itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Nhạc Việt loay hoay trong "ao làng"

Nhạc Việt loay hoay trong "ao làng"

Nhạc Việt chỉ mới "hội nhập" thông qua

các chương trình giao lưu văn hóa.

Ảnh: Đỗ Tuấn

Cho đến nay, vẫn chưa có một ca sĩ, nhạc sĩ VN nào được khán giả các nước Đông Nam Á biết đến. Có phải chúng ta thiếu tài năng trong lĩnh vực âm nhạc?

Nếu xét về từng cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, VN hoàn toàn không thiếu người tài. Tài năng của những nhạc sĩ, ca sĩ Việt đương đại có thể sánh ngang cùng các đồng nghiệp nước ngoài, ít ra là ở châu Á. Những cái tên như Đức Trí, Hoài Sa, Võ Thiện Thanh, Quốc Bảo... hay Mỹ Linh, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng... hoàn toàn có thể chinh phục khán giả không chỉ trong nước. Cái mà chúng ta hiện đang thiếu là sự kết nối chặt chẽ giữa các tài năng này với nhà sản xuất, hay ít ra là show off (giới thiệu) với các hãng sản xuất băng đĩa nhạc tên tuổi để họ có cơ hội tiếp cận và thể hiện tài năng. Đơn giản nhất là làm sao đưa đội ngũ ca sĩ, nhạc sĩ này lên kênh truyền hình chuyên về âm nhạc là MTV châu Á, chúng ta cũng chưa hề làm! Dĩ nhiên khi chúng ta đang đóng cửa thị trường về thông tin, đặc biệt là đài truyền hình thì MTV sẽ không có cửa tại thị trường Việt Nam, và họ không dại gì thực hiện những cuộc "đổ bộ" hoành tráng vào thị trường Việt Nam để khai phá.

Nhạc sĩ Nguyễn Đạt (nhóm rock Da Vàng):  

“Chúng ta chưa thể thâm nhập vào thị trường băng đĩa (chỉ tính riêng tại các nước châu Á thôi) bởi vì không xây dựng được hình ảnh nhạc Việt. Hình ảnh đó phải được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng sách báo, truyền hình để lan tỏa đến khán giả. Chúng ta chưa hợp tác với kênh truyền hình MTV châu Á hay bất cứ đài nào khác thì làm sao khán giả khu vực biết đến nhạc Việt?".

Khi không có cơ hội tiếp cận khán giả thì ước mơ chiếm lĩnh thị trường ca nhạc nước ngoài - hay ít ra chỉ giới thiệu album mới của ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam trở nên quá xa vời. Mỹ Linh đã thử sức vào thị trường Nhật nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng "thăm dò" chứ chưa thể đứng vào top hit album bán chạy nhất tại đây. Cứ thế nhạc Việt chỉ loay hoay trong "ao làng"; ca sĩ, nhạc sĩ của chúng ta cũng chỉ tham gia những chương trình giao lưu văn hóa cấp nhà nước hay "bay show" diễn cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại hải ngoại. Thiếu cơ hội cọ xát, không được tiếp cận với trình độ tổ chức chuyên nghiệp, hiện đại của các nước phát triển nên chúng ta vẫn chỉ như ếch ngồi đáy giếng khi bắt đầu vào sân chơi chung. Nhiều nhạc sĩ như Hà Dũng, rocker Nguyễn Đạt... nhìn nhận chúng ta thiếu hẳn đội ngũ sáng tác và biểu diễn ca khúc bằng tiếng Anh thì cơ hội để cùng song hành với các nước xem ra rất khó! Không thể cứ hát dân ca hay trình diễn nhạc cụ dân tộc mãi được, nhạc Việt cần có một gương mặt mới, hiện đại và hội nhập với văn hóa toàn cầu. Dĩ nhiên giữ được bản sắc riêng trong cái chung là điều cần phải có.

Nhạc sĩ Huy Tuấn:  

"Vì chưa có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa nên chúng ta cũng không thể xác định rõ đâu là thế mạnh của nhạc Việt. Khán giả và ngay cả người sáng tác, biểu diễn vẫn còn lơ mơ, mông lung về thể loại và cũng chưa thể định hình rõ từng dòng nhạc cơ bản nhất trên thị trường. Thế thì làm sao xác định đâu là thể loại mạnh nhất của nhạc Việt mà tập trung phát triển và giới thiệu ra thị trường thế giới hay khu vực?".

Nếu thử hỏi bất kỳ một khán giả: ca sĩ hay nhạc sĩ nào đại diện cho Việt Nam ở từng dòng nhạc như pop, rock, R&B hay jazz, hip hop... có lẽ chẳng ai trả lời được! Nhìn vào những album nhạc đang phát hành tràn lan trên thị trường hiện nay, chúng ta có thể thấy đó là một cái "lẩu thập cẩm" về âm nhạc với đủ thể loại pop, rock, ballad, thậm chí cả jazz hay dân ca! Sự thiếu định hướng dòng nhạc từ đầu đã trở nên quá phổ biến. Chạy theo thị hiếu khán giả, được thị trường đón nhận nhưng vẫn định hình cho mình một phong cách riêng thì không phải ca, nhạc sĩ nào cũng làm đến nơi đến chốn.

Đỗ Tuấn