itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Đề phòng nảy sinh tham nhũng!

Đề phòng nảy sinh tham nhũng!

Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM

Trần Du Lịch - Ảnh: L.Q.P

Hôm qua, các ĐBQH tranh luận sôi nổi: tài sản nhà nước chưa được sử dụng hết công suất nên cho thuê hay không cho thuê?

Điều 41 của dự luật quy định: "Tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập tạm thời chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất thì được cho thuê. Tiền thu được từ cho thuê tài sản phải thực hiện hạch toán riêng, sau khi trừ chi phí hợp lý có liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước, được sử dụng để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp".

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) dẫn một thực tế: "Hiện tại có bệnh viện không làm hết chức năng khám, chữa bệnh mà đi cho thuê đất. Ngay sau lưng Hội trường Thống Nhất người ta cho thuê để mở quán bia, và đã cho thuê thì họ có thể sử dụng vào bất cứ mục đích gì". Ông Đáng bày tỏ: "Luật đề ra tài sản nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, hằng năm phải kiểm tra, kê khai với cơ quan cấp trên thì làm gì có dư thừa! Diện tích trụ sở dư thừa thì lấy về cấp cho đơn vị khác, hoặc giao hẳn cho một đơn vị kinh doanh". ĐB Đáng thẳng thắn: "Tôi cực lực không đồng ý cho thuê tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, nếu cho thuê sẽ dung dưỡng cho tiêu cực". ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) đồng tình: "Cái này là mầm mống cho tham nhũng, vì khi cho thuê, có khi giá ghi trên hợp đồng là một giá còn thực tế lại là giá khác".

ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) 

Dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định: giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quyết định. Nhưng thế nào là giá thị trường? Ai là người xác định giá thị trường? Đề nghị phải có cơ quan thẩm định khách quan, tránh vừa đá bóng vừa thổi còi.

Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ĐB tỉnh Nam Định) không đồng tình với quy định "tài sản nhà nước được thanh lý trong trường hợp tài sản hết thời hạn sử dụng". Thực tế đã có những trường hợp lợi dụng việc thanh lý tài sản nhà nước để trục lợi và Bộ trưởng Tuấn cho rằng: "Theo thời gian, mặc dù khấu hao đã hết nhưng giá trị sử dụng còn rất tốt. Nếu quy định như dự luật, người ta sẽ dựa vào đó để thanh lý". Ông Tuấn tiếp tục: "Tôi đề nghị phải đưa tài sản của các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp được hình thành do Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, mua sắm vào quản lý, không để như dự luật (không điều chỉnh tài sản của các tổ chức nói trên, hiện do Bộ luật Dân sự điều tiết - TN), vì có nhiều tổ chức được hỗ trợ rất lớn". Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Chu Văn Đạt bổ sung: "Thực tế đang có việc hành chính hóa các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội thành lập một thời gian rồi xin trang bị ô tô, trụ sở. Mới đây ở địa phương tôi có tổ chức gì đó, gửi văn bản xin trụ sở và ô tô. Tôi rất băn khoăn nếu cái này không tính vào tài sản nhà nước".

Ở một khía cạnh khác, ĐB Đạt đặt câu hỏi: "Một ai đó đi làm ăn xa về, giàu có, xây tặng địa phương hẳn một ngôi trường thì cái đó có phải là tài sản công lập?". Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (ĐB Hà Tĩnh) cũng đặt ra tình huống: "Có những hội người ta có đất rồi, muốn đầu tư 500 triệu xây trụ sở, họ đã có 400 triệu rồi, Nhà nước chỉ hỗ trợ 100 triệu. Hỗ trợ có 100 triệu mà đòi quản lý nhà của người ta thì có được không?".

* Cùng ngày, các ĐB đã thảo luận các dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức, Luật Hoạt động chữ thập đỏ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xuân Toàn (Theo Thanh Niên)