itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Cảnh báo hạ mức tín dụng của 15 nước châu Âu

Cảnh báo hạ mức tín dụng của 15 nước châu Âu

Sau nhiều tranh cãi, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí đề nghị sửa đổi hiệp ước Liên minh châu Âu. Biếm họa của Taylor Jones. Ảnh: politicalcartoons.com

Cuối ngày 5-12, công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s của Mỹ (S&P) thông báo đặt 15/17 nước thuộc khu vực đồng euro vào vòng quan sát về mức tín nhiệm tín dụng.

Trong hai nước còn lại trong khu vực đồng euro, một nước đã bị S&P hạ bậc tín dụng đến mức không an toàn để đầu tư là Hy Lạp và một nước từng bị S&P đặt vào tình thế phải quan sát tín dụng trước đó rồi là đảo Cyprus.

Đáng chú ý trong thông báo của S&P là có sáu nước gồm Đức, Pháp, Áo, Hà Lan, Phần Lan và Luxembourg đang có mức tín dụng hoàn hảo AAA.

Theo nhận định của S&P, trong ba tháng tới, mức tín dụng của Đức, Áo, Hà Lan, Phần Lan và Luxembourg có thể bị hạ một bậc. Mức tín dụng của Pháp và các nước còn lại có thể bị hạ hai bậc.

Công ty S&P giải thích đến nay, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu vẫn thiếu biện pháp để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lan rộng. Điều này thể hiện sự yếu kém về mặt cấu trúc của khu vực đồng euro và Liên minh châu Âu trong quá trình ban hành quyết định.

S&P cho rằng khu vực đồng euro đang chịu đựng năm yếu tố tương quan với nhau: Điều kiện tín dụng bị siết chặt, rủi ro liên quan đến nợ nần ở mức cao hơn, bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục, nợ công quá cao, toàn khu vực có nguy cơ suy thoái vào năm 2012.

S&P cho biết nếu hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 9-12 tới không đạt được giải pháp đủ mạnh để trấn an các nhà đầu tư, mức tín dụng của các nước thuộc khu vực đồng euro chắc chắn sẽ bị tụt hạng.

Đức và Pháp là hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nếu mức tín dụng của hai đại gia này bị đánh tụt hạng, chắc chắn Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, lãi suất trái phiếu của quỹ sẽ tăng và quỹ sẽ không còn nhiều tiền để cứu trợ các nước mắc nợ.

Cũng như các nước khác, Đức và Pháp đang bị ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ châu Âu. Ở Đức, trong hai tháng qua, lãi suất trái phiếu tăng còn cao hơn lãi suất trái phiếu Mỹ. Phiên đấu giá trái phiếu ngày 23-11 là phiên đấu giá tệ nhất trong 16 năm qua. Chỉ 65% số lượng trái phiếu phát hành được bán.

Đối với Pháp, Công ty S&P nhận định nếu tăng trưởng kinh tế không đạt 1%, các biện pháp kiểm soát ngân sách của chính phủ Pháp không đủ để đưa thâm hụt ngân sách về mức 4,5% vào năm tới. Pháp đang nỗ lực tăng thuế và cắt giảm chi tiêu nhằm giữ được bậc tín dụng AAA.

 

Ngày 5-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí sẽ trình hội nghị thượng đỉnh châu Âu (ngày 9-12) đề nghị sửa đổi hiệp ước Liên minh châu Âu (EU). Hiệp ước sửa đổi sẽ có điều khoản buộc 17 nước khu vực đồng euro kiểm soát chặt ngân sách và sẽ bị trừng phạt nếu thiếu hụt ngân sách vượt mức 3% GDP. Hiệp ước mới sẽ phải hoàn thành vào tháng 3-2012 và phải được các nước phê chuẩn. Một số nước như Anh, Ireland và Hà Lan không ủng hộ sửa đổi hiệp ước EU vì lo ngại nếu tổ chức trưng cầu dân ý, hiệp ước mới chắc chắn không được dân chấp nhận.

THIÊN ÂN/BBC, WashingtonPost, Reuters