itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Công nghệ mới / Trời sinh Nokia, sao còn sinh Apple

Trời sinh Nokia, sao còn sinh Apple

Kể từ khi iPhone ra đời, lợi nhuận của Nokia giảm 2/3 còn Apple hốt tới hơn nửa tổng lợi nhuận toàn ngành.

Với ngành công nghệ thì những lời bi ai cũng gây kích động chẳng kém gì vốn đầu tư mạo hiểm. Nhưng có lẽ CEO mới của Nokia, Stephen ELob, đã nâng ngôn ngữ lên một tầm cao mới.

"Lửa đang rực cháy dưới chân chúng ta,” ông viết trong thư gửi tất cả 132.000 nhân viên của nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới này.

Nếu Nokia không muốn bị thiêu rụi, không còn lựa chọn nào khác ngoài nhảy xuống “dòng nước băng giá” bên dưới. Nói thẳng ra là công ty phải thay đổi tận gốc đường lối của mình.

Trong buổi họp “về chiến lược và tài chính” sắp tới tại London, Elop sẽ công bố bước chuyển mà ông dự kiến.

Câu hỏi lớn nhất là liệu Nokia sẽ tiếp tục sử dụng hệ điều hành của riêng mình, cộng tác với Microsoft hay có lẽ còn đặt cược vào Android, hệ điều hành đang ngày càng được ưa chuộng của Google.

Đã có lời bàn tán rằng Elop, CEO người Mỹ đầu tiên của Nokia, sẽ sa thải các quản lý cao cấp và chuyển trụ sở công ty tới thung lũng Sillicon.

Ông vua mất ngai

Nếu thực vậy, đây sẽ là một cơn chấn động đối với một trong những công ty từng “hot” nhất Châu Âu. Đằng sau khó khăn của Nokia còn là sự sa sút của không chỉ công ty Phần Lan này mà còn của cả ngành điện thoại di động Âu Châu.

Cuối thấp niên 1990, dường như công nghệ di động Châu Âu đã đánh bại thung lũng Sillicon. Các công ty viễn thông Châu Âu đã xây dựng xong một tiêu chuẩn chung cho điện thoại di động.

Các thiết bị cầm tay trở nên vừa túi tiền, Châu Âu là thị trường lớn nhất của chúng và tiêu chuẩn của cựu lục địa trở thành khuôn vàng thước ngọc cho toàn thế giới. “Châu Âu là cái nôi cho sáng tạo và kích thước di động”, Ameet Shah từ hãng tư vấn quản lý PRTM nói.

Thay đổi đến với sự nổi lên của điện thoại thông minh (smartphone), đặc biệt là chiếc iPhone ra đời năm 2007 của Apple. Nokia vẫn chiếm 1/3 thị phần, nhưng Apple chiếm tới hơn nửa tổng lợi nhuận ngành, bất chấp chỉ có thị phần chưa tới 4% (xem đồ thị dưới).

Người Mỹ có nhiều smartphone hơn người Châu Âu. Còn về tiêu chuẩn, hãng viễn thông lớn nhất Hoa Kỳ Verizon đang dẫn đầu thế giới trong việc ứng dụng công nghệ không dây tiếp theo với tên gọi LTE.

Rẻ như di động

Nokia cùng với toàn ngành di động Châu Âu cũng đang bị đẩy lùi trong mảng thiết bị cầm tay đơn giản và hạ tầng mạng.

Điện thoại di động giá rẻ sử dụng chip của công ty Đài Loan MediaTek ngày càng được ưa chuộng tại các nước đang phát triển. Một số tính toán cho rằng 1/3 số di động bán ra trên toàn cầu thuộc loại này.

Doanh thu 28 tỷ đôla năm 2010 của Huawei gần tương đương với nhà sản xuất thiết bị mạng không dây hàng đầu thế giới Ericsson.

Về cơ bản, thay đổi ấy là kết quả của Định luật Moore: khả năng tính toán của bộ vi xử lý sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng.

Thế hệ điện thoại di động hiện đại đầu tiên là các thiết bị chỉ thuần để gọi điện và nhắn tin. Tiền được đầu tư vào thiết kế các thiết bị cầm tay đẹp mã, sản xuất thật rẻ và phân phối thật rộng. Đó chính là lợi thế của Châu Âu.

Phần lớn các kỹ năng đó đều có thể tìm thấy ở Phần Lan, điều đó lý giải vì sao một công ty từng sản xuất giấy và ủng cao su như Nokia có thể trở thành nhà sản xuất thiết bị cầm tay hàng đầu thế giới.

Khi bộ vi xử lý trở nên mạnh hơn, điện thoại di động đang biến đổi thành máy tính cầm tay. Kết quả là phần lớn giá trị của nó nằm ở phần mềm và dịch vụ dữ liệu.

Khó mà đánh bại được Mỹ, đặc biệt là Thung lũng Sillicon, ở mảng này. Các công ty như Apple và Google biết cách phát triển các công nghệ mang tính nền tảng.

Thung lũng Sillicon cũng có thể tự hào với một hệ thống các doanh nhân liều lĩnh, các nhà đầu tư mạo hiểm và các lập trình viên thường xuyên nghĩ ra các dịch vụ đầy sáng tạo.

Nokia từng phải đối phó với một số vấn đề nữa. Họ nhận ra thế giới đang đổi thay và đã phát triển một điện thoại cảm ứng giống như iPhone ít nhất từ năm 2004. Hiểu được tầm quan trọng của dịch vụ di động, Nokia cho ra đời cửa hàng trực tuyến Ovi vào năm 2007, một năm trước khi Apple khai trương App Store trứ danh.

Nhưng biến một nhà sản xuất phần cứng thành một nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm không phải chuyện dễ. Nokia lơ đãng và mất thế chủ động.

Hãng luôn là một cỗ máy sản xuất và phân phối cực hiểu quả, có thể ra lò cả tá thiết bị cầm tay mỗi giây và bán chúng trên toàn thế giới.

Nhưng việc lập kế hoạch tốn nhiều thời gian và các thiết bị mới được phát triển bởi các nhóm độc lập, đôi khi còn cạnh tranh với nhau. Đây là điều tối kỵ với ngành phần mềm vốn yêu cầu có sự cộng tác để làm mọi thứ thật nhanh.

Olli-Pekka Kallasvuo, CEO Nokia từ năm 2006 tới tháng 9 năm ngoái, đã nhìn ra được khó khăn.

Để mang về làn gió mới cho Nokia, ông đã mua lại vài công ty và tái tổ chức chúng để củng cố thêm mảng phần mềm và dịch vụ. Nokia cũng cố biến hệ điều hành dành riêng cho smartphone Symbian của riêng mình thành một “chuẩn mực” giống như iPhone và Android.

“Nhưng giống Sony, Nokia chưa tìm được cách để chuyển từ phần cứng sang phần mềm,” Stéphane Téral từ Infonetics Research nói.

Ánh sáng cuối đường hầm

Để Nokia trút được “cái mệnh phần cứng” của mình, cựu giám đốc cao cấp tại Microsoft, ông Stephen Elop, được mời về và được trao thứ mà người tiền nhiệm Kallasvuo chưa bao giờ có: toàn quyền hành động.

Đây là lý do vì sao phần lớn giới quan sát kỳ vọng ông sẽ tiến hành nhiều thay đổi cơ bản, đặc biệt là về hệ điều hành mà Nokia sẽ theo đuổi trong tương lai. Nokia sẽ phải hành động nhanh chóng nếu muốn có cơ hội tạo ra một định dạng thứ ba cho dịch vụ và phần mềm di động, sau Android và iPhone.

Có lẽ Nokia sẽ không sử dụng Android. Phần mềm này tuy có mã nguồn mở nhưng lại đi kèm với nhiều ràng buộc, đáng chú ý là quảng cáo và dịch vụ di động của Google. Điều này sẽ biến Nokia trở thành một nhà sản xuất thiết bị tầm thường còn đầu tư của họ vào dịch vụ trước nay đều trở nên lạc điệu.

Nokia có thể đưa ra định dạng mới với MeeGo, hệ điều hành tiên tiến nhưng vẫn chưa hoàn thiện hợp tác phát triển với Intel, nhưng một số người cho rằng điều này cũng khó xảy ra.

Hoặc Nokia có thể đặt cược vào hệ điều hành mới cho di động Windows Phone 7 của Microsoft.Giới đầu tư có vẻ thiện cảm với Windows. Đầu tháng này khi có tin đồn đó là điều Elop đang dự tính, giá cổ phiếu Nokia vốn đã giảm 2/3 kể từ đầu năm 2008 tăng gần 7%.

Với quan hệ của mình, chắc chắn Elop có thể thiết lập được quan hệ cộng tác ấy. Bước đi này cũng giúp Nokia trở lại thị trường Hoa Kỳ, nơi thị phần của hãng chỉ dưới 10%.

Mặt khác thì Windows Phone 7 cho đến nay vẫn chưa mấy thành công. Có lẽ sẽ mất ít nhất 6 tháng trước khi chiếc điện thoại “Winokia” đầu tiên lên kệ, quá lâu trong một ngành quá nhanh.

Các công ty khác trong ngành điện thoại di động Châu Âu đã và đang cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Doanh thu của công ty Anh ARM có thể chỉ được vài trăm triệu đôla, nhưng phần lớn vi xử lý trong các thiết bị di động đều dựa trên thiết kế của công ty này. 40% doanh thu của Ericsson là từ dịch vụ, ví dụ như quản lý các mạng không dây trên toàn thế giới. Ngày 07/02, Alcatel-Lucent trình làng công nghệ giúp giảm kích thước trạm phát sóng không dây từ một chiếc tủ hồ sơ xuống chỉ còn một khối Rubik.

Nhưng để thật sự trở lại, Châu Âu phải có được văn hóa doanh thương như ở thung lũng Sillicon.

Điều này không phải là không thể xảy ra. Văn hóa ấy đã bắt đầu bén rễ trong những năm gần đây và một số công ty mới khởi nghiệp thành công đã nảy mầm.

Ví dụ như một trong những trò chơi dành cho smartphone được ưa chuộng nhất không ra đời từ thung lũng Sillicon mà từ Phần Lan. “Angry Birds” đã được tải xuống 50 triệu lần kể từ khi được phát hành tháng 12/2009. Minh Tuấn Theo Economist