itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII: Vắng bóng doanh nhân trong Hiến pháp

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII: Vắng bóng doanh nhân trong Hiến pháp

ĐB Vũ Tiến Lộc: Trong cả bản Hiến pháp sửa đổi lần này cụm từ “doanh nhân” không xuất hiện. Ảnh: K.A

Ngày 4.6, QH tiếp tục “nóng” với những ý kiến trái chiều xung quanh một số điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong đó, có vấn đề doanh nhân có vị trí như thế nào trong khối đại đoàn kết; nếu không thành lập Hội đồng Hiến pháp thì có nên trao quyền phát hiện văn bản pháp quy vi hiến cho viện kiểm sát nhân dân (VKS)?..

Đủ cả, trừ… doanh nhân
Là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐB Vũ Tiến Lộc đề cập nhiều đến vấn đề về thành phần kinh tế. Sau khi nêu lại nền tảng liên minh trong xã hội nêu trong các hiến pháp trước đây hầu như lần lượt được bổ sung hết, chỉ riêng đội ngũ doanh nhân thì chưa, ĐB Lộc nhận xét, trong cả bản Hiến pháp sửa đổi lần này, cụm từ “doanh nhân” cũng không xuất hiện. Để khắc phục thiếu sót này, ĐB đề nghị: Bổ sung thêm khoản 2: Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nhân.
Về Điều 54, đây là nội dung được nhiều ĐB tham gia góp ý trong hai ngày thảo luận. Đa số các ý kiến ủng hộ không ghi thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo. Làm rõ hơn lý do này, ĐB Vũ Tiến Lộc nói: Khẳng định mọi thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Việc không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp, vì về mặt lý thuyết khi đã nói đến cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật thì khó có thể nói đến thành phần kinh tế này là chủ đạo, thành phần kia không chủ đạo.
Ngược với những quan điểm trên, cũng có một số ý kiến cho rằng, cần phải ghi rõ vai trò quan trọng của thành phần kinh tế nhà nước. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) là một trong số đó. Ông cho rằng: Kinh tế nhà nước chính là phương tiện, điều kiện vật chất để chúng ta lãnh đạo nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể định hướng xã hội chủ nghĩa được nếu như kinh tế nhà nước của chúng ta yếu.
Bổ sung quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho VKS?
Về việc có nên hay không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng tựu trung, hoặc là không thành lập vì nó trùng lặp với các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của QH. Hoặc thành lập thì phải cho nó quyền phán quyết hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật vi hiến, chứ không thể chỉ là kiến nghị. Trước vấn, đề này đã có vài ý kiến đề nghị để phát hiện những văn bản, những hành vi vi hiến, nên trả lại quyền này cho viện kiểm sát nhân dân (VKS).
Sáng 4.6, ĐB Tô Văn Tám (Lai Châu) đề nghị: VKS ngoài việc quy định kiểm sát thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở khoản 1, Điều 112 nên bổ sung thêm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, ĐB này đề nghị: Nếu chưa thể chế hóa quan điểm của Đảng trong lần sửa đổi Hiến pháp này, thì dự thảo lần này cần khẳng định VKS và tòa án là cơ quan tư pháp. Bởi theo ĐB, dưới góc độ lý luận về nhà nước pháp luật, chúng ta vẫn quan niệm cơ quan tư pháp là cơ quan nhà nước thực hiện chức năng giữ gìn, bảo vệ pháp luật, bao gồm tòa án và VKS. Trên thực tiễn công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS cũng được coi là hoạt động tư pháp.
Quyền phúc quyết chưa được thực thi vì thiếu luật
Vấn đề các điều khoản của Hiến pháp chậm đi vào cuộc sống là vấn đề không chỉ trên diễn đàn QH mà dư luận đã lên tiếng khá nhiều. ĐB Dương Trung Quốc phát biểu: Hiến pháp phải khẳng định quyền con người, quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp phải được thực thi đầy đủ. Quyền phúc quyết của nhân dân đã được nêu trong Hiến pháp nước ta từ lâu mà chưa được thực thi chỉ vì thiếu luật.
Đặc biệt, ĐB nhấn mạnh, đó là quyền tự do lập hội, quyền biểu tình. Vấn đề là, Hiến pháp sửa đổi lần này làm sao để không tiếp tục “treo” như trước đây. Nếu để tình trạng một số điều được ghi trong Hiến pháp bị “treo” nhưng vẫn chưa có trong chương trình xây dựng luật, như vậy là vi hiến. Vì vậy, ĐB đề nghị ghi vào Điều 3 dự thảo: Nhà nước đảm bảo pháp lý để mọi quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất. Việc QH cho phép thí điểm mô hình không có HĐND là nghị quyết vi hiến.

Theo Lao Động