itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20: Hy Lạp sẽ được giải cứu?

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20: Hy Lạp sẽ được giải cứu?

Tổng thống nước chủ nhà Pháp Nicolas Sarkozy đón tiếp Tổng thống Obama đến dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: REUTERS

Pháp và Đức mong muốn Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro.

Hội nghị thượng đỉnh các nước G20 đã khai mạc ngày 3-11 tại Cannes (Pháp) trong bối cảnh Hy Lạp rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou muốn trưng cầu dân ý về việc châu Âu giảm nợ cho Hy Lạp.

Nguy cơ xảy ra là Hy Lạp có thể rời khỏi khu vực đồng euro, từ đó phát động phản ứng dây chuyền tác động xấu đến kinh tế thế giới, đặc biệt là Ý.

Bi kịch đến với Thủ tướng George Papandreou sau khi ông quyết định tổ chức trưng cầu dân ý việc châu Âu giảm nợ cho Hy Lạp. Ông đã trở thành người đơn độc với khả năng sẽ từ chức.

Nhiều ý kiến trong nội bộ đảng cầm quyền của ông và Hội đồng Bộ trưởng không đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý. Một số ý kiến khác kêu gọi thành lập chính phủ mới để bảo đảm Quốc hội thông qua được kế hoạch giảm nợ cho Hy Lạp của châu Âu.

Hôm 2-11, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có mặt tại Cannes sớm để hội đàm khẩn cấp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ. Thủ tướng Hy Lạp trình bày về quyết định trưng cầu dân ý.

Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức khẳng định các nước sẵn sàng tiếp tục giải cứu Hy Lạp với điều kiện Hy Lạp phải tuân theo kế hoạch giải cứu đã được hội nghị thượng đỉnh khu vực euro thông qua ngày 27-10.

Cả hai phát biểu thẳng thừng rằng nếu thủ tướng Hy Lạp muốn trưng cầu dân ý thì hãy tổ chức càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng mập mờ. Cả hai khẳng định vẫn hy vọng Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro.

Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cho biết Hy Lạp sẽ không nhận được thêm xu nào từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trừ khi chấp nhận thực hiện kế hoạch giải cứu của châu Âu.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tuyên bố IMF và EU sẽ chỉ quyết định về việc giải ngân gói giải cứu thứ sáu trị giá 8 tỉ euro cho Hy Lạp sau khi Hy Lạp tổ chức trưng cầu dân ý xong. Nếu không nhận được gói giải cứu này, Hy Lạp có thể sẽ vỡ nợ vào giữa tháng 12.

Cùng ngày, trong hội đàm song phương với Tổng thống Nicolas Sarkozy, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng vấn đề nợ nần của châu Âu phần lớn phải do châu Âu giải quyết.

Phát biểu trên báo Le Figaro (Pháp) cùng ngày, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không khẳng định khả năng Trung Quốc sẽ tham gia đóng góp vào Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu.

Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu tuyên bố còn quá sớm để nói đến sự tham gia của Trung Quốc vào kế hoạch giải cứu của châu Âu. Ông nói chính phủ Trung Quốc không hài lòng về cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp.

 

Trong phiên họp khẩn cấp ngày 2-11, nội các Ý đã không thông qua được sắc lệnh khẩn cấp chống khủng hoảng do Thủ tướng Silvio Berlusconi trình bày. Thay vào đó, nội các đã thông qua một số biện pháp cải cách ngân sách và ngăn chặn khủng hoảng tài chính. Nội dung kế hoạch chưa được công bố. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ chính phủ Ý cho biết kế hoạch này bao gồm một số biện pháp do Thủ tướng Berlusconi đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh châu Âu tuần trước.

THIÊN ÂN - HOÀNG DUY (Theo Reuters, AFP, Guardian)