itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Người ươm mầm hạnh phúc cho những mảnh đời lang thang

Người ươm mầm hạnh phúc cho những mảnh đời lang thang

Bố Tinh, mẹ Vân và những

đứa con vô giá.

Thấy bố Tinh đi làm về, bé Bụp từ trong nhà chạy ra reo ầm ĩ : “A! Bố về rồi!”. Thế là các em Mập, Xuân, Lân… cũng chạy ra ôm vai bá cổ bố. Người đàn ông hạnh phúc ấy là Phí Văn Tinh, Giám đốc Trại trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình.

Ăn không mâm bát, ngủ không chiếu giường

Đó là tình cảnh của hầu hết các em trước khi được đưa về trại trẻ mồ côi này. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, số phận riêng, nhưng đều éo le, cơ nhỡ, thiệt thòi và thiếu tình thương của cha mẹ.

Hiện trung tâm nuôi dưỡng gần 20 em, em lớn nhất 16 tuổi, em nhỏ nhất chưa được 10 ngày tuổi. Các em đều được vợ chồng ông Tinh đưa về đây, chăm sóc nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương.
Em Trịnh Văn Duy nhà rất nghèo, bố bị tâm thần, mẹ phải dắt hai con nhỏ đi ăn xin ở Hà Nội, đến ga Yên Viên (Bắc Ninh) thì mẹ chết do tai nạn tàu hỏa. Hai anh em tha hương cầu thực vào tận trong Huế, Quảng Trị để xin ăn. Năm 1993, ông Tinh gặp Duy ở Chùa Keo (Thái Bình), xót xa trước hoàn cảnh khó khăn của em, ông đã đưa em về trung tâm để nuôi dạy.

Khác với Duy, em Phạm Thị Hồng lại được sinh ra trong gia đình đủ đầy, có cả cha lẫn mẹ. Lên 5 tuổi, em mắc phải căn bệnh đặc biệt khiến toàn thân lở loét, bốc mùi hôi thối. Tuổi thơ em từ đó chỉ có nước mắt và những lời dè bỉu. Sau một lần bị bố mắng thậm tệ, em tủi thân bỏ nhà ra đi.

Năm 1995, ông Tinh gặp Hồng ở bến phà Tân Đệ và đón em về nuôi dưỡng. Ông đã đưa em đến bệnh viện Việt-Bun để chữa bệnh và 2 tháng sau em đã khỏi bệnh. Ngày 30 Tết năm 1996, Hồng nhớ nhà ngồi khóc, bố Tinh đánh xe đưa ngay Hồng về quê trong ngày mùng 1 Tết. Nhìn thấy Hồng, bố em khóc vật vã và chỉ vào chiếc bàn thờ nhỏ, nói cứ ngỡ Hồng đã chết rồi.

Không may một năm sau, bố Hồng mất do hậu quả chất độc màu da cam, em lại được bố Tinh đón về nuôi trong tình yêu thương vô bờ bến.

Chỉ vào cậu bé Lân hơn 2 tuổi, lúc nào cũng xoắn xuýt bố, ông Tinh trầm ngâm kể: “Khoảng 11 giờ đêm cuối tháng 3/2006, vợ chồng tôi nhận được tin có một bé trai bị mẹ bỏ rơi tại khu công nghiệp Đài Tín. Lập tức hai vợ chồng tôi phóng xe đến nhận cháu về nuôi. Lúc bế cháu tôi không kìm nổi nước mắt tại vì toàn thân cháu đều bị kiến cắn.

Thế rồi vợ chồng tôi bắt đầu nuôi cháu. Đó là những tháng ngày vất vả, vợ tôi phải làm một cái nôi nhỏ, lấy bóng điện giăng chung quanh giữ ấm cho cháu. Hai vợ chồng cứ thế thay nhau trông cháu. Tôi thức đến hai giờ sáng rồi lại tới phiên bà ấy”.

Ông Tinh không thể nhớ hết mình đã từng nhận về nuôi dướng bao nhiêu em nhỏ, nhưng có một trường hợp của Mạnh thì có lẽ ông không thể nào quên. Bố Mạnh đi bộ đội bị nhiễm chất độc màu da cam, bởi thế khi sinh ra em bị ngớ ngẩn. Năm 1985, bố em qua đời, đến năm 1989 thì mẹ em cũng đi theo bố.

Em không có nơi nương tựa phải lang thang đi ăn xin khắp nơi. Có lần ông Tinh đi công tác gặp Mạnh, ông đón em về trung tâm nuôi. Những tháng ngày chăm sóc em thật khổ cực vô cùng vì em bị tâm thần quá nặng. Nhưng nhờ tình thương yêu, đùm bọc của bố Tinh, mẹ Vân, sự quan tâm của những người ở trung tâm, tinh thần của em dần ổn định và em giờ đây em đã có thể tự lao động kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Ở trung tâm còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, éo le như thế. Cứ mỗi lần dang tay đón thêm một cuộc đời, một số phận mới lại mỉm cười nhưng vợ chồng ông thì lại rơi nước mắt xót xa.

“Đối với tôi, các con là tài sản vô giá”

Ông Tinh bây giờ đã bước sang tuổi 56 nhưng trông ông già hơn so với tuổi của mình. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn, làn da đen sạm phần nào nói lên cuộc sống lam lũ, vất vả của ông.

Trước đây ôngnguyên là cán bộ công an tỉnh Thái Bình. Đầu năm 1990, ông xin nghỉ hưu sớm để mở tổ sản xuất thủ công. Năm 1992 tổ sản xuất đổi tên thành Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chuyên làm hàng mây tre đan, đồ gỗ lưu niệm. Công việc quản lý doanh nghiệp đòi hỏi ông phải đi nhiều nơi và cũng chính từ đó, ông gắn với trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Tuy cuộc sống có khó khăn vất vả nhưng vợ chồng ông luôn chắt chiu, dành dụm để có tiền mua sữa cho các con. Năm 1996, cơn bão số 3 đổ bộ vào Thái Bình khiến trung tâm của ông bị tàn phá nặng nề: nhà cửa thì đổ nát, hoa màu thì bị vùi dập. Nhưng người đàn ông đó không hề gục ngã, nhìn những đứa con thân yêu, ông lại gắng sức làm lại từ đầu.

Ngày tháng trôi qua, trung tâm của ông trở thành điểm đến của rất nhiều em nhỏ không may, cơ nhỡ. Và ở nơi đó luôn đầy ắp tình thương và tiếng cười.

Các con của ông bây giờ phần lớn đã trưởng thành, nhiều em đã biết lo việc giúp cha. Hơn 100 người con của ông đi làm ở xa thỉnh thoảng vẫn gửi tiền giúp ông bà về chăm sóc các em. Trong số này, hơn chục người đang làm ông chủ của các xưởng sản xuất, của những mảnh đất cà phê rộng lớn… như em Trịnh Văn Duy, Phạm Văn Mạnh, Hoàng Văn Tùng… Nhiều em đã xây dựng gia đình và vẫn thường xuyên về thăm bố mẹ và các em.

Cách đây không lâu, có gia đình đã trả ông 20 nghìn đô để có được bé Bụp nhưng ông không chịu bởi với ông, “các con là tài sản vô giá”. Chỉ cần mỗi đêm được đắp chăn cho các con ngủ, mỗi khi đi làm về được các con ôm vai bá cổ là ông cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Niềm hạnh phúc giản đơn mà lớn lao đó đã thôi thúc ông ngày đêm làm việc, để có thể đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh, vun đắp lên nhiều mầm non cho cuộc đời.

Theo Lưu Hạnh / Dân trí