itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Khai thác đá sỏi xô bồ tại huyện An Nhơn (Bình Định)

Khai thác đá sỏi xô bồ tại huyện An Nhơn (Bình Định): Tàn phá tài nguyên, huỷ hoại di tích

Hàng loạt công trình trọng điểm triển khai ở An Nhơn những năm qua đã đẩy lĩnh vực khai thác đá sỏi, san lấp mặt bằng lên hàng danh giá. "Kiếm cơm" bát nháo quanh lĩnh vực này không chỉ giới doanh nhân mà còn có cả các quan chức.

Biến Hoả Sơn thành địa đạo

Trong khi Luật Khoáng sản chỉ trao quyền cấp phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì tại An Nhơn, quyền năng ấy nằm gọn trong tay chức sắc hàng xã. Ở Nhơn Mỹ, giai đoạn 2000 - 2006, chính quyền xã đứng tên bán cả quả đồi Hoả Sơn rộng tới 37ha với mức giá 1.000 đồng/m3.

Chủ tịch UBND xã Huỳnh Hùng cho biết, đơn giá trên căn cứ vào "mặt bằng thống nhất giữa các xã" và việc khai thác tài nguyên thực hiện bằng hợp đồng kinh tế dưới sự giám sát của "tổ công tác" gồm các thành viên là cán bộ tài chính, địa chính và nông nghiệp xã.

Trên thực tế, đã không có sự kiểm soát nào. Quả đồi cao gần 20m được để cho nhà thầu mặc sức băm vằm. UBND xã Nhơn Mỹ, trước những chất vấn về Hoả Sơn, đã không thể trưng ra, thậm chí là biên bản bàn giao mặt bằng! Do vậy, khó để nói là đáng tin cậy đối với "bản tổng hợp khối lượng" mà lãnh đạo Nhơn Mỹ viện dẫn như một động thái đối phó. Theo đó, "kết quả khai thác" giai đoạn 2000 - 2006 là 135.000m3 - con số quá nhỏ nhoi nếu đối chiếu với cái hiện trường tanh bành, phơi lưng dọc tỉnh lộ 636.

Đồi Hoả Sơn biến thành "địa đạo" nham nhở.

Tham gia khai tử Hoả Sơn, có 11 cá nhân, doanh nghiệp, trong đó, trường hợp đáng chú ý nhất là bà Nguyễn Thị Ngọc ÂÍn, vợ ông Lê Hữu Cư, nguyên Chủ tịch, Bí thư huyện An Nhơn. Ông Cư vừa được điều động làm Giám đốc Sở Du lịch Bình Định.

Ông bí thư và vụ "độc chiếm" Đàn Nam Giao

Diện mạo Đàn Nam Giao triều Tây Sơn - Nguyễn Nhạc (thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu) bắt đầu phát lộ qua các đợt khai quật 2004, 2005 do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp tiến hành trong khuôn khổ dự án phục hồi, trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế (di tích lịch sử quốc gia, xếp hạng năm 1982).

Kết quả khảo cổ ấy dường như không được ông Lê Hữu Cư... thừa nhận. Bằng chứng là quãng giữa năm 2006, ông, với chức bí thư huyện uỷ đã cùng Chủ tịch xã Nhơn Hậu bấy giờ là Nguyễn Văn Giác tìm đến nhà ông Nguyễn Minh Ngân thương lượng "đền bù" 2 triệu đồng để đổi lấy con đường tiếp cận Đàn Nam Giao. Chủ tịch Giác (nay chuyển về thị trấn Đập Đá) là người trực tiếp ký hợp đồng giao bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn quyền khai thác 50.000m2 đất sỏi phía bắc đồi 20 (tên gọi khác của Đàn Nam Giao), thời gian khai thác kéo dài từ 15.4 đến 30.12.2008.

Phi vụ một mình một chợ đang vận hành ngon trớn thì ngày 5.6.2006 bị Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao An Nhơn xác định là hành vi "xâm phạm di tích, trái pháp luật" và lập biên bản tạm đình chỉ. Tới lúc đó, "sản lượng khai thác Đàn Nam Giao" đã lên đến 20.000m3, vượt xa "chỉ tiêu" 15.000m3 của cả nửa năm 2006!

Xuân Nhàn