itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Khúc hoan ca của đất

Khúc hoan ca của đất

Dù ở đồng bằng bắc bộ hay xứ sở miền trung, mùa gặt hay mùa ải đều đem đến niềm vui rộn ràng, háo hức cho tuổi thơ, cho con người, trở thành hoài niệm khiến ta rưng rưng, cả khi ta đã lớn đã trải nghiệm. Và đó cũng chính là khúc hoan ca của đất.

Ngày mùa vui

Tôi quê ở Thái Bình, vùng đất vốn được mệnh danh là “quê lúa”. Quê hương tôi đương vụ gặt, đâu đâu cũng là không khí ngày mùa vui.

Sáng sớm, khi mặt trời như lòng đỏ trứng gà mới chỉ nhú nhú lên từ sau lớp sương phủ nhẹ trên cánh đồng, người dân quê tôi bắt đầu ra đồng đi gặt. Quang gánh, liềm, xe thồ cũng tất bật cùng con người chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

Tôi yêu nhất quê tôi vào những buổi sớm mai. Cánh đồng vàng trải ra như tấm thảm mượt mà, căng đầy. Hít một hơi thật sâu, cảm thấy như thu được vào trong lồng ngực mình cả đồng nội mênh mang. Ấy là gió mát lành, là sương đọng lá súng tròn xoe trên mặt ao… Nghe đâu đó tiếng chim tíu tít, thật lạ rằng chẳng thể phát hiện ra chúng đậu ở đâu.

Đường làng phơi đầy rơm. Những con đường rơm thơm một thứ mùi mộc mạc. Những rơm còn xanh sẽ được nắng thu nhuộm cho một màu vàng nhạt ong óng. Tôi thích được ngồi trong bếp cùng bà, thổi cơm gạo mới bằng một thứ rơm còn ngai ngái mùi ruộng, mùi nắng. Cơm được vùi trong tro nóng, chín tới thật dẻo, thật thơm. Sẽ không gì ngon bằng cơm được nấu bằng bếp rạ, dù là bạn dùng loại nồi cơm điện với những tính năng hiện đại nhất, tôi đoan chắc như vậy.

Ngày mùa. Gợi cho tôi cả một bầu không khí kỉ niệm thời thơ ấu. Bước chân trần trên những khoảnh ruộng đã gặt còn trơ gốc rạ, tóc vàng như râu ngô vì cháy nắng... Là tụi trẻ làng tôi đấy, của những ngày đi mót thóc mỗi mùa lúa chín cách đây chưa xa. Tôi đã bị mẹ đánh không biết bao nhiêu lần vì tội đi nắng giữa trưa. Tôi khoái nhất là lúc cả lũ dốc cái bị thóc của mình, xem đứa nào “mót” được nhiều hơn.

Đường làng. Ảnh: Theo blog Mr Tèo.

Ngày mùa. Được ngồi vắt vẻo trên xe thồ, bố đưa ra ngoài ruộng, hân hoan, hân hoan. Được ăn những con muỗm nướng thơm bùi, mẹ bắt khi gặt lúa, ngon thật là ngon. Được nhảy nhót thoả thích trên những đống rơm trông như những cây nấm khổng lồ, vui ơi là vui. Cũng là lũ chúng tôi đấy, nụ cười trong veo như cơn gió đồng nội mỗi sớm mai. Những kỉ niệm ấy sẽ lưu lại trong trái tim tôi với tất cả sự ấm áp và ngây ngô của một thời bé thơ không bao giờ còn trở lại.

Tôi thấy quê mình đẹp nhất vào mỗi mùa gặt, trù phú và rộn ràng. Lưỡi liềm đưa nhanh thoăn thoắt trên tay mẹ, tay bà… Thân lúa ngả ra thật sắc, thật gọn. Những hạt lúa tẻ thon dài, những hạt lúa nếp mập mạp. Hạt nào cũng vàng ươm, trĩu xuống đầu bông lúa. Cái hạt ngọc bên trong lớp vỏ thóc, ấy là gió, là mưa, là nắng, là mồ hôi, là tần tảo sớm hôm của những người nông dân cần cù chịu thương chịu khó.

Trên những khoảnh ruộng đã gặt rồi, rạ được dựng lên thành từng đụn nhỏ, trông như những cây ô hơi xoè mở. Lòng tôi thênh thanh khi bước đi trên những bờ cỏ nhỏ. Chú bò đang mải mê gặm cỏ, nghe bước chân tôi giật mình ngoảnh lên ngơ ngác rồi lại cúi xuống nhấm nháp tiếp những ngọn cỏ xanh non. Một cánh cò trắng bay chấp chới trên nền trời xanh thẳm. Mi đang bay về phương nào? Dòng sông với một vài chiếc vó cất cá vắt mình duyên dáng giữa cánh đồng bao la, tạo nên một hình hoạ vô cùng nên thơ.

Đến thăm quê tôi vào mùa gặt, bạn có thể được nghe những mẩu chuyện mộc mạc như thế này trên đường làng: “Năm nay được mùa quá bác nhỉ?”. “Vâng, nhà bác mấy sào?”... Những lời hỏi thăm ấy có xiết bao sự thân mật, bao tình làng, nghĩa xóm, chứa chất xiết bao chất thơ đời thường của cuộc sống này. Người dân quê tôi thường cùng ngồi dưới gốc cây ven đường, hay đơn giản là chỉ trên đụn rạ nào đó để cùng uống bát nước chè xanh, nói dăm ba câu chuyện lúc nghỉ ngơi giữa buổi gặt.

Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi, những vất vả, cực nhọc như tan biến đâu hết, chỉ có niềm hân hoan khi thấy hình ảnh những chiếc xe thồ chất đầy lúa về nhà trên bờ ruộng mấp mô. Giọng hò khoẻ khoắn vang lên từ một thửa ruộng xa xa. Sự nhộn nhịp còn kéo dài cho tới tối, thậm chí là tới buổi khuya. Ấy thường là thời gian hoạt động của những chiếc máy tuốt lúa. Tiếng máy nổ rền vang cả làng. Khoa học kĩ thuật phát triển giúp cho người dân quê tôi đỡ vất vả hơn mỗi vụ gặt.

Cánh đồng mùa gặt. Ảnh: Theo ngoisaoblog.com

Sau một ngày mùa vất vả, giây phút mong chờ nhất là được ngồi quây quần bên gia đình, ăn cơm gạo mới dẻo thơm. Những câu chuyện lại tiếp tục, giản dị và ấm cúng. Những ngày mùa vui tiếp nối nhau với nhịp sống đầy sinh lực. Nếu có dịp, bạn hãy đến thăm quê tôi vào vụ gặt. Tôi chắc chắn khi về bạn sẽ mang theo trong trái tim mình không chỉ hình ảnh những cánh đống lúa chín vàng mà cả sự nồng nhiệt của người dân quê tôi. Hẹn bạn vào một ngày gần nhất nhé!

“Ngày mùa vui thôn trang,

Lúa reo như hát mừng…

...Ngày mùa vui thôn xóm…"

Cứ mỗi vụ gặt làng quê tôi lại vang khúc hoan ca.

Mùa ải

Mùa ải diễn ra vào cuối thu, đầu đông. Thời tiết hanh, rất khó chịu. Chân tay, mặt mũi nứt nẻ. Gọi là mùa ải, vì sau khi gặt xong, những mảnh ruộng được cầy lên. Đất cầy lên gọi là ải. Khi đất khô, người ta đổ nước vào đồng rổi bừa vào dịp giáp tết trước khi cấy.

Khoảng ấy thời gian, có biết bao kỷ niệm của cung trời tuổi thơ diễn ra trên cánh đồng quê.

Gặt lúa xong, lũ trẻ quê chúng tôi ngày ấy thường rủ nhau đi đào chuột. Hợp tác xã mua chuột theo cách mua đuôi. Vậy là phần thân chuột được “lên đĩa”. Vì là chuột đồng, nên thịt rất ngon và thơm nếu biết chế biến. Lũ trẻ chúng tối đi đánh chuột thành từng tốp năm bảy đứa. Tiền bán đuôi chuột dùng để mua sách vở, hay quần áo dịp tết. Phần thân chuột mang về nhà một ai đó, vụng trộm cha mẹ, chế biến theo cách riêng của lũ trẻ. Cảm giác vương lại trên đầu lưỡi khiến đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể quên được.

Mùa ải. Trẻ con chơi bóng trên cánh đồng quê rất nhiều. Dù mặt ruộng lởm chởm những gốc rạ. Trái bóng đôi khi là những trái bòng rụng… nhưng vẫn khiến đám trẻ chúng tôi bị hút hồn.

Con trâu đi trước, cái cày theo sau. Ảnh: Theo nguyenlt.free.vn

Tuổi thơ mải miết bắt chước, chơi trò đóng gạch bằng vỏ bao diêm. Đơn giản, mùa ải là mùa “người lớn” lấy đất từ vùng đất cao trên cánh đồng về đóng gạch. Ngồi bên lò gạch của “người lớn”, cảm giác thú vị lạ kỳ. Đầy không khí cộng đồng thân thiện, thương mến.

Mùa ải. Tuổi thơ lang thang bên bờ ruộng kiếm tìm cỏ gà, chơi trò chọi cỏ gà… đến lúc trời tối mịt, cha mẹ phải đi tìm. Đống rơm được coi là nơi “lý tưởng” để chơi trò trốn tìm. Mắt ta cay nhèm vì khói bùi nhùi (còn gọi là “rơm con cúi” theo cách của cụ đồ Chiểu). Cái mùi khói đó bùi bụi, khăm khăm, nhưng không khó chịu. Bây giờ, giữa thành phố đen đặc mùi khói xe kẹt, thèm được ngửi nó biết chừng nào.

Mùa ải. Mải miết với cánh diều trên cánh đồng quê trong khói lam chiều, hồn nhiên vô cùng. Tiếng sáo vi vút khắp làng suốt chiều đến hết đêm, đưa ta vào giấc mơ tuổi thơ êm đềm và bất tận…Nơi mảnh đất phương Nam này, ta thèm, ta nhớ vô cùng. Cung trời tuổi thơ đã qua từ lâu, nhưng cảm giác chỉ như mới hôm qua thôi.

Mùa ải quê mình – mảnh đất ta vẫn tự hào khi trả lời những người bạn phương Nam: quê mình nằm ở cuối con sồng Hồng, có cửa Ba Lạt đỏ nặng phù sa xứ sở.

Nguyên Anh- Vũ Trần Đại / Vietnamnet