itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Sách giáo khoa điện tử dành cho ai?

Sách giáo khoa điện tử dành cho ai?

Nhiều vấn đề được đặt ra khi 12 bộ sách giáo khoa các lớp học phổ thông được số hóa trong sách điện tử dạng máy tính bảng vừa được Nhà xuất bản Giáo Dục ra mắt với giá 4,8 triệu đồng.

12 bộ sách giáo khoa của 12 lớp học phổ thông được “gói” lại trong một cuốn sách điện tử nhỏ gọn, màn hình 8 inch, dưới dạng một máy tính bảng.

Bộ sách giáo khoa điện tử đầu tiên của VN (được gọi là Classbook) đã được NXB Giáo Dục VN tổ chức ra mắt ngày 26-6 tại Hà Nội.

12 năm học “gói” trong 500 gram

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thúc Trương Lương - giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục, NXB Giáo Dục VN - cho biết Classbook cài sẵn trọn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 và trong suốt thời gian sử dụng, người dùng được cập nhật miễn phí mọi tái bản cuốn sách này.

Tuy nhiên, cuốn sách điện tử chứa được nội dung sách giáo khoa 12 năm học không đồng nghĩa với việc sẽ trở thành một học liệu có khả năng bền bỉ đi theo học sinh suốt 12 năm học phổ thông. Khi đề cập tuổi thọ của sách điện tử, ông Lương cho biết nếu người dùng có xu hướng cập nhật phiên bản mới sẽ cập nhật ba năm/lần. Với người dùng coi sách đơn thuần là tài liệu học tập thì sau 5-6 năm cũng sẽ phải thay sách mới.

Hiện tại đã có hai phiên bản khác nhau dành cho giáo viên và học sinh. Điểm khác biệt lớn ngoài sự khác nhau về nội dung giữa sách giáo khoa điện tử dành cho học sinh và sách dành cho giáo viên chính là phạm vi lướt web. Trong khi sách dành cho giáo viên có thể lướt web tự do thì sách dành cho học sinh chỉ có thể truy cập một số website do nhóm nghiên cứu mặc định, phát triển, có nội dung liên quan đến giáo dục. “Thực tế, sách giáo khoa điện tử của một số nước là máy tính bảng thông thường. Nhưng ở VN, phiên bản này đích thực là một sản phẩm giáo dục, tất cả nội dung chỉ phục vụ cho mục đích học tập. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng quản lý của nhà trường và phụ huynh đối với học sinh so với việc để các em dùng máy tính bảng đơn thuần” - ông Lương nói.

Theo giới thiệu, ở môn tiếng Anh, sách giáo khoa điện tử có thể phát âm bất cứ từ vựng nào, học sinh có thể đọc lại, tự đối chiếu và kiểm tra. Với phương pháp này, trong giờ học, để tránh làm phiền đến người bên cạnh, học sinh được khuyến cáo dùng tai nghe cho máy tính bảng.

4,8 triệu đồng/bộ: không rẻ

Theo tính toán của NXB Giáo Dục VN, nếu tính giá thành mua 310 đầu sách được tích hợp trong Classbook, chi phí mỗi bộ sách giáo khoa điện tử sẽ gần 3 triệu đồng. Với việc tích hợp nhiều nội dung mở rộng, giúp học sinh và giáo viên khai thác tốt hơn các tài liệu liên quan đến bài giảng, cùng những công năng đặc thù của máy tính bảng, Classbook được báo giá ở mức 4,8 triệu đồng/chiếc.

Với 4,8 triệu đồng/bộ sách giáo khoa điện tử, ông Ngô Trần Ái - tổng giám đốc NXB Giáo Dục VN - thẳng thắn thừa nhận mức giá này không rẻ. “Số lượng phát hành còn khiêm tốn nên giá còn cao. Khi sách được triển khai rộng hơn, nhiều người mua hơn, giá thành sẽ hạ. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục đã xác định sẽ chịu lỗ trong ba năm đầu trước khi đạt mục tiêu sách được thị trường chấp nhận” - ông Ái nói.

Thực tế, theo một số chuyên gia, sản phẩm Classbook của VN có phần đắt hơn so với mức giá của một số nước đang áp dụng sản phẩm này. “Ở Ấn Độ, giá thành thật sự của sách giáo khoa điện tử chưa đến 90 USD. Nhà nước trợ giá cho học sinh nên giá thành khi đến tay người học chỉ còn khoảng 35-40 USD. Nhưng giá Classbook ở VN hiện tại là 4,8 triệu đồng cũng không phải là bất ngờ hay vô lý. Classbook chúng tôi giới thiệu hôm nay có màn hình cảm ứng đa điểm 8’’, kèm công nghệ chống lóa IPS, hỗ trợ góc nhìn rộng gần 180 độ. Sách của Ấn Độ màn hình chỉ có 7’’, bộ nhớ thấp, chip chậm hơn” - ông Lương lý giải.

Có phân biệt giàu - nghèo?

Với một thiết bị đắt tiền, nhiều người lo ngại sự trang bị không đồng bộ sẽ chỉ làm tăng khoảng cách giàu - nghèo không cần thiết trong môi trường giáo dục, nhất là ở cấp học nhỏ tuổi. Một lớp học chỉ có vài ba em được bố mẹ trang bị sách điện tử, còn bên cạnh vẫn là những cuốn sách giáo khoa bình thường có thể gây cảm giác tò mò, hoặc ít nhiều gây xáo trộn ở một vài em vốn có tâm lý nhạy cảm. Chưa kể, ngay cả giáo viên, liệu tất cả thầy cô có chấp nhận ngay cảnh học sinh dùng máy tính bảng thay cho sách giáo khoa thông thường?

Theo ông Ái, hi vọng của những người làm sách giáo khoa điện tử trước nhất sách phải đến được tay giáo viên. “Đúng là sẽ có ý kiến cho rằng mức giá của sách chưa phù hợp để phổ cập đến từng học sinh. Song tôi nghĩ giáo viên cần được trang bị ngay thiết bị này. Không quá khó nếu việc đầu tư cho thiết bị giáo dục mấy năm qua luôn ở mức nhiều ngàn tỉ đồng/năm dành một phần để trang bị Classbook cho thầy cô giáo” - ông Ái đề xuất.

Liệu những tài liệu học tập hiện đại này có đến được với học sinh nghèo? Trả lời câu hỏi này, ông Lương cho hay sách giáo khoa điện tử là một sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa trên thị trường, hoàn toàn không “chạy” trong một dự án nào, nên không phải là một sản phẩm bắt buộc phải có khi đến trường. Bản thân sản phẩm muốn trụ được cũng cần đáp ứng và làm hài lòng người có đủ tiền bỏ ra mua nó. Với giá thành không rẻ, để đến tay học sinh nghèo, theo nhà sản xuất, không có cách nào khác là Nhà nước phải bao cấp như Thái Lan hoặc trợ giá như cách Ấn Độ đang làm.

Chờ phản ứng của thầy cô giáo

Classbook là một sản phẩm khá đặc biệt: trong một thiết bị chưa đầy 500 gram, mọi người có thể truy cập toàn bộ chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Tôi hi vọng nó sẽ giải quyết được vấn đề dư luận quan tâm những năm gần đây khi trẻ con phải bê đến lớp những bộ sách giáo khoa ngày càng dày. Liệu có giải quyết được không thì có lẽ chúng ta phải chờ phản ứng của các thầy cô giáo xem sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu giáo dục hay không.

Trên thế giới cũng có những ứng dụng tương tự, nhưng tôi chưa thấy nơi nào có ứng dụng một cách tổng thể như ở VN - cho dù ở nước ngoài công nghệ của họ đi rất nhanh. Lợi thế của VN là một nhà xuất bản và chỉ có một bộ sách. Còn ở nước ngoài thì có nhiều bộ sách khác nhau, họ không có sản phẩm chung cho toàn bộ bộ sách như thế này. Ở các trường đều có ứng dụng dùng máy tính bảng, các công cụ học tập đều rất nhiều và phong phú. Ở các nước thì không có những đầu mối như sản phẩm Classbook của VN.

Qua tiếp xúc tôi thấy có một số điều cần phải cải tiến hơn, nhưng nhìn chung tôi thích thiết bị này vì nó nhỏ gọn, tập trung được vào một số tiện ích có hiệu quả cho việc học hành của học sinh, việc dạy của các thầy cô giáo và việc theo dõi của bố mẹ.

GS Ngô Bảo Châu

NGỌC HÀ/ Tuổi Trẻ