển thế? Hãy chinh phục đỉnh cao!

Theo Thế giới và Việt Nam