itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nghề “độc” Sài thành

Nghề “độc” Sài thành

“Nghề tôi còn tồn tại, tức giá trị đạo đức gia đình còn là chuẩn mực”

Trong xã hội có những nghề tồn tại như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Ngoài những tuyệt chiêu của nghề, nghệ nhân luôn theo đuổi công việc của mình bằng lòng đam mê và trái tim nhạy cảm.

Những công việc lặng thầm, những tên nghề nghe “chẳng giống ai” nhưng cuộc đời thêm hương vị đẹp bởi sự đóng góp của họ.

Nghề… vẽ người quá cố

Từ 20 năm nay, họa sĩ Từ Hoa Lợi, 73 tuổi, vẫn kiên nhẫn ngồi tại góc đường Nguyễn Thiện Thuật - Điện Biên Phủ (Q.10, TP.HCM) để theo cái nghề vẽ người… quá cố!

Người mà ông Lợi vẽ, có khi tuổi đã như “ông Bành”, có khi đã… khuất núi vài ba thế kỷ, cũng có khi xuôi tay nhắm mắt lúc chưa quá 50 tuổi, nhưng vì nhiều lý do, gia đình không còn một bức ảnh kỷ niệm nào, vì vậy các cơ sở phục chế ảnh cũ bằng kỹ thuật số đành “bó máy”. Và ông Lợi bắt đầu “ra tay”.

Ông Lợi bắt đầu nghiệp vẽ truyền thần từ năm 1959 - khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội, dù lúc đó ông chỉ tập trung tả thần trong mắt… thú. Ông kể, ngày ra trường, ông về đoàn xiếc trung ương giữ chân họa sĩ trang trí, chịu trách nhiệm chọn lọc những màn xiếc thú đặc sắc để vẽ quảng cáo. Sáng ông đi xem tập xiếc rồi về nhà nằm nhắm mắt nhớ lại và nghiền ngẫm để hình thành phác thảo. Voi lớn, voi bé, chó mẹ, chó con… cái hồn của chúng luôn nằm trong đôi mắt. Bức tranh quảng cáo sinh động, thu hút được người xem mua vé chính là bức tranh thể hiện đúng tình cảm của con vật trong lúc biểu diễn.

Bốn mươi năm làm công việc lột tả cái thần của tranh qua ánh mắt, năm 1990, ông Lợi quyết định vào TP.HCM, thuê một căn phòng nhỏ của người bạn trong đoàn xiếc. Mang những bức ảnh truyền thần của gia đình, họ tộc treo lên giá vẽ, dựng ở lề đường, rồi ông ngồi đó theo một thời gian biểu cố định: sáng 8g bày ra, chiều 17g dọn vô, chủ nhật nghỉ.

Những bức ảnh khách mang đến nhờ ông Lợi vẽ lại thường không được lưu giữ, bảo quản cẩn thận. Nếu may mắn, chân dung người trong ảnh sẽ còn khá nguyên vẹn. Trái lại, gặp những bức ảnh hư hỏng, bong tróc, tìm cho được cái thần của nhân vật để truyền lại cho chính xác là một kỳ công. Qua nhiều năm, ông Lợi tìm được những kinh nghiệm “độc” như: sử dụng các dữ liệu tổng hợp được chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau trong quan hệ huyết thống để tạo ra cái thần như thật. Ông Lợi nhận bốn tấm ảnh màu chụp một cô gái để vẽ. Nhưng người cần vẽ không phải là cô gái mà là mẹ cô - người đã mất ở tuổi 40. Ông lắng nghe lời kể, rồi phác thảo bằng chì một gương mặt có những nét đúng theo lời kể. Bức phác thảo được gửi về cho gia đình người đặt hàng để chỉnh lại theo yêu cầu. Rồi kiểm tra, tẩy xóa, sửa lại đến khi khách hàng “gật”…

Có lần, ông Lợi nhận truyền thần từ bức ảnh 50 người chụp chung từ thời Pháp thuộc. Nhân vật ông phải truyền thần thành hình chân dung có khuôn mặt chỉ… bằng hạt đậu đen. Vì vậy, ông phải huy động những người được xem là có nét hao hao với người đã khuất trong họ tộc để ông bắt thần: này mắt, này môi, này răng, này tóc… Trong đó, những câu chuyện kể “nửa đầu, nửa đuôi” về người trong ảnh chính là chất liệu giúp người họa sĩ liên tưởng, kết nối với cái thần của người đã xa. Hoàn thành tác phẩm trong một buổi, nhưng để tìm ra cái thần của nhân vật và truyền lại niềm tự hào cho đời sau của họ tộc là một quá trình dày công tích.

Tiền công của một bức ảnh truyền thần chỉ vài trăm ngàn, không ít trường hợp cá biệt đạt ngưỡng một triệu đồng. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất để ông Lợi kiên trì “ngồi một chỗ” 20 năm nay. “Đam mê đeo đuổi nghề vẽ người quá cố bao năm nay không chỉ vì đó là cái nghề giúp tôi sống được mà còn vì đây là cái nghề giúp tôi có dịp nghe toàn những chuyện tốt đẹp về tình cảm gia đình. Tôi nhận ra một chân lý: Nghề tôi còn tồn tại, tức giá trị đạo đức gia đình vẫn còn là chuẩn mực. Bởi, những ai chăm chút bức chân dung của ông bà, cụ kỵ trên bàn thờ để thờ phụng, đều là con cháu hiếu thảo”, ông Lợi nói.

Nghề nhắm mắt… căng tai

Nhắm mắt căng tai là một nghề không gia truyền. Đó là nghề đòi hỏi độ thẩm âm chuẩn xác được đo bằng độ rung tinh tế của mỗi tâm hồn: nghề lên dây cho đàn dương cầm!

Gọi là nghề bởi vì không như đàn violon, guitar hay những loại đàn dây khác, người chơi có thể tự lên dây đàn cho mình, riêng dương cầm là loại đàn không bao giờ bán sẵn dây để thay. Đó cũng là loại đàn đạt kỷ lục về số dây: 218 sợi, tổng lực căng ở hai đầu dây lúc đỉnh điểm tương đương sức tải của chiếc xe 20 tấn. Ca sĩ, nhạc sĩ vốn không phải là… lực sĩ. Cho nên việc lên dây đàn đương nhiên phải dùng đến sự trợ giúp của người có sức khỏe cùng kinh nghiệm “khi nhắm mắt, lúc căng tai”.

Anh Nguyễn Thanh Viêm, nhà ở Q.Tân Phú (TP.HCM) tuổi chưa quá lục tuần, nhưng đã là nghệ nhân có thâm niên và được nể trọng về khả năng lên dây chính xác và tạo được “hồn” cho từng sợi dây đàn. Không chỉ là học viên được cấp bằng tốt nghiệp khóa sửa đàn dương cầm đầu tiên mà anh còn là người có nhiều cơ hội minh chứng tài năng lên dây đàn. Năm 1984, nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn về nước nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Nhạc viện TP.HCM nhập từ Nhật một cây dương cầm trị giá 26.000 USD để Đặng Thái Sơn biểu diễn. Chiếc đàn “chưa đập thùng”, vậy mà về đến Việt Nam, sợi dây đô bị rè. Nhiều người “mò”, tiếng rè vẫn không hết. Cuối cùng anh Viêm được đề nghị giúp đỡ và đã “cứu đàn” thành công.

Thời hiện đại, cái gì cũng được số hóa. Nghề lên dây cho đàn dương cầm cũng không ngoại lệ. Bất kỳ ai cũng có thể sắm cho mình một chiếc hộp đo tần số âm thanh của từng nốt nhạc giá vài trăm ngàn đồng. Người lên dây chỉ cần nhìn vào cây kim hoặc số đo trong máy để siết hoặc nhả cờ lê chỉnh dây đàn. Anh Viêm cũng có một thiết bị như vậy, nhưng chỉ để giới thiệu cho những ai muốn tự mình lên dây mà không cần phải học nhiều. Với anh, âm thanh là thứ có hồn, cùng một nốt nhạc nhưng tâm trạng khác nhau của người đánh đàn sẽ buông ra những âm điệu khác nhau. Đó cũng là lý do mà dù rất muốn truyền nghề cho các con, nhưng anh đành ngậm ngùi tiếc nuối. Theo anh, một âm đúng được hiểu là âm có giá trị tương đối. Già một chút nhưng không phải âm thăng, mà non một chút cũng chẳng phải âm giáng. Sự tài hoa của người lên dây cho đàn dương cầm chính là khả năng nhận biết và chấp nhận sự đồng âm ít nhiều khác biệt này.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự khác biệt luôn tạo nên cái hồn riêng. Người ta sẽ mãi nhắc đến Trần Đăng Khoa chỉ vì anh “nghe độc đáo” trong câu thơ: “Tiếng rơi rất mỏng như rơi nghiêng”. Cũng vậy, người ta sẽ nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Thế Viêm, vì một nghề rất độc đáo như vậy.

Theo Nguyễn Thiện/ Báo Phụ Nữ