itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Phạm Duy: 'Không có người tình, tôi chỉ là anh hàng mắm'

Phạm Duy: 'Không có người tình, tôi chỉ là anh hàng mắm'

Lần nào ra Hà Nội, lão nhạc sĩ 91 tuổi cũng chọn khách sạn ở Cầu Gỗ, gần căn nhà ông thủa nhỏ để chiều chiều đi dạo Hồ Gươm, ngồi uống café trong một quán Tây và ôn lại những kỷ niệm.

Gặp ông trong một ngày thời tiết thất thường, lúc mưa, lúc nắng. Cô nhân viên phục vụ bàn tò mò hỏi phóng viên: “Ai đấy ạ?... Phạm Duy là ai ạ? Lứa 9x chúng em chỉ biết nhạc teen thôi”. Nhưng có thể, 5 năm, 10 năm nữa, cô nhất định sẽ biết Phạm Duy, sẽ nghe Phạm Duy. Bởi nhạc Phạm Duy, cũng như nhạc Trịnh Công Sơn - đã trở thành "đặc sản" âm nhạc của người Việt, dù hai dòng nhạc ấy hơi trái chiều về cảm xúc. Nhạc Trịnh Công Sơn thiên về buồn trong khi nhạc Phạm Duy ngay khi nói về chuyện buồn, cũng vẫn rạng rỡ một tinh thần lạc quan. Phạm Duy thiệt thòi so với Trịnh Công Sơn khi hơn nghìn bài hát của ông mới được cấp phép cỡ một trăm bài. “Có lẽ tôi phải chết đi sống lại chừng 10 lần mới được phổ biến hết các ca khúc. Nhưng trăm bài là cũng được rồi. Coi như đủ xài” - Phạm Duy tếu táo.

Sung sướng vì được cấp phép "Trường ca Hàn Mạc Tử"

Sáng 21/7, Phạm Duy nhận được tin vui khi đang chuẩn bị cho đêm nhạc “Người phiêu lãng”. Với Phạm Duy, đây là cả bước ngoặt cho âm nhạc của ông tại Việt Nam dù trước đó, Trường ca Hàn Mạc Tử đã được mang đi biểu diễn khắp các tiểu bang nước Mỹ, sang Anh, Pháp, Đức… trong nhiều năm. Sau 23 năm ra đời, tác phẩm đồ sộ này mới chuẩn bị được ra mắt khán giả quê nhà. Phạm Duy khoe, ông sẽ làm hẳn một chương trình để giới thiệu Trường ca Hàn Mạc Tử - công trình được hoàn thành từ 90 tác phẩm của nhà thơ tài hoa bạc mệnh. “Từ khi tôi về nước, khán giả mới biết đoạn đầu sự nghiệp của tôi là những ca khúc chứ không biết những công trình lớn của tôi. Trường ca Hàn Mạc Tử được ra mắt, tôi rất sung sướng vì có cơ hội đưa ra một bộ mặt khác c

Những trường ca tốn nhiều công sức, tâm huyết để tạo nên nhưng lại kén người nghe vì dễ làm mệt tai khán giả. Phạm Duy bày tỏ, khi làm, ông không chú trọng đến việc, người ta có hưởng ứng nó không, mà chỉ làm theo sức của mình. Điều thôi thúc ông viết Trường ca Hàn Mạc Tử là khi sang Mỹ, Phạm Duy bắt đầu theo đuổi giấc mơ: làm sao để giới thiệu nhạc Việt Nam ra thế giới. Vậy phải có những công trình quy mô và không còn gì tốt hơn là tìm đề tài từ những thi sĩ lớn. Phải mất vài năm, Phạm Duy mới hoàn thành bản trường ca gồm nhiều chương khúc, nói lên cuộc đời người thi sĩ mắc bệnh phong, có đức tin vào Đức mẹ và được lòng tin cứu rỗi, vượt qua những đau khổ để sáng tác những tác phẩm giá trị.

Theo tìm tòi, đúc kết của Phạm Duy, từ xưa đến nay, tất cả những bài thơ được phổ biến rộng rãi đều phải do hình thức ngâm hoặc ca. Thế mới có Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc... Nếu chỉ in ra mà đọc thì không thú vị bằng việc được nghe hát. Ông muốn tận dụng thói quen đó, dùng âm nhạc để phổ biến tác phẩm văn chương. Phạm Duy tự hào, trước đây, đã có nhiều người sáng tác về Hàn Mạc Tử nhưng không ai làm đầy đủ như ông. Phạm Duy cho biết, cái khó nhất khi làm là bài thơ nào của Hàn Mạc Tử cũng trúc trắc, không bình dị như người ta. Nhưng ông không sửa bất cứ chữ nào của Hàn Mạc Tử mà chỉ láy đi, láy lại, phá vỡ nhịp song thất của thơ. Giống như trong Trường ca Kiều, người nghe sẽ không còn thấy nhịp thơ lục bát mà Nguyễn Du sử dụng. Nhân khi miên man về trường ca, Phạm Duy hãnh diện khoe, ông đã hoàn thành Trường ca Kiều, nhưng mới thu thanh được 3 phần, phần thứ tư thì chưa đủ tiền thực hiện.

Không bao giờ bỏ vợ vì người tình

Cách đây gần hai năm, cũng trong lần ra Hà Nội, Phạm Duy từng tâm sự: Trường ca Kiều là thứ ông muốn hoàn thành trước khi nhắm mắt. Nhưng may mắn khi công trình này đã xong, Phạm Duy vẫn khỏe và minh mẫn. Ông vẫn đi tới các tỉnh thành lớn, nói chuyện để khán giả hiểu thêm về các sáng tác của mình, nhất là việc phổ nhạc cho thơ. Phạm Duy bảo, ông không bao giờ nghĩ mình đã già, lúc nào cũng thấy mình là chàng trai 19. “Ông trời chưa bắt tôi đi chầu tổ tiên, ông ấy còn cho tôi sống ngày nào thì tôi cứ tự do mà vui chơi, tự do yêu người, yêu đời” - Phạm Duy cười, những lọn tóc trắng như cước bay bay dưới làn gió tỏa ra từ quạt máy.

Rất thoải mái, Phạm Duy trải lòng: “Tôi kính trọng đàn bà với tư cách người khác giống. Tôi cho rằng, đàn bà là mẹ đẻ cuộc đời. Nếu cuộc đời mà không có người đàn bà thì không còn gì nữa. Lúc tôi còn trẻ hơn bây giờ, đi đường thấy người đàn bà đẹp, tôi cứ chạy theo nhìn. Người ta quay lại hỏi tôi có phải Phạm Duy không thì tôi đáp là có, chứ tôi không bao giờ đi khoe. Tình yêu của tôi với người ta không phải lúc nào cũng là thứ tình yêu xác thịt mà yêu một cách hết sức tinh thần, cảm thông được cho nhau”. Tất nhiên ông chẳng dám khoe, nhưng khi vợ biết, ông cũng chẳng giấu diếm chuyện yêu của mình - thứ tình cảm mà ông bông đùa - “nói theo cách nhảm nhí là ngoại tình”. Phạm Duy tự nhận, ông chẳng có lỗi gì, vì ông chẳng bao giờ bỏ vợ đi theo người tình. “Nếu tôi không có tình yêu cụ thể là một người tình, tôi không sáng tác được nữa. Cứ bắt tôi dành hết tình cảm cho vợ, tôi không còn là nghệ sĩ nữa, tôi chỉ là người đi bán nước mắm thôi” - Phạm Duy bào chữa.

Vợ ông - chị gái nữ ca sĩ Thái Thanh - cũng hiểu như vậy và để ông tự nhiên, luôn tự nhủ mình bằng câu: “Cưới chồng nghệ sĩ thì không nên ghen”. Hầu hết năm tháng cuộc đời, Phạm Duy như một cái kiềng ba chân. Sự nghiệp - vợ - người tình đều quan trọng như nhau. Hỏi ông có bao người tình, ông hồn nhiên: “Giời ơi, ai mà đếm được”. Người nhạc sĩ đa tình bảo, ông không sợ những người đàn bà của mình thấy thiệt thòi vì “yêu nhau mà tính đến sự thiệt thòi thì làm gì còn tình yêu nữa”.

Cái hạnh phúc của những người tình Phạm Duy là hình bóng họ luôn phảng phất trong những sáng tác của ông. Một kỳ nữ từng viết tặng Phạm Duy đến 300 bài thơ và ông đáp tình bằng việc phổ nhạc dăm ba bài - bài nào cũng nổi tiếng. Trong số đó, Tôi đang mơ giấc mộng dài là bài mà Phạm Duy yêu thích nhất. Nghìn trùng xa cách - gắn liền với tên tuổi Thái Thanh, là bài nói về tình cảm hai người khi phải chia xa. “Nghìn trùng xa cách/ Đời đứt ngang rồi/ Còn lời trăn trối/ Gửi đến cho người/ Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời/ Đường dài hạnh phúc/ Cầu chúc cho người”. Day dứt là thế, bi lụy là thế, nhưng khi có ngày tái ngộ, lòng Phạm Duy đã đổi. Ông viết Chỉ chừng đó thôi như một cách tạ từ người cũ. “Yêu nhau, thương nhau đến đâu nhưng xa cách nhau như vậy thì cũng thôi. Chừng một năm cũng đủ quên nhau rồi. Cuộc tình của tôi chấm dứt chứ không miên man dạng ảo vọng đâu. Nó hoàn toàn thực tế” - Phạm Duy lý giải.

Người phụ nữ gắn bó dài lâu với Phạm Duy có lẽ chỉ mình vợ ông. Ông bảo, bà không may cưới phải người chồng là nghệ sĩ, nhiều cái phải chấp nhận bỏ qua vì nếu không, cuộc sống gia đình chẳng ly tán cũng thành địa ngục trần gian. Phạm Duy từng viết Chú Cuội, Chị Hằng và sau này là Bà mẹ Việt Nam để tri ân vợ. Với ông xưng tụng đàn bà Việt Nam tức là xưng tụng vợ mình. Lúc bà mất đi, ông viết vào hồi ký: “Không có em, không bao giờ có Phạm Duy”.

Khi phóng viên đùa Phạm Duy rằng: “Victor Hugo năm 80 tuổi còn yêu cô 16, còn ông?” - Phạm Duy cười lớn: “Không, tôi chỉ là Victor Duy thôi, không ví với ông ấy được”.

Phạm Duy bây giờ đã vừa lòng về mọi thứ, con cái đều trở thành những nghệ sĩ nhiều người mến mộ. Từng sống ở phương Tây nhiều năm, ông quý trọng tự do của các con: “Chúng đã trưởng thành cả rồi, tôi không bắt chúng theo tôi đâu”. Âm nhạc của ông, không còn lớp ca sĩ vàng như Thái Thanh nhưng đã xuất hiện nhiều giọng ca như Đức Tuấn, Khánh Linh - theo Phạm Duy đánh giá thì “hát cũng tới lắm”. Người bạn chí cốt quen từ thủa đôi mươi là giáo sư Trần Văn Khê vẫn cùng ông chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật. Sắp tới, Phạm Duy sẽ tổ chức đêm nhạc kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 91 - một đêm nhạc mà ông gọi vui là “toàn tập Phạm Duy”. Trong đêm nhạc ấy, một ca sĩ đặc biệt từ hải ngoại sẽ về tham gia. Có thông tin, đó là Khánh Ly nhưng khi được hỏi, Phạm Duy chỉ cười đáp: “Tôi không dám nói là ai đâu nhé”.

Ngọc Trần
Ảnh: Ngọc Trần