itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Sự kiện / Những gợi mở từ mô hình một đại học "năm sao"

Những gợi mở từ mô hình một đại học "năm sao"

Trong khi các nhà quản lý còn không ít tranh cãi, thử nghiệm với việc xây dựng mô hình đại học tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam thì ở Long An, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo với dự án Trường Đại học Tân Tạo đang miệt mài theo cách riêng của mình để đầu tư xây dựng một trường đại học theo mô hình quốc tế. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đã ghé thăm ngôi trường này và ghi nhận được nhiều ý tưởng, mô hình, cách làm độc đáo hứa hẹn nhiều gợi mở cho việc phát triển giáo dục ở nước ta…

Đẳng cấp “xanh-sạch-đẹp”

Dịp cận kề “ngày nhà giáo” năm nay, khi chúng tôi đến thăm dự án Đại học Tân Tạo, tình cờ cũng vừa đúng vào lúc có hẳn một đoàn gồm gần 10 giáo sư, tiến sĩ danh tiếng đến từ Hoa Kỳ để thẩm định, đánh giá dự án Đại học Tân Tạo, chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác sắp tới.

Giảng đường nằm giữa những thảm xanh, những vườn hoa muôn sắc khoe màu. Các con đường đều rải nhựa êm ái. Nhiều cây cổ thụ được mua về tạo cho ngôi trường mới với con đường đến giảng đường rợp bóng cây và khá nên thơ. Sân bóng đá tiêu chuẩn đào tạo vận động viên của giải ngoại hạng Anh đã hoàn tất. Xa xa là sân tennis, bể bơi. Cách không xa phía giảng đường là các khu thương mại, dịch vụ với những toà nhà thiết kế đẹp mắt soi bóng bên dòng sông Vàm Cỏ vẫn còn “tiếng bìm bịp kêu nước lớn nước ròng”…“Xanh-sạch-đẹp” đến bất ngờ, đó là lời khen chung của các giáo sư đến từ Mỹ. Quả là giữa thời buổi tấc đất tấc vàng, chuyện chật chội, tạm bợ là nét chung của nhiều trường đại học thì có được một không gian đẹp như thế quả là rất hiếm. Trường Đại học Tân Tạo được xây dựng nằm giữa khu đô thị Tân Đức của tỉnh Long An – một khu đô thị hiện đại và sạch đẹp thuộc tốp bậc nhất ở Việt Nam hiện nay, đồng thời là “khu đô thị- thành phố tri thức” với một chuỗi các trường đại học, trung tâm tài chính, thương mại… Cách đây ít lâu, một số chuyên gia người Nhật Bản sang tìm hiểu khu đô thị này đứng trước các thảm xanh và không gian yên bình đã phải thốt lên: “Đây có lẽ là khu đô thị sạch đẹp nhất Việt Nam”.

Lý giải về việc tại sao lại đặt trường đại học giữa một khu đô thị “5 sao” như vậy, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo kể: “Khi xây dựng khu công nghiệp - đô thị Long An và Trường Đại học Tân Tạo, chúng tôi cũng bố trí rất nhiều công viên, thảm xanh, sân vận động. Người khác làm khu công nghiệp thường ít trồng cây không phải vì họ không nhận thức được vai trò cây xanh mà do họ muốn có hệ số sử dụng đất cao để có lợi nhuận nhiều. Nhưng tôi muốn mỗi dự án của mình phải làm đẹp hơn cho đất nước, hạnh phúc hơn cho mỗi người đang sống ở đó”. “Từ lâu rồi ước mơ lớn nhất của tôi là xây dựng bên sông Vàm Cỏ một “thành phố khoa học”, ở giữa là một trường đại học lớn. Dòng sông này năm xưa từng là nơi hàng nghìn chiến sĩ đã hi sinh, từng là cái nôi cách mạng, nay tôi muốn dựng xây nó thành một cái nôi nuôi dưỡng tài năng trẻ cho đất nước”.

Khuôn viên Đại học Tân Tạo – một “đại học xanh” nằm giữa khu đô thị xanh

“5 sao” từ giảng đường đến ký túc xá

Sảnh chính của toà nhà trung tâm Đại học Tân Tạo rộng thênh thang tạo cảm giác thoải mái cho những người lần đầu đặt chân đến trường. Kiến trúc lạ mắt và hút hồn chúng tôi là vòm trần màu xanh da trời với những áng mây cuồn cuộn như nói lên khát vọng bay tới chân trời tri thức vô tận. Bước lên tầng đầu của toà nhà trung tâm, chưa phải là thư viện hay những máy móc hoành tráng mà là một gian triển lãm độc đáo: 1000 mẫu gốm cổ của nghệ nhân Trần Độ trị giá nhiều tỷ đồng, bao gồm những tác phẩm gốm quý đặc trưng cho các thời đại trong suốt lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Giảng đường, phòng học có rất nhiều loại khác nhau. Không còn những bảng đen, ghế ngồi trang nghiêm, thầy trên cao trò dưới…thấp xơ cứng mà có phòng học lý thuyết, phòng thực hành, phòng thuyết trình, xê-mi-a. Sinh viên, học viên ngồi dưới những ghế mềm thoải mái theo dõi màn hình LED hàng trăm inch cùng những thiết bị điện tử hiện đại. Thầy giáo, cử toạ, nhân vật trung tâm được bố trí bàn ngồi ở vị trí đắc địa và thoải mái trình bày ý tưởng của mình…

Ký túc xá, khi chúng tôi đến, những người thợ đang sắp xếp những căn phòng mẫu. Giật mình thấy không còn cảnh giường tầng chen chúc như nêm. Những ai đã trải qua cái cảnh “bếp dầu, ri-đô” chắc sẽ ngạc nhiên tưởng đây là những căn hộ chung cư cao cấp khi 4 sinh viên một phòng rộng rãi, có giường ngủ, bàn học, có toilet khép kín khá sang trọng.

Sau giờ học, sinh viên có thể giải trí ở rất nhiều sân thể thao, bóng đá, bóng chuyền hay những rạp chiếu phim, bar, nơi biểu diễn ca nhạc…rải rác xung quanh khu đô thị.

“Làng giáo sư” độc nhất vô nhị

Nằm cách khu giảng đường không xa, rất gần các sân tenis, giữa các khu vườn hoa, thấp thoáng những căn biệt thự hạng sang. Chúng tôi ghé thăm một ngôi biệt thự 3 tầng xây theo kiến trúc châu Âu với hàng rào sơn trắng bên vườn hoa hồng đang khoe sắc rực rỡ. Vườn phía sau biệt thự, thật thú vị vì có đủ hòn non bộ, ao, cây chuối, cây dong, những hàng tre trúc xanh tươi như hình ảnh một làng quê thu nhỏ mà sau những giờ làm việc căng thẳng, chủ nhân có thể “xả xì-trét” ngay trong ngôi vườn nhỏ của mình. Đây là khu biệt thự cao cấp dành cho giới thượng lưu về ở một khu đô thị mới nay mai chăng? Hay nhà ở của lãnh đạo hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang đầu tư vào Khu đô thị Tân Đức? Không phải! “Đây là mẫu nhà công vụ dành cho phó giáo sư, chủ nhiệm một khoa của nhà trường. Những giáo sư, nhà khoa học có học hàm, học vị và chức vụ cao hơn sẽ được ưu tiên những căn biệt thự cao cấp hơn”. Chúng tôi thực sự hơi sốc sau khi nghe ông Nguyễn Tuấn Minh - TGĐ Cty CP Đầu tư Tân Đức thuộc Tập đoàn Tân Tạo giới thiệu về mô hình nhà ở cho những nhà khoa học cao cấp về làm việc tại Đại học Tân Tạo trong nay mai. Gần đây, cộng đồng mạng từng xôn xao với việc Giáo sư Ngô Bảo Châu được Chính phủ tặng căn hộ trị giá 12 tỷ đồng ở Hà Nội. Nếu so với trị giá những căn biệt cao cấp hàng chục tỷ đồng, song không phải chỉ dành cho một “ngôi sao” khoa học mà dành cho hàng loạt nhà khoa học của Đại học Tân Tạo nay mai, Tập đoàn Tân Tạo quả thực đã hướng tới việc không tiếc tiền chiêu hiền đãi sĩ.

Cùng với “làng biệt thự” dành cho các lãnh đạo khoa, phòng, ban của Đại học Tân Tạo, có rất nhiều căn hộ cao cấp dành cho giảng viên với những ưu đãi, tiêu chuẩn riêng theo học vị tiến sĩ, thạc sĩ hoặc chức danh công việc và uy tín, năng lực sư phạm.

Đi cùng với việc trả lương cao, ý tưởng chiêu hiền đãi sĩ bằng nơi ở và làm việc tương xứng với tầm cỡ và cống hiến của họ theo bà Đặng Thị Hoàng Yến chính là một sức hút mới của Đại học Tân Tạo. Sự chiêu hiền đãi sĩ đó càng có ý nghĩa hơn khi gắn với ý tưởng của bà Yến xây dựng khu đô thị Tân Đức trở thành khu đô thị kiểu mẫu ở Việt Nam về các tiêu chuẩn môi trường và chất lượng sống, một “Singapore Việt Nam” nằm ngay cạnh Sài Gòn, với những hấp dẫn, thu hút về hạ tầng, môi trường của một trung tâm giáo dục – khoa học, trung tâm kinh tế - tài chính lớn.

Những hình ảnh ghi nhận trên mới chỉ là vẻ “bề ngoài” của một dự án đại học hiện đại nhưng những sự chăm chút công phu ấy phần nào đã nói lên quyết tâm của chủ đầu tư muốn tạo nên một hình đại học mới, trên khuôn viên gần 103 héc-ta xanh, có thể đón 3.000 sinh viên mỗi năm trong tương lai. Hi vọng những phác thảo và chuẩn bị ấy sớm trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: Đức Toàn - Nguyễn Minh (QĐND)