itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Tây Bắc mùa này đẹp lắm

Tây Bắc mùa này đẹp lắm

Đường lên Shìn Hồ từ Mường Lay, rất

nhiều khúc quanh co hình chữ S, số 8

Vì sao đường đi khó thế mà những khách lữ hành quốc tế, ở nhiều quốc gia xa xôi vẫn vác ba lô đến đây? Bởi vì còn nhiều bản làng hoang sơ với nét đẹp dân tộc mà họ cần phải khám phá...

Shìn Hồ bắt đầu từ cây số không

Qua miền Tây bắc vào dịp cuối đông, bất chợt gặp một thảm hoa cải trắng, hoa cúc quỳ vàng, hoa ban đỏ, hoa dẻ ngát hương chỉ với tay là chạm tới cây... Cảm giác va chạm với thiên nhiên, xua đi bao cực nhọc dọc đường. Những ổ gà, những dốc cao hoa mắt, chợt rừng hạt dẻ hiện ra, rừng trám trắng, nhiều cây khô trơ trọi lẩn khuất trong sương mù.

Suối, bao nhiêu ngọn suối không tên. Tôi không thể nhớ hết dọc đường đi Tây Bắc. Chỉ nhớ được suối Nậm Mu ở gần bản Hon, suối Thia, suối Mường Lay hoa cải như dát vàng bên bờ cát mịn. Từ đường 6 lên Shìn Hồ, Phong Thổ, nơi mà hai chấm son cao chót vót của đỉnh biên giới miền Tây Bắc nước Việt. Khi bạn đặt chân đến Shìn Hồ, Phong Thổ phải vượt gần 800 cây số, đường không dài lắm nhưng phải vượt hàng chục cây số ổ gà, dốc núi cheo leo, những cua đường thót tim, những dốc núi nín thở, để đến với bản làng có cảm giác cứ giơ tay có thể chạm tới mặt trời, giơ tay có thể vớt hoàng hôn lên. Đó là độ cao trên 1.000m.

Đường vào bản Sáng (huyện Tuần Giáo),
xe phải đẩy qua suối mới đi được

Tuyến đường trọng điểm này đang thi công, hy vọng năm 2008 đường sẽ được cải thiện. Chợt ý nghĩ trong đầu, vì sao đường đi khó thế mà những nhà lữ hành quốc tế, họ ở các quốc tịch khác nhau, vác ba lô tới đây.

Bởi vì nhiều bản làng còn nguyên sơ, những ngôi nhà đất thó 100% đặc quánh, khi gió táp, gió đập, chui vào ấm vô cùng. Bếp nhà nào cũng luôn đỏ lửa.

Đường lên Mũi Lèng (Cổng trời) của dân bản Shìn Hồ, trẻ em đi lấy rau, củi về nhà

Ngoài vùng phủ sóng

Cách Shìn Hồ 28 cây số là cửa khẩu Ma Lù Thàng, nơi nghe tiếng gà gáy bên đất Trung Hoa. Còn cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cũng cách Shìn Hồ vài chục cây số, trưởng đồn thượng tá Nguyễn Văn Thắm cho hay sắp tới sẽ có máy soi hộ chiếu và hàng hoá, nhưng vi tính đồn biên phòng mới có 1 - 2 chiếc mà chưa cập nhật internet. Những cung đường chúng tôi đi ngoài vùng phủ sóng, và không có email. Một lần lạc đường tìm nhau cũng mất nửa ngày. Ông Lò A Páo bảo: Có nửa ngày mà cũng lo à. Ở bản lạc núi 1, 2 ngày đường cũng không lo cái đầu, chỉ lo cái bụng đói thôi.

Hành lang phía tây bắc giáp Lào, Trung Quốc, nếu hai cửa khẩu quốc tế đi vào hoạt động thì du khách quốc tế đi lại rất thuận tiện.

Những nhà lữ hành Việt Nam đã đi khảo sát tuyến điểm này nhằm khai thác thị trường khách Đông Âu, Tây Âu và Bắc Mỹ.

Đến Shìn Hồ bạn sẽ du lịch leo núi lên Cổng Trời qua bản Hoàng Hồ của người Mông, nhìn sang bên núi là bản nguời Dao đỏ, La Hủ, Si La. Thật may tôi đã gặp ông Giàng A Dơ chủ tịch xã Pu Sam Cáp, ông bảo đi sang bản Nậm Núc phải mất một ngày đường. Người Mông đỏ sống cao ngất trên mây, thời gian đi phải tính bằng ngày đường. Đi bộ leo lên bản Hoàng Hồ có hơn 100 nóc nhà, tôi gặp những người phụ nữ gùi củi sau lưng, địu con trước ngực, họ đi hàng chục cây số, nhẫn nại như con lạc đà trên sa mạc. Trái tim tôi run rẩy vì sợ mưa núi ập xuống hai mẹ con họ trú vào đâu, hàng chục cây số không thấy một túp lều.

Đi hơn 10 cây số nữa là đến bản Tả Phìn, bản của người Dao chiếm đa số ở đây. Bản có 8 thôn, hơn 300 hộ đông đúc. Tôi ngồi với chị Chảo Kim Mỵ, tò mò xem khắp bếp, khắp nồi xoong chảo. Không có gì ngoài ngô, và mèn mén. Có đàn gà phải bán đi cho con đi học, còn con trâu để đi cày thôi. Con lợn phải giáp tết bán đi mua quần áo cho con. Vài lời thoại, đã hiện lên nếp nhà. Khốn khó mà vẫn bình thản.

Người Thái đi chợ Thuận Châu

Không có tốc độ trên đường đến bản Tả Phìn, càng không có tốc độ trên đường đến bản Hon, bản người Dao đỏ bên kia là con suối Nậm Mu, đi một ngày đường mới gặp một người gùi rau để hỏi thăm đường.

Trẻ em ở bản Sáng huyện Tuần Châu, bản Kim Nọi của người dân tôc Lự, còn rất hồn nhiên. Các em thấy khách đến chạy theo suốt bản chỉ đường, chụp ảnh không vòi tiền như ở Lào Cai - Sa Pa. Bản Sáng còn một cả một tài nguyên những vòi nước khoáng nóng đùn lên mà chưa khai thác tiềm năng du lịch. Phải chờ nhà đầu tư thôi, thì may ra bản Sáng mới gọi khách du lịch vào bản. Một bản đẹp như tranh thuỷ mặc, còn như dấu chấm hỏi trong đầu các nhà lữ hành và các doanh nghiệp miền xuôi. Hình như đường đi vẫn là một rào cản, vì đường quá xa, và còn vấp một con suối rất khó cho xe qua. Vào bản phải đi bộ gần hai cây số.

Rồi đi qua Phong Thổ chạm mắt là dốc núi, là suối sâu, là va quệt bởi màu vàng hoang dã của cúc quỳ, màu khói lam của con suối cạn, ai đó đốt cây khô. Khói đã làm ấm rừng hạt dẻ gai, rừng trám trắng bị bỏ quên.

Rồi vòng về Nghĩa Lộ đi đồi chè cổ thụ. Bản Ba Pe, bản Kim Nọi của dân tộc Lự tràn xuống đường bán thổ cẩm và nữ trang. Người Lự rất hiền, mời mua giúp áo, mũ, vòng tay. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới xuôi còn bỏ ngỏ một thị trường thổ cẩm thêu tay rất kỹ lưỡng của đồng bào Lự.

Nhưng biết nói gì với vài giờ đồng hồ khi mà bà con cứ thấy du khách đến thì nói thách rất cao, làm sao họ hiểu được rằng hàng hoá đẹp cũng cần giá phải chăng? Ai sẽ giúp họ tiếp thị đây? Tôi chỉ nghe thấy suối Thia chảy dữ dội, và những tảng đá lớn ngăn giữa dòng. Đường về dưới xuôi, còn xa ngái.

Bản Kim Nọi ở thị trấn Mù Căng Chải, Yên Bái
có 280 người, có nghề dệt, chủ yếu người Mông,
gồm 68 hộ. Nhà phải leo dốc cao

Rồi bạn ngợp trong những ô ruộng bậc thang thiên đường của Mù Căng Chải, là lúa vàng và hoa chè shan tuyết phủ khắp lối đi.

Bây giờ lên Tây Bắc tôi mới hiểu vì sao phải đi rất xa, rất dốc có khi còn hiểm nguy mà lữ hành gia cứ đi. Vì nơi này còn nhiều thôn bản chưa bị bê tông hoá. Còn những cánh rừng nguyên sinh, và còn nụ cười làm trái tim ta bật khóc. Phải cúi xuống mà giấu đi nước mắt, xót thương những người phụ nữ nghèo. Họ bình thản đi qua cõi này như mây, như khói, như suối chảy. Không kêu ca, đòi hỏi gì, nhất là quyền phụ nữ, quyền bình đẳng.

Tôi đã nhìn thấy rừng hoa dẻ gai, trám trắng và cúc quỳ vàng, xin tựa vào đá núi, cảm ơn cây rừng cho tôi thấy mình giàu có vì đã gặp những người phụ nữ đẹp, chịu thương chịu khó chăm sóc gia đình ở giữa rừng xanh núi cao hùng vĩ của Tây Bắc điệp trùng của Tổ quốc.

Dọc đường đi Tây Bắc, ngoài cánh đồng hoa cải là hoa ban đỏ, hoa cúc quỳ nở đầy bên núi

Chính họ đã chinh phục những nhà lữ hành đến từ các phương trời xa mang văn minh đến thôn bản, nhưng lại bị văn hoá thôn bản chinh phục lại. Đó là vẻ đẹp hoang sơ, ngàn đời còn huyền bí của Tây Bắc.

Theo Hoàng Việt Hằng (SGTTT)