itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Lấy chồng xứ người: Không nẻo quay về

Lấy chồng xứ người: Không nẻo quay về

Sau khi một số bài phóng sự nói về cảnh ngộ của các cô dâu Việt ở nước ngoài xuất hiện trên Báo Tây Ninh, có một độc giả tìm đến toà soạn cầu cứu, nhờ tìm cách giúp đỡ người thân của mình. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Lan Thanh, sinh năm 1976, ngụ ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành-Tây Ninh. Theo lời người nhà kể, chị Thanh đang khốn khổ vì cảnh làm dâu trên đất Trung Quốc, không biết cách nào để trở về quê hương.

Chiều ngày 10-7, chúng tôi tìm đến ấp Tầm Long thăm gia đình chị Thanh. Trong căn nhà tôn, vách đất nhỏ bé cất trên đất công của xã, mẹ và hai người con của chị Thanh đang ngồi rầu rĩ. Bà Trần Thị Lại, 74 tuổi – mẹ của chị Thanh kể: Trước đây, gia đình bà làm ăn, sinh sống ở Campuchia. Chồng bà qua đời, để lại cho bà 4 người con. Vì cuộc sống ở bên ấy quá khó khăn, hơn mười năm nay, bà đem các con về nước, đến sinh sống ở huyện Châu Thành.

Chị Thanh là con gái út của bà. Trước khi lấy chồng Trung Quốc, chị đã có 2 đứa con với người chồng trước, đã ly hôn. Con trai lớn tên Tâm, năm nay 19 tuổi, cô con gái nhỏ tên Như, mới 9 tuổi. Nhà không có đất sản xuất, lại không ai có nghề nghiệp, hằng ngày mỗi người trong gia đình chị Thanh tự bươn chải kiếm ăn bằng nghề làm thuê làm mướn. Chị Thanh khi thì đi bán vé số dạo, lúc thì đi cạo hột điều thuê.

Cuộc sống túng quẫn, nên khi nghe lời bày biểu, mai mối của người khác, chị Thanh quyết định đi thêm bước nữa, đồng ý lấy người chồng Trung Quốc tên Châu Mạnh Tung, sinh năm 1969. Theo lời quảng cáo của bà mối, anh ta là con nhà giàu, có nhà lầu 3 tầng, nếu lấy anh ta, chị Thanh không phải làm dâu mà được ra ở riêng ngay, vài năm sau, nếu muốn về Việt Nam sinh sống, anh ta cũng sẽ cho về. Thế nhưng mãi đến khi đặt chân đến xứ người, bước vào nhà chồng ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) thì chị Thanh mới té ngửa ra, cuộc sống bên nhà chồng không hề “lý tưởng” như lời bà kia nói. Chị Thanh phải làm dâu trong một gia đình nghèo có đến 5 anh em. Chị phải hầu hạ bà mẹ chồng tánh tình rất khắc nghiệt. Chồng chị không phải công tử, đại gia gì cả, mà chỉ là anh thợ mộc, hằng ngày cùng anh em trong gia đình kéo nhau đi làm thuê cho người khác. Gia đình chồng có mảnh vườn trồng cây hồng trên một ngọn đồi cao. Những lúc chồng không đi làm thuê, chị Thanh phải cùng chồng lên đồi thu hoạch hồng hoặc làm cỏ vườn. Liên lạc với chúng tôi qua điện thoại, chị Thanh than thở: “Vườn hồng nằm trên một ngọn đồi cao như núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh mình. Có lần tôi bị trặc chân, không thể lên vườn được nữa, nhưng chồng tôi vẫn không cho nghỉ ở nhà mà kéo tôi lê lết từng bậc, từng bậc leo lên”.

Điều chị Thanh ám ảnh nhất là thói vũ phu của ông chồng Trung Quốc. Ở xứ lạ quê người, không biết nói tiếng của họ, có lần bị bệnh, chị không biết làm sao mua thuốc uống. Chị xin chồng cho đi bẻ rau má về làm nước uống, anh ta không cho mà còn đánh chị sưng cả tay chân. Chị tìm đến công an địa phương nhờ xử lý, nhưng chồng chị chỉ bị mời lên nhắc nhở, chứ không bị xử phạt gì cả. Lần chị bị chồng đánh gần đây nhất là vào khoảng tháng 4 vừa qua. Nguyên do là khi nhận được tin báo đứa con trai lớn ở quê nhà bị tai nạn giao thông, gãy chân phải, không tiền chữa trị, chị Thanh xin chồng cho mượn tiền gửi về chữa trị cho con, hứa sẽ đi làm thuê kiếm tiền trả lại nhưng chồng chị không đồng ý. Lời qua tiếng lại, ông chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, giáng cho vợ một trận nên thân. Giờ đây, chị Thanh luôn khắc khoải mong thoát khỏi tình cảnh khốn khổ hiện tại của mình nhưng đường về quê mẹ xem chừng quá mịt mùng cách trở đối với chị. Không có tiền, không biết đường đi, không rành tiếng Trung Quốc, chị lại luôn bị gia đình chồng canh giữ chặt chẽ. Qua điện thoại, chị Thanh nghẹn ngào: “Bây giờ, tôi chỉ có một ước muốn là được trở về Việt Nam thôi. Ở đây khổ quá”. Nơi quê nhà, mẹ và con của chị Thanh cũng ngày đêm vò võ ngóng tin. Nghe con gái bị đánh, bị đày ải làm những công việc nặng nhọc, người mẹ già 74 tuổi ruột gan như lửa đốt. Bà ngậm ngùi: “Tội nghiệp nó. Cứ tưởng lấy chồng ngoại sẽ có cuộc sống sung sướng. Ai ngờ còn vất vả hơn ở đây. Biết vậy, tôi cản, không cho nó đi…”.

Theo Dương Sông Ninh (Tây Ninh Online)