Vé xe buýt giả do tiếp viên bán!
Một số điểm bán vé ham tiền lời cao, nhiều tiếp viên xe buýt muốn kiếm thêm thu nhập từ việc bán vé tập nên dù biết khả năng là vé giả vẫn mua từ các đối tượng xấu và bán cho hành khách. Chỉ cần một cái dù, một chiếc bàn, một chiếc rổ đựng vài tập vé thì hầu như ai cũng có thể mở điểm bán vé xe buýt.
Cứ 15 vé thì có 10 vé giả
Liên tục 2 ngày nay, nhiều hành khách trên tuyến xe buýt số 4 (Bến Thành - Bến xe An Sương) phàn nàn vì mua nhầm vé giả. Chị T. - tiếp viên của tuyến này - cho biết cứ 15 vé thì có 10 vé giả. Mặc dù các tiếp viên đã giải thích nhưng có hành khách chấp nhận, có người không. “Ngoài việc chỉ dẫn cách phân biệt còn hỏi thăm xem họ mua vé ở đâu thì thật bất ngờ khi nhiều trường hợp cho biết mua của chính tiếp viên trên tuyến này” - chị T. nói.
Trước đó, trong bài “Phát hiện hàng ngàn vé xe buýt giả”, bạn đọc Võ Thị Đem (ngụ quận 3) cũng bức xúc vì mua phải tập vé giả do một tiếp viên trên tuyến số 4 bán. Ngoài tập vé này, bà Đem còn mua 2 tập vé giả của một phụ nữ bán vé tập ngồi trước văn phòng vé của Bến xe Củ Chi.
Lân la tìm hiểu, chúng tôi được biết tuyến số 4 gồm 20 tiếp viên, trong đó có một số bán vé tập để kiếm thêm thu nhập, nguồn vé này ở đâu ra thì không rõ mặc dù tại Bến xe An Sương cũng có đại lý vé tập do nhân viên điều hành tuyến số 4 phụ trách. Tại đại lý vé này, liên tục những ngày qua có rất nhiều hành khách “mắng vốn” vì mua nhầm vé giả của tiếp viên trên tuyến.
Một người từng bán vé tập cho một đại lý tại Bến xe An Sương cung cấp: “Cách đây 4 tháng, một người đàn ông là tài xế tuyến xe buýt của bến xe này đến chào mời vé tập với các điểm bán vé, rẻ hơn từ 10.000 - 12.000 đồng/tập so với giá lấy từ Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Trung tâm). Do hám lợi nên một số người đã mua và bán cho hành khách.
Khó chấp nhận
Ghi nhận tại nhiều bến xe buýt cho thấy đội ngũ những người bán vé tập ngồi bên ngoài phòng vé tại các bến xe đã biến mất. Ở trạm xe buýt Bến Thành, cách đây một tuần tập trung một số người bán vé tập xe buýt nhưng từ khi Trung tâm phát hiện vé giả tràn lan thì không còn ai bán nữa. Tương tự, Bến xe buýt 23-9 và Chợ Lớn cũng không còn xuất hiện các đối tượng bán vé xe buýt dạo ngoài các văn phòng. “Trước đó, có mấy người bán vé tập xe buýt ở đây. Bây giờ, các bến xe đều dán thông báo đề phòng vé giả nên nhiều người cảnh giác, tới văn phòng mua” - ông Tài, chạy xe ôm trước Bến xe Chợ Lớn, cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, người phụ nữ bán vé mặc áo xanh ngồi trước phòng vé Bến xe buýt Củ Chi cũng biến mất. Tuy nhiên, Bến xe An Sương vẫn còn những điểm bán vé tập của các quán nước và nhân viên điều hành một số doanh nghiệp xe buýt. Trong vai người cần mua vé tập, chúng tôi ghé vào một số quầy và nhận thấy hầu hết vé bán là thật, có mức giá chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng. Khi chúng tôi chê mắc thì một nhân viên bán tạp hóa kiêm bán vé tập cảnh báo: “Bây giờ vé giả nhiều lắm, nếu chị ham rẻ thì ráng chịu”.
Theo nhân viên bán vé Trịnh Thị Kim Mai (Văn phòng Bến Thành), mấy ngày nay, nhiều hành khách đến thắc mắc việc vì sao khi lên xe, tiếp viên cho biết là vé giả và yêu cầu phải mua vé lượt. “Người dân rất bức xúc, chúng tôi phải giải thích cho họ hiểu là hiện nay bên ngoài có nhiều đối tượng sản xuất vé xe buýt giả, không phải do Trung tâm phát hành. Sau đó, chúng tôi chỉ cho họ cách phân biệt vé giả - thật nhưng người dân cũng khó chấp nhận” - chị Mai nói.
Đến đại lý của Trung tâm để mua vé
Theo ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm, sau khi phát thông báo cảnh giác và hướng dẫn cách phân biệt vé thật - giả đến các doanh nghiệp và HTX, Trung tâm đã yêu cầu tất cả tiếp viên đối xử lịch sự với hành khách mua nhầm vé giả, không ép họ mua vé lượt nếu như vé đó là thật. “Trong lúc tìm giải pháp căn cơ để ngăn chặn vé giả, Trung tâm khuyến khích hành khách nên mua vé tập tại các đại lý của Trung tâm, có thể tham khảo thông tin tại website: www.buyttphcm.com.vn” - ông Phong nói.
Theo Thu Hồng – Lương Sơn
Người lao động