itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Tân Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner

Tân Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner: Nhà ngoại giao không thích "ngoại giao"

Ngoại trưởng Bernard Kouchner

Bernard Kouchner vừa trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của một tổng thống cánh hữu mà vài tuần trước ông còn đả kích.

Con đường nào đã đưa ông đến bước rẽ này? Và điều đó có ý nghĩa gì đối với phương hướng sắp tới của nền ngoại giao Pháp?

Để trở thành gương mặt tượng trưng cho chính sách "cởi mở" của tân Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Kouchner đã phải trả giá bằng việc bị khai trừ khỏi đảng Xã hội, đồng thời gánh chịu những chỉ trích, phê phán từ những người đồng chí cũ. "Nếu đó không là sự phản bội thì cũng là sự phản bội chính mình" - nhà lãnh đạo đảng Xã hội Francois Hollande bình luận. Sâu cay hơn, "người ta không trở thành đồ đệ của Mitterrand khi còn Mitterrand (cố tổng thống thuộc đảng Xã hội, người nâng đỡ ông Kouchner - NV), và trở thành đồ đệ của Sarkozy khi có Sarkozy", vẫn lời ông Hollande.

Nhưng có tới 60% dân chúng Pháp ủng hộ quyết định tham chính của ông Kouchner, như họ đã luôn luôn ủng hộ hàng chục năm qua. "Ngọn cờ" tạo nên hình ảnh và sức mạnh của Bernard Kouchner gói gọn trong hai chữ "nhân đạo", với tất cả những cách hiểu khác nhau của nó. Cuộc đời của bản thân ông Kouchner minh họa cho thay đổi trong cộng đồng quốc tế, chủ yếu là dư luận và chính phủ các nước phương Tây, về xử lý các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Bernard Kouchner sinh ra tại Pháp, nhưng có ông bà nội là người Do Thái sống ở Nga. Họ trốn sang Tây Âu để tránh nạn bài Do Thái, nhưng rồi cuối cùng vẫn kết thúc cuộc đời trong trại tập trung Auschwitz dưới thời Hitler. Bernard Kouchner tham gia hoạt động chính trị từ rất sớm, thoạt tiên bên cạnh những người cộng sản trẻ, rồi xích lại gần đảng Xã hội, mặc dù không chính thức gia nhập đảng phái nào mãi đến năm 1998.

Trong không khí của cuộc bạo động tháng 5.1968, chàng sinh viên Kouchner là người lãnh đạo cuộc phản kháng tại trường Đại học Y Paris. Nhưng sự kiện đánh dấu sự chín muồi trong ý thức của Kouchner là cuộc chiến tranh ly khai tại Biafra (nay thuộc Nigeria), nơi bác sĩ trẻ Kouchner được Hội Chữ thập đỏ quốc tế cử đến. Tại đây, hàng triệu người đã chết vì bom đạn, vì đói, vì bệnh tật, trong khi cộng đồng quốc tế, bao gồm cả hai phe thời chiến tranh lạnh, khoanh tay đứng nhìn. Sau trải nghiệm này, ông Kouchner sáng lập ra tổ chức "Bác sĩ không biên giới" hoạt động trên nguyên tắc dùng phương tiện truyền thông để gây sức ép các chính phủ thực hiện việc "can thiệp nhân đạo".

Cùng với thời gian, ông Kouchner đẩy khái niệm trên tới mức chủ trương "cộng đồng quốc tế" (thực chất là một số cường quốc) dùng võ lực để khuất phục các quốc gia bị coi là vi phạm nhân quyền.

Hiển nhiên, một quan niệm như thế là không thể chấp nhận được với những người coi nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia là nền tảng của quan hệ quốc tế, hoặc ít nhất là gây khó xử cho các nhà ngoại giao vốn thích hoạt động âm thầm. Đảng Xã hội nhiều lần nắm quyền, nhưng chưa bao giờ tin tưởng giao cho ông chức ngoại trưởng hay những vị trí quan trọng khác. Chỉ từ đầu những năm 1990, khi Mỹ trở thành siêu cường duy nhất còn lại, khẩu hiệu "can thiệp nhân đạo" mới được nêu trở lại, và ngày càng "hợp thời".

Cuộc khủng hoảng Somalia nổ ra, ông Kouchner khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi thuê một con tàu biển chở gạo đến Mogadishu, rồi đưa hàng trăm người tị nạn đang kẹt giữa hai lằn đạn an toàn thoát khỏi vùng chiến sự. Được đà, ông Kouchner một thân một mình sang miền bắc Iraq để "cứu" người Kurd đang bị chính quyền Saddam Hussein đàn áp, chẳng cần sự cho phép của Paris lẫn Baghdad. Với những thành tích này, đỉnh cao mà ông Kouchner đạt tới là 2 năm giữ cương vị đại diện toàn quyền của LHQ tại Kosovo. Mới đây nhất, ông Kouchner là người ủng hộ Mỹ lật đổ Saddam Hussein, ngược hẳn với tuyệt đại đa số các nhà chính trị và dân chúng Pháp.

Quan điểm "đặt nhân đạo trên chủ quyền quốc gia" đã dẫn ông Kouchner tới chỗ luôn kêu gọi quan hệ gắn bó hơn giữa Pháp với Mỹ. Với việc Kouchner nắm quyền điều hành ngoại giao Pháp, người ta dự đoán các vấn đề nhân quyền sẽ nổi cộm lên trong cuộc đối thoại giữa Pháp với những nước như Nga, Trung Quốc... Nhưng nói mạnh khi là một nhà hoạt động nhân quyền khác hẳn khi là một bộ trưởng. Cuộc va đập giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa thực tế này sẽ diễn ra như thế nào, đó là điều cả thế giới đang chờ đợi.

Vạn Lý (Theo Le Monde, Libération, NYT)