itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Nhạc sỹ Quốc Trung: Tôi đang vỡ mộng

Nhạc sỹ Quốc Trung: Tôi đang vỡ mộng

Khát vọng đi ra thế giới. Có cơ hội ra thế giới. Đã được đi ra thế giới. Nhưng thiếu may mắn để trụ lại thế giới, nên phải quay về Việt Nam. Về Việt Nam nhưng không hòa nhập được với môi trường Việt Nam - giống như người đang đi xe phân khối lớn xuống đi xe… Dream Tàu. Nên Quốc Trung - người luôn được coi là elite (hạng tốt nhất) của làng nhạc nhẹ Việt Nam - đang chán.

Tôi không phải là “điếm nghệ thuật”

- Là nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ thủ lĩnh, rất cần sự cực đoan, độc đoán, thậm chí phải phát xít. Nhưng anh thiếu trầm trọng những yếu tố đó?

- Ra nước ngoài làm việc, tôi thấy người ta rất cực đoan. Nhưng mọi mối quan hệ đều rất chuyên nghiệp. Bản thân tôi được trân trọng, bình đẳng. Tôi chưa bao giờ thấy sự cáu gắt, cuống quít, gào thét, quát nạt như cách người ta làm ở Việt Nam. Nói vậy không có nghĩa là tôi đổ lỗi cho sự thiếu chuyên nghiệp để ngụy biện.

Mọi người nói tôi có tư chất thủ lĩnh, nhưng tôi tự thấy mình có năng lực chuyên môn chứ không có tư chất lãnh đạo. Trong ban nhạc Anh em, Anh Quân rất độc đoán, “phát xít”. Đó là cái tốt, nhưng tôi không làm được với ban nhạc Phương Đông, dẫn đến nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ngay cả khi thôi nhau, anh em trong ban nhạc vẫn nói cái hay nhất của tôi là kích thích được sự tự do của mọi người.

Tất nhiên, tự do có mặt trái của nó. Người giỏi tự do sẽ phát huy được sự sáng tạo, nhưng cũng có những trường hợp quá tự do, dẫn đến cẩu thả, bê tha, Tôi có nguyên tắc: Tôn trọng mọi người với điều kiện họ phải tôn trọng mình. Từ tài chính đến chuyên môn, ai góp ý tôi cũng nghe. Nhưng không phải là làm theo tất cả. Tôi không phải là người thỏa hiệp, nhưng cũng không phải cứ nghe góp ý là giãy nảy lên. Tôi lắng nghe, nhưng không phải cái gì cũng tác động được đến tôi.

- Đạo diễn Phạm Hoàng Nam từng nói với tôi thế này: “Quốc Trung hiền, nhưng không phải hiền lành, hiền theo kiểu mũ ni che tai, mà là bất lực trong chuyện nói ra”. Tôi cũng nhận thấy anh làm công việc sáng tạo, nhưng lại ngại đối kháng, tránh đối đầu, ít bộc lộ chính kiến?

- Nói thật là nhiều khi thỏa hiệp, phải mũ ni che tai, phài lờ nó đi. Tôi từng nói với ban nhạc: Nếu muốn đánh hay, đánh tốt thì nguyên tắc cơ bản là phải tập đàn, thuộc bài. Không nhạc công nào chỉ đàn, mà không được diễn. Đứa trẻ tập đàn cũng vì có kỳ thi ấn định. Còn nhạc công Việt Nam một năm được bao nhiêu buổi. Người ta không bao giờ tập đàn, trau dồi chuyên môn mà không có đầu ra.

Trong khi đó, mình nghèo nhưng lại rất phí. Một liveshow, người ta đầu tư rất ít về chất xám, nhưng lại đầu tư nhiều về PR, trò, sân khấu. Nhưng diễn ra xong xuôi một buổi là bỏ đi. Ở nước ngoài không vậy. Người ta phải có hàng chục buổi diễn. Gạt chuyện tiền nong ra, thì nghệ sỹ cũng thấy đáng với công sức bỏ ra. Không làm được điều đó thì làm sao tôi đòi hỏi cộng sự của tôi tốt hơn?

- “Bất lực trong chuyện nói ra” - Điều đó có tốt cho sự bộc lộ cá tính?

- Tôi không bất lực trong chuyện diễn giải về nghệ thuật đối với cộng sự. Thậm chí, với những người làm cùng, không cần phải nói, mà thông qua những điều tôi làm, người ta cảm nhận được ngay. Đó là Thanh Lam, sau này là Hồng Nhung.

Cũng có những lần tôi đối kháng với mức độ rất nguy hiểm. Ví dụ như cách đây một năm, tôi được mời theo đoàn ca sỹ đi diễn ở các nước Bắc Âu. Quan điểm của họ là phải có múa, áo dài, có bài…” tung bay tà áo tung bay” mới là Việt Nam, và phải có độc tấu, trong chương trình “Đường xa vạn dặm” toàn hòa tấu. Họ bắt tôi phải thay đổi âm nhạc. Tôi nói thứ nhất, tôi không làm như thế. Thứ hai, tôi không phải là một dạng “điếm nghệ thuật”, để muốn tôi làm gì thì tôi làm. Còn nếu muốn tôi làm “điếm” thì phải trả tôi rất nhiều tiền, nên tôi mới đánh một bài rồi bỏ vào cánh gà.

- Hậu quả?

- Chẳng ai dám nói hậu quả. Người ta vẫn nói chương trình thành công, vẫn có tiệc, nhưng tôi không dự buổi tiệc đó, và tất nhiên sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Nhưng chị đúng ở chỗ: Tôi là người tránh va chạm và nhận hết phần thua thiệt về mình, còn hơn là cãi nhau.

“Giờ tôi không có mục tiêu”

- Không những anh không cực đoan, thiếu quyết đoán mà còn là người rất yếu đuối. Anh và Thanh Lam từng có mối quan hệ rất đẹp, không chỉ tình yêu mà còn là âm nhạc. Nhưng cuối cùng cả hai mối quan hệ đó đều gãy. Mà nguyên nhân là Thanh Lam quá mạnh, còn anh quá yếu?

- Tôi không phải là người mạnh mẽ, nhưng tôi không yếu đuối, ít nhất tôi mạnh mẽ hơn Lam. Chị có nghĩ Lam mới là người yếu đuối không. Theo tôi, người mạnh mẽ là người dám nhìn vào bản thân mình. Lam không bao giờ dám nhận điều mình làm là sai, trong khi đó cuộc đời có rất nhiều điều mình làm sai. Từng phỏng vấn Lam nhiều, đã bao giờ chị thấy Lam nhận là mình sai chưa?

- Anh dám công nhận và công khai là mình sai?

- Có một thời người ta rất ca ngợi liveshow Thiện Thanh. Ai cũng hỏi bao giờ có Thiện Thanh 2. Nhưng tôi nhìn nhận đó là thất bại. Tôi nói thẳng trên báo là tôi quá chủ quan về kỹ thuật, sáng tác, tổ chức, và làm như thế là “điếc không sợ súng”. Ngay tại thời điểm người ta ca ngợi, tôi khẳng định có thể 10, 20, thậm chí 30 năm nữa tôi mới dám làm lại Thiện Thanh.
- Ít người chú ý đến những thứ đã qua rất lâu. Tôi muốn lắng nghe sai lầm gần đây của anh?

- Cái sai hiện tại của tôi là đang trở thành người vỡ mộng!

- Vỡ mộng? Anh vỡ mộng gì?

- Từ ban nhạc Phương Đông, đến Thanh Lam, đến một mình, đến “Đường xa vạn dặm”, lúc nào tôi cũng mơ ước mình đủ đẳng cấp để mang âm nhạc của mình ra bên ngoài. Nhưng đến thời điểm này, không hẳn mình sai, nhưng đã qua mất thời điểm đó rồi. Trước năm 2000, mới là thời điểm có nhiều cơ hội nhất, nhưng tôi đã bỏ qua mất. Năm 1996 tôi liên lạc được với nhà sản xuất Thụy Sỹ. Năm 1999 được giới thiệu rất nhiều băng đĩa ra nước ngoài. Vậy mà tôi vẫn không nắm được cơ hội.

Tôi nghĩ cái sai cơ bản là mình không dám dũng cảm nên không bao giờ có cơ hội. Mình phải hiểu môi trường nghệ thuật Việt Nam chỉ là ốc đảo, không liên quan gì đến thế giới. Muốn bước ra ngoài mà ở trong ốc đảo thì không bao giờ có cơ hội. Đến giờ, tôi cảm giác mình đã hết cơ hội rồi.

- Thế thì thất vọng lắm nhỉ?

- Cực kỳ thất vọng! Giờ đây tôi vỡ mộng, không còn khát vọng, mục tiêu. Tôi trở thành người làm nghề như một thằng thợ và luôn bị Phạm Hoài Nam mắng: “Bây giờ cậu vẫn nghĩ đến nghệ thuật ở Việt Nam à?”. So với Nam, tôi vẫn còn hồn nhiên và ngây thơ nhiều hơn.

- Anh có thấy mình lãng xẹt và chán ngắt không? Nhạc sỹ Dương Thụ cứ liên tục gọi anh là tinh hoa của nhạc nhẹ Việt Nam. Nhưng đến giờ, “tinh hoa” đó không còn khát vọng, mục tiêu. Bao nhiêu năm làm nghệ thuật, cuối cùng chỉ có Thanh Lam và “Đường xa vạn dặm” là nhắc đi, nhắc lại?

- Chán chứ! Chán chứ! Chán thật! Tôi không muốn trở thành người bất mãn. Tôi vẫn làm việc, nhưng không thấy mục tiêu gì. Vì mục tiêu lớn nhất của tôi hỏng rồi. Nếu đánh đàn chuyên nghiệp, tôi đã đánh 2 năm. Tôi phối khí từ thời cô Lệ Quyên, Ái Vân. Giải thưởng trong nước cũng đã nhiều. Những cái đẳng cấp, nói ra thì có vẻ ngạo mạn, nhưng tôi đã có rồi.

Nói ra thì hơi sáo, nhưng giờ tôi làm nghề vì cảm giác mang nợ khán giả hâm mộ, nợ bạn bè trên Facebook, và những người quý mến, trông chờ vào mình. Còn để tìm mục tiêu cao hơn, tôi không tìm thấy. Tôi thấy đời sống nghệ thuật quá bế tắc. Nó thua xa ngày xưa.

- Anh ngồi đó vọng xưa thì chết?

- Tôi không vọng xưa. Nhưng ít nhất phải thấy được gì đó. Chị hãy vẽ cho tôi viễn cảnh gì đó của người làm nghệ thuật, kể cả tiền bạc lẫn mục tiêu cao cả?
- Phạm Hoàng Nam (bạn thân của anh) vẫn kiếm được nhiều tiền đấy thôi?

- Nam khác tôi. Có bao nhiêu show? Bao nhiêu event? Chính vợ Nam còn nói: “Em lãng mạn hơn anh Nam”.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Quốc Trung lẽ ra khép lại ở đó. Ở cái sự chán, vỡ mộng của Quốc Trung. Nhưng ngay trong ngày hôm đấy, tôi nhận được một tin nhắn từ anh. Nguyên văn là: “Hôm nay anh nói vẫn chưa hết. Anh muốn nói ra nhiều điều. Không né tránh nữa. Nếu không anh lại đóng khung anh về như cũ. Anh muốn nói nhiều hơn nữa”.

Với tin nhắn “ok” của tôi, “phần tiếp theo” lại bắt đầu. Và Quốc Trung là người chủ động nói trước cái điều hoàn toàn nằm trong suy tính của tôi: “Em đóng khung anh ngay vào cái sự chán. Nếu nói như thế, người ta sẽ không hiểu anh”! Tất nhiên, tôi phản pháo để… lấy tin!

Tôi đã dùng “liều mạnh”, không thể quay trở lại cái yếu hơn

- Nói trước với anh là tôi cũng như độc giả sẽ không thích cái kết thúc có hậu như phim tình cảm lãng mạn Hollywood trong đời thực đâu!

- Không phải. Tôi không sợ xấu hình ảnh, mà sợ nếu mình nói như thế người ta không hiểu. Một bài tương đối lớn đăng trên một tờ báo uy tín, mà lại xuất hiện một ông toàn nói chán đời, với bất mãn. Tôi muốn nói rõ hơn sự chán của mình. Tại sao chán? Chán ai? Chán cái gì?

Thực ra lâu nay tôi im lặng nhiều. Tôi chán không buồn nói. Tôi cũng cảm giác mọi người chán tôi không buồn hỏi, mà tôi chả có gì nói cũng chán thật. Nhưng có chán thì cái chán cũng rất tích cực. có thể tôi khôn khéo, nhưng cũng rất nghệ sỹ, nên bị chi phối nhiều về hứng thú. Chị nói Tùng Dương là nạn nhân của sự lười biếng của tôi. Rồi mọi người nói tôi lười. Nhưng có thời gian, tôi làm việc từ 10h sáng đến 12 giờ đêm.

- Tôi hay khán giả của anh không quan tâm anh làm việc đến mấy giờ mà chỉ quan tâm đến tác phẩm của anh, và thực tế là đã rất lâu anh không có tác phẩm nào?

- Nhiều người nói sao không làm tiếp “Đường xa vạn dặm”? Xào nấu vẫn “ăn” được chán. “Ăn” ở đây là ăn khách, kể cả ăn tiền. Nhưng để làm tiền bằng nghề, tôi cũng có nhiều cơ hội. Không phải ngụy biện, thanh minh, và có thể hơi chủ quan, ngạo mạn nhưng phải nói rằng tôi đã dùng “liều mạnh”, không thể quay lại cái yếu hơn. Giống như đã đi xe phân khối lớn thì không thể quay lại đi xe số.

Có thể chủ quan, nhưng tôi khẳng định không có ai trong giới nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhạc công nào có may mắn như tôi. Trong quãng thời gian làm nghề, tôi đã được tham gia nhiều chương trình, chơi với những nhạc công đỉnh cao của thế giới, và từng đánh với 3 người đánh trống giỏi nhất thế giới.

- Từng có rất nhiều cơ hội, để bây giờ ngồi đây than vãn. Anh có nghĩ đó là thất bại của chính mình?

- Tôi thất bại vì tôi có khát vọng nhưng không tham vọng. Người tham vọng sẽ có sự cay cú, mà tôi không phải người cay cú. Nhìn nhận lại quãng đường đã đi, tôi thấy mình không nắm được nhiều cơ hội. Nói ngụy biện hơn là do tôi không may mắn. Có rất nhiều cái không may. Ví như trong tour 30 Festival ở châu Âu, chúng tôi đã liên lạc với người đại diện, đã chuẩn bị đến để làm “Đường xa vạn dặm”, đùng một cái một ông giám đốc chết vì ung thư. Hay sát đến Festival được diễn ra với Celine Dion người ta lại hoãn.

Trong những cơ hội cũng có cái không may, hay số mình không có ngôi sao lóe sáng? Cũng phải thừa nhận tôi không phải là người ngăn nắp, có kế hoạch. Nói cách khác, tôi là người bừa bãi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong nhà tôi lúc nào cũng lộn xộn. Thời gian làm việc của tôi cũng bừa bãi. Nên tôi không tập trung được hết năng lượng của mình.

“Biết đâu cuộc phỏng vấn này làm tôi hết chán?”

- Xin quay lại câu hỏi: Tại sao anh chán? Anh chán ai? Chán cái gì?

- Tôi chán mình chỉ có khát vọng mà không có tham vọng, chán mình bừa bãi, chán cho mình không khôn ngoan, chán mình không nắm cơ hội trong tay. Trong lúc thời cuộc chán nhất, tôi chỉ cần cố gắng hơn một chút là sẽ tỏa sáng, nhưng tôi không làm được. Nhưng điều quan trọng nhất khiến tôi chán là môi trường.

Có lần, Lam nói với tôi: “Nói thì dễ, làm thì không làm”. Từ đó, không bao giờ tôi nói lại nữa. Người ì ạch như tôi mà chán như thế, trong khi ít nhất 10 năm nay chả thấy có gương mặt nào nổi trội hơn tôi, dù về mặt thị trường, người ta cũng làm được nhiều thứ. Trong môi trường này, có quá nhiều sự bịp bợm, giả dối.

- Tôi có suy luận chủ quan thế này. Anh muốn đưa âm nhạc ra khỏi biên giới, anh có cơ hội ra thế giới, nhưng chưa đủ năng lực để tồn tại trên thế giới. Cuối cùng đành quay về, trong sự lỡ cỡ?

- Chị nói đúng. Việc không ra được bên ngoài đầu tiên là khả năng. Mọi người hay nói chuyện hội nhập với biển lớn. Nhưng trời ơi, mình kém lắm. Chúng ta hay nói chúng ta tài năng nọ, tài năng kia, Nhưng chúng ta không có tài năng, chỉ có tiềm năng thôi. Và tiềm năng đó lại giống tôi, bị lụi tàn rất nhanh chóng, vì không có môi trường, lại quá dễ dãi.

Tiềm năng muốn phát triển, ngoài lao động, phải có cạnh tranh, mục đích, chứ không thể nào duy ý chí, rằng tôi đam mê nghệ thuật.

- Không đủ tài năng ra bên ngoài, trở về lại không hòa nhập được. Giống như đang sống trong làng, anh nghĩ mình có tố chất để ra thành phố. Ra thành phố, anh bị thất bại, phải về làng. Nhưng đã gặp cuộc sống văn minh của thành phố, trở về làng thấy biết bao sự lạc hậu, nên anh không sống bình yên được trong cái làng đó. Cuối cùng anh thất bại. Giống như anh bước lên đỉnh cao và không trở về vực sâu được, mà cuộc sống của anh bây giờ là… vực sâu của cái làng?

- Sống ở thành phố không được, nhưng ít nhất tôi cũng có tư chất văn minh hơn những người trong làng, và quay về làng vẫn được làng đón nhận, nên làm cái gì trong làng cũng dễ. Còn có chăng, tôi chỉ thất bại với mình thế thôi.

Tôi chán một thời gian rồi, nhưng trong lúc chán, tôi vẫn làm được những việc không đến nỗi bị người ta chửi hay dè bỉu. Người nghệ sỹ nếu không có ước mơ cũng chán. Ước mơ cao quá không thành còn chán hơn.

Biết đâu cuộc phỏng vấn này làm tôi hết chán thì sao?

Theo Nhacvietplus