itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Còn không những cảm hứng về đất nước trong âm nhạc đương đại?

Còn không những cảm hứng về đất nước trong âm nhạc đương đại?

Đất nước tươi đẹp tới nhường này... Nguồn: flickr.co

Có thể chiến tranh là một chất liệu vĩ đại, khơi gợi những dòng cảm hứng vĩ đại trong lòng người nhạc sĩ. Nhưng điều ấy không có nghĩa trong thời bình, người ta chỉ biết đến những rung động cá nhân, gói gọn trong chu vi của một trái tim cá thể, mà lãng quên đi trách nhiệm của một công dân.

Cảm thức về tình yêu cá nhân với những biểu hiện muôn trùng của nó đang bao phủ toàn bộ khí quyển nền âm nhạc Việt Nam. Đi tới đâu, và ở bất cứ chỗ nào bạn cũng có thể nghe được một câu hát tình yêu vu vơ vang lên từ miệng một ai đó, hoặc từ một chiếc đài nào đó. Vậy thì có bao giờ bạn hỏi: Tại sao lại có nhiều bài hát về tình yêu đến thế? Nhiều đến mức bội thực và đôi khi là chán ngán?

Ở thiên niên kỷ thứ 3 này, khi mà loài người đang có xu hướng khô khan hóa bởi máy móc và công nghệ thì chính những bài hát tình yêu ấy lại giống như một thứ ánh sáng cứu rỗi, giúp con người tươi tắn, mềm mại hơn, khi mà loài người sợ hãi tiếng gào rú tàn khốc của bom đạn, mà chỉ khát thèm tiếng hát trong trẻo của loài họa mi thì chính những ca khúc tình yêu ấy giúp cho con người đạt được những thoả mãn tột cùng trên phương diện tinh thần.

Vậy nên việc âm nhạc hiện đại Việt Nam lấy giọng điệu tình yêu làm chủ đạo rất phù hợp với dòng chảy chung của âm nhạc thế giới, và phù hợp với tâm lý chung của con người thời hiện đại.

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng cuộc sống không chỉ có tình yêu. Cuộc sống với những vận động phức tạp của nó luôn đặt con người đứng trước những cảm hứng lớn, liên quan trực tiếp đến nòi giống, dân tộc, quốc gia... Những thứ cảm hứng ấy cần thiết phải được chuyển tải qua âm nhạc, và thực tế thì chúng ta đã từng có một nền âm nhạc như vậy.

Người Việt Nam đã từng rung cảm trái tim để rồi bước chân lên đường cùng câu hát "Dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi…" Người Việt Nam đã từng chứng tỏ khát vọng tự do và ý chí phi thường của mình qua câu hát: "Dốc núi cao cao, nhưng lòng chúng ta còn cao hơn đá núi…" Và người Việt Nam cũng đã từng ghi lại dấu ấn hào hoa, say đắm của mình ở chính những nơi tàn khốc nhất: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây…"

Nhưng những câu hát kiểu như vậy tại sao bây giờ không còn nữa? Những thứ cảm hứng kiểu như vậy, tại sao bây giờ gần như không xuất hiện? Phải chăng chiến tranh qua đi nên những cảm hứng liên quan trực tiếp tới sự sinh, tử, tồn, vong của một đất nước cũng qua đi? Lâu nay chúng ta vẫn hay nhìn nhận như vậy, mà thực chất là "tự lừa dối" mình như vậy.

Có thể chiến tranh là một chất liệu vĩ đại, khơi gợi những dòng cảm hứng vĩ đại trong lòng người nhạc sĩ. Nhưng điều ấy không có nghĩa trong thời bình, người ta chỉ biết đến những rung động cá nhân, gói gọn trong chu vi của một trái tim cá thể, mà lãng quên đi trách nhiệm của một công dân.

Thật ra âm nhạc Việt Nam thời hậu chiến không hẳn mất trắng những bài hát mang trong nó cảm hứng về đất nước, về dân tộc. Đẹp làm sao hình ảnh người lính hải quân với "Biển một bên và em một bên…" Mạnh mẽ làm sao mà cũng lãng mạn làm sao với hình ảnh: "Chiều biên giới bao la, ngồi trên căn gác ngân nga, có một người chiến sĩ hát với cây đàn ghi ta.." Nhức nhối làm sao, mãnh liệt làm sao với một câu hát như một lời quyết tâm thề: "Tuổi xuân hy sinh cho đời, ước mong tương lai rạng ngời đất mẹ ơi…"

Rõ ràng là những bài hát mang cảm hứng về đất nước về dân tộc vẫn không hề chết đi. Nhưng những bài hát như thế thật sự quá xa xỉ, và những bài hát như thế, đi được vào lòng công chúng còn xa xỉ hơn nhiều lần. Vậy nên một nền âm nhạc bội thực tình yêu, một nền âm nhạc mà tư tưởng của nó không thoát ra khỏi khuôn khổ của một bàn tay, một con tim bé nhỏ thì đấy là một dấu hiệu đáng để báo động. Nó báo động về trách nhiệm thời đại của người sáng tác nhạc và ở một chừng mực nào đó là "trách nhiệm" của ngay cả những người nghe nhạc.

ItaExpress (tổng hợp)