itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Hàng loạt quan chức ngoại giao Syria bị "trả về"

Hàng loạt quan chức ngoại giao Syria bị "trả về"

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã có cuộc thảo luận với đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Ả Rập (AL) Kofi Annan

Ngày 29-5, hàng loạt quốc gia đã trục xuất đại sứ và các quan chức ngoại giao cao cấp của Syria nhằm phản đối tình hình leo thang bạo lực ở nước này, điển hình là cuộc thảm sát ở thị trấn Houla khiến ít nhất 108 người thiệt mạng.

Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Tây Ban Nha và một số nước khác đã tham gia vào hành động ngoại giao toàn cầu này sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy nhiều người trong cuộc thảm sát ở thị trấn Houla là trẻ em và bị bắn chết dã man ở cự ly gần.
Tổng thống Pháp François Hollande là lãnh đạo đầu tiên ở Châu Âu tuyên bố trục xuất đại sứ Syria. Trả lời báo giới hôm 29-5, ông cho biết đại sứ Lamia Shakkour đã được thông báo cô sẽ phải rời khỏi Pháp hôm nay hoặc ngày mai. Tân Tổng thống Pháp cũng tuyên bố không thể loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria nếu hành động này được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ủng hộ. Tại Anh, Bộ trưởng ngoại giao William Hague cho biết London đã quyết định trục xuất đại biện lâm thời và hai nhà ngoại giao khác của Syria, trong đó đại biện lâm thời có 7 ngày để rời khỏi nước này. Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định đại biện lâm thời của Syria ở Washington Zuheir Jabbour có 72 giờ để rời khỏi Mỹ. Đại sứ lâu năm của Syria tại Mỹ Imad Moustapha đã được triệu hồi về Damascus từ năm ngoái.
“Chúng tôi muốn chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về việc thảm sát những người vô tội. Cuộc thảm sát này là sự vi phạm trắng trợn nhất những cam kết của họ với Hội đồng Bảo An LHQ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định.
Đại sứ Syria ở Đức Radwan Loutfi đã nhận được yêu cầu phải rời khỏi Đức trong vòng 72 giờ. Ngoại trưởng Đức Westerwelle khẳng định Đức và các đồng minh hi vọng “thông điệp rất rõ ràng này sẽ không nằm ngoài tai chính quyền Damascus”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ý cũng tiếp tục làn sóng này khi triệu tập đại sứ Syria Khaddour Hassan để yêu cầu ông này phải lập tức rời nước Ý.
Đại sứ Syria Hussam Edin Aala cùng bốn nhà ngoại giao khác làm việc ở Madrid cũng nhận thông báo phải rời khỏi Tây Ban Nha trong vòng ba ngày.

Ngoại trưởng Úc Bob Carr cũng khẳng định nước này sẽ trục xuất đại diện Jawdat Ali - quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Syria tại Úc - và một nhà ngoại giao khác ở Đại sứ quán Syria và hai người này phải rời Úc trong vòng 72 giờ tới.

Trong một diễn biến liên quan, Đặc sứ viên LHQ kiêm Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus bày tỏ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình bạo lực ở nước này, đồng thời bàn thảo về kế hoạch hòa bình 6 điểm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 15 tháng tại Syria.

Ông Annan yêu cầu Chính phủ Damascus thi hành các biện pháp triệt để nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi các tay súng hạ vũ khí để tạo cơ sở thúc đẩy tiến trình chính trị và chấm dứt bạo lực.

Đỗ Quyên (Theo Guardian, ABC News)