Dự án quy hoạch Trung tâm nhiệt điện Hòn Chông – Kiên Giang
Trung tâm nhiệt điện Hòn Chông được xây dựng tại Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang với tổng kinh phí 5,3 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động đây sẽ là nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam.
Đến năm 2020 nhu cầu điện năng của Việt Nam khoảng gần 300 tỷ KWh, tuy nhiên theo đánh giá từ đề án đến năm 2020 khả năng khai thác thủy điện cao nhất chỉ ở khoảng 50 – 60 tỷ KWh. Như vậy đến năm 2020 điện năng từ nhiệt điện và nhập khẩu điện năng từ Lào và Trung Quốc chiếm khoảng hơn 70% điện năng hệ thống điện Việt Nam. Từ những yêu cầu trên cho thấy song song với phát triển thủy điện, nhiệt điện cũng cần phải phát triển nhanh để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đòi hỏi dự báo luôn phải đi trước một bước.
Địa điểm Hòn Chông có điều kiện thuận lợi để xây dựng Trung tâm nhiệt điện (TTNĐ) than quy mô 3600 – 4400MW, địa điểm nằm trong khu kinh tế Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là khu vực được đánh giá có lợi thế hơn các địa điểm khác do gần nguồn cung cấp vật liệu xây dựng như xi măng, đá vôi và đặc biệt là khả năng sử dụng tro xỉ tại chỗ của các nhà máy xi măng lân cận. Dự án TTNĐ than Kiên Giang có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc hình thành và phát triển khu kinh tế Kiên Lương. Ngoài việc cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia còn tạo ra đường luồng cảng nước sâu cho Kiên Giang nói riêng và cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phục vụ cho phát triển vận tải biển, ngoại thương và các dịch vụ khác. Với nhưng tính khả thi như trên, UBND tỉnh Kiên Giang và địa phương nhiệt tình ủng hộ dự án thành lập TTNĐ tại Hòn Chông - Kiên Lương.
TTNĐ than Hòn Chông - Kiên Giang với quy mô công suất khoảng 3600 – 4400MW dự kiến sẽ phát triển theo từng giai đoạn, vì vậy lưới điện đồng bộ cũng sẽ phát triển tương ứng phù hợp với các giai đọan phát triển của trung tâm. Hiện tại nhu cầu phụ tải của toàn tỉnh Kiên Giang khá thấp, chỉ đạt ở mức khoảng 500 MW đến năm 2020, nguồn cung cấp cho Kiên Giang được lấy từ nhà máy điện Cà Mau và Ô Môn. Như vậy vào giai đọan đầu TTNĐ sẽ đấu nối lên cấp điện áp 500KV và vào giai đoạn sau sẽ có cấp điện áp 220KV để cấp điện cho khu vực lân cận.
Để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 60.000 – 80.000 tấn vận chuyển nhiên liệu cung ứng TTNĐ có quy mô 3600MW cần thiết phải xây dựng hệ thống cảng tiếp nhận nhiên liệu. Do khu vực xây dựng nhà máy biển nông, đáy biển thoải nên cần đưa cảng ra xa bờ, do đó việc xây dựng cầu cảng cũng như công tác nạo vét độ sâu trước cảng và vũng quay tàu rất lớn. Nếu như công tác nạo vét luồng lạch và xây dựng cảng nước sâu được thực hiện thì khả năng vận chuyển nhiên liệu than đến địa điểm rất thuận lợi do địa điểm cảng gần với luồng tàu quốc tế.
Địa điểm xây dựng nhà máy dự kiến đặt tại khu vực Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương thuộc khu kinh tế Kiên Lương – Kiên Giang. Khu kinh tế Kiên Lương hình thành từ 3 xã, một thị trấn ven biển và một xã đảo của huyện Kiên Lương. Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy có diện tích khoảng 252ha, khu đất dự kiến có chiều rộng 1.200m và chiều dài 2.100m.
Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư với kinh phí khoảng 5,3 tỷ USD có công suất 3600 - 4400 MW. Thời gian dự kiến khởi công nhà máy vào năm 2009 và hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2013. Nhà máy nhiệt điện hoạt động bằng nguồn than nhập khẩu từ Úc và Indonesia thông qua cảng Hòn Chông. Khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy điện lớn nhất Việt Nam cung cấp điện cho các khu công nghiệp, khu dân cư thuộc ITA GROUP và sau đó tới Khu công nghiệp Xi măng Kiên Lương, Khu công nghiệp Rạch Vượt (Hà Tiên), liên kết với điện lực Việt Nam tải điện ra Phú Quốc thông qua cáp ngầm nhằm biến Phú Quốc thật sự là một thiên đường du lịch, xuất khẩu điện qua Campuchia và đưa lên lưới điện quốc gia.
Ngày 26/7/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho Tập đoàn Tân Tạo - Công ty Cổ phần Điện lực ITA Power đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư và nạo vét cảng nước sâu tại khu vực huyện Kiên Lương – Kiên Giang.
BTV