itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Cuộc đua theo dõi toàn cầu

Cuộc đua theo dõi toàn cầu

Sẽ sớm có thêm nhiều vệ tinh định vị được đưa vào không gian - Ảnh: ESA

Cuộc chạy đua trong lĩnh vực GPS đang tăng nhiệt sau khi Mỹ thử nghiệm vệ tinh thế hệ mới trong lúc Trung Quốc và EU quyết không kém cạnh.

Ngôi vị dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực định vị và dẫn đường toàn cầu (GPS) đang bị đe dọa sau khi EU đặt tham vọng xây dựng hệ thống riêng Galileo. Trung Quốc cũng đang gây sốt khi gia nhập đường đua với hệ thống tương tự được đặt tên Bắc Đẩu. Hiện các hệ thống GPS đã lan tỏa gần như vào mọi ngóc ngách trong đời sống, được ứng dụng rộng rãi trong giao thông, cứu trợ thiên tai… Về quân sự, nó giúp theo dõi, xác định vị trí mục tiêu và dẫn đường cho máy bay cũng như các loại tên lửa hành trình.

Đợt nâng cấp 5,5 tỉ USD của Mỹ

Tại nhà máy của Tập đoàn Lockheed Martin ở thành phố Denver, các nhân viên đang ráp nối những bộ phận đầu tiên của một trong 32 vệ tinh tối tân, chuẩn bị cho đợt nâng cấp hệ thống GPS của Mỹ. Sau hơn 3 thập niên thống lĩnh với 30 vệ tinh có khả năng lan tỏa trên toàn cầu, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang xúc tiến kế hoạch triển khai

hệ thống định vị thế hệ kế tiếp mạnh mẽ và chính xác hơn. Theo Fox News, các vệ tinh mới tên Block III do Lockheed Martin chế tạo được đánh giá sẽ cải thiện hiệu quả của các thiết bị nhận tín hiệu GPS dân sự lẫn quân sự trong vòng 90 cm thay vì đến 3m như hiện nay.

Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch mua khoảng 32 chiếc Block III và toàn bộ chi phí sẽ lên đến 5,5 tỉ USD. Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự kiến chi phí thiết kế, sản xuất và phóng lên quỹ đạo các vệ tinh mới sẽ cao hơn nhiều, khoảng 22 tỉ USD vào năm 2025 vì Không lực Mỹ có thể sẽ cần đến 40 vệ tinh. Dự kiến các vệ tinh Block III sẽ bắt đầu thay thế các vệ tinh cũ vào năm 2014. Và Lầu Năm Góc phải đợi đến năm 2018 hoặc 2020 nếu muốn khai thác toàn bộ công suất của hệ thống mới cho các hoạt động quân sự.

Bùng nổ vệ tinh GPS

Kể từ khi vệ tinh GPS đầu tiên của Mỹ được phóng lên quỹ đạo vào năm 1978, phải mất 16 năm sau, nước này mới hoàn chỉnh đủ 24 vệ tinh để bao phủ toàn bộ bầu trời. Đến nay, dịch vụ GPS của Mỹ vẫn được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới. Mọi chuyện sẽ thay đổi trong tương lai gần và dự kiến sẽ có thêm vài chục vệ tinh xuất hiện trên quỹ đạo trong vài năm tới.

Sau nhiều năm “dùng ké” Mỹ, EU vừa quyết định phát triển hệ thống riêng, được đặt tên theo nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei và vệ tinh thử nghiệm đầu tiên đã được phóng lên vào năm 2005. Với tổng chi phí khoảng 1,5 tỉ euro, hiện toàn bộ 30 vệ tinh của hệ thống này đang được triển khai vào các vị trí trên quỹ đạo, theo website Insidegnss.com. Dự kiến, hệ thống Galileo sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2014.

Bên cạnh đó, hệ thống định vị mang tên Bắc Đẩu 1 của Trung Quốc đã cung cấp dịch vụ cho các khách hàng trong nước và khu vực lân cận từ năm 2000. Đến ngày 27.12 vừa qua, hệ thống Bắc Đẩu 2, còn gọi là COMPASS, đi vào hoạt động với 10 vệ tinh, theo Tân Hoa xã. Còn 6 vệ tinh nữa sẽ được phóng vào năm tới để nâng cao chất lượng và tầm phủ sóng ra hầu hết khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc đang hướng tới việc COMPASS sẽ phủ sóng toàn cầu vào năm 2020 với 35 vệ tinh. Hệ thống này đang phủ sóng từ Nga đến Úc, từ một phần Thái Bình Dương đến Tân Cương. Tờ Wall Street Journal dẫn lời một số chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc không những đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ GPS của Mỹ mà với Bắc Đẩu 2, nước này còn có thể dò tìm, phát hiện và tấn công tàu chiến, máy bay nếu có xung đột.

Trong bối cảnh đó, các bên khác trong khu vực không thể nào đứng yên. Ấn Độ đã lên kế hoạch phát triển hệ thống vệ tinh định vị khu vực (viết tắt IRNSS) gồm 7 vệ tinh chủ lực sẽ hoạt động vào cuối năm 2014. Nhật Bản cũng sẽ trình làng hệ thống định vị riêng vào cùng năm trong lúc vẫn tận dụng công nghệ hiện có của Mỹ và EU.

Thụy Miên/TNO