itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / George Soros: Cơn khủng hoảng tín dụng có thể tồi tệ hơn nhiều

George Soros: Cơn khủng hoảng tín dụng có thể tồi tệ hơn nhiều

Nhà tỷ phú George Soros nói rằng cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu sẽ còn diễn biến xấu hơn trước khi nó hồi phục.

Phát biểu với các nhà báo qua điện thoại vào trung tuần qua, nhà tài phiệt nổi tiếng này nhận xét rằng sự buông lỏng giám sát là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng khủng hoảng của nhiều thị trường tài chính hiện nay. Ông cũng đã chỉ trích các nhà quản lý và chính quyền Mỹ đã không ứng phó một cách đầy đủ.

Kể từ đầu năm 2007, các ngân hàng lớn nhất thế giới đã ghi nhận mức thâm hụt tài sản và tín dụng của họ là 232 tỷ Mỹ kim, kể cả các khoản dự trữ dành cho những khoản vay khó đòi. Cục dự trữ Liên bang đã nổ lực cắt giảm lãi suất lớn nhất trong vòng 40 năm qua để ngăn chặn sự thâm hụt thị trường tín dụng và cổ phiếu.

“Các chính phủ vẫn chưa thừa nhận những trách nhiệm của họ trong việc kiểm soát bong bóng bất động sản đang phồng lên quá lớn,” ông Soros khẳng định và nói thêm: “Các thị trường mới được thiết lập, kể cả thị trường đảo nợ tín dụng [credit-default swaps – CDS] chưa được kiểm soát một cách đầy đủ là nguyên nhân gây ra sự bất ổn” trên thị trường tài chính hiện nay.

CDS là một hình thức kinh doanh thông qua các hợp đồng được ký kết nhằm bảo vệ các nhà đầu tư khỏi bị vỡ nợ cũng như được sử dụng để đầu cơ tín dụng có độ tín nhiệm cao [credit quality]. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), CDS sẽ tăng lên tới 49%, chiếm khoảng 43 nghìn tỷ Mỹ kim nợ trong 6 tháng, tính đến ngày 30-6.

BIS được thành lập vào năm 1930 với mục đích kiểm soát các thị trường tài chính và điều tiết các ngân hàng.

Báo cáo của BIS cho biết, trong nửa đầu năm 2007, thị trường vốn phái sinh đã tăng tới 516 nghìn tỷ Mỹ kim, đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng ít nhất là 9 năm qua. Kể từ năm ngoái, lượng tiền rủi ro thông qua thị trường đảo nợ tín dụng đã tăng từ 145%, lên đến 721 tỷ Mỹ kim.

Ông Soros nói: “Tôi cho rằng báo cáo đánh giá mức thâm hụt cho vay này là khá chính xác, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy hết những ảnh hưởng của sự suy thoái.”

Mất niềm tin vào các thị trường

Sự thiếu tin tưởng về khả năng đáp ứng các điều khoản hợp đồng của giới đầu tư và thương nhân đang tạo ra “mối hoài nghi” trên thị trường. “Điều này chỉ được giải tỏa khi cơ chế điều tiết và giám sát thị trường được ban hành,” ông Soros cho biết.

Mới đây, Giám đốc điều hành công ty Morgan Stanley, ông John Mack, phát biểu rằng cuộc khung hoảng tín dụng sẽ kéo dài hơn 2 quý nữa và các thị trường đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn nhất trong vòng 40 năm qua.

Trong lúc đó, ông Soros cho biết cuộc khủng hoảng lần này sẽ kéo dài hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia khác.

Ông nói: “Các chuyên gia cho rằng sẽ có sự hồi phục nào nửa cuối năm nay. Về phần mình, tôi chẳng thấy có bất kỳ cơ sở nào để tin vào điều đó bởi vì chúng ta phải mất một khoảng thời gian dài mới đánh giá được toàn bộ hậu quả của sự sụt giảm thị trường nhà đất.”

Theo báo cáo của Quĩ tiền tệ quốc tế IMF được công bố ngày 8-4, tổng thua lỗ của các ngân hàng, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ thặng dư quốc gia [sovereign wealth funds] và các công ty bảo hiểm đã lên tới 845 tỷ Mỹ kim.

Ông Soros kết luận: “Cuộc khủng hoảng này là do lỗi của con người vì chính họ lầm tưởng rằng các thị trường có thể tự điều tiết sự dư thừa của nó. Việc điều tiết thị trường phải có bàn tay của các nhà quản lý, nhưng đáng tiếc thay, họ đã không hoàn thành nhiệm vụ này.”

Việt Thắng và Đình Thao (theoTurkish Daily News)