itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Dịch tiêu chảy cấp: Tăng tại nhiều tỉnh, đường lây phức tạp hơn

Dịch tiêu chảy cấp: Tăng tại nhiều tỉnh, đường lây phức tạp hơn

Mắm tôm tươi không có nhãn hiệu,

nguồn gốc đựng trong xô cáu bẩn

tại chợ Gò Vấp (TP.HCM) bị niêm

phong, tịch thu - Ảnh: L.TH.H.

Ngày 6-11, Bộ Y tế thông báo có thêm gần 100 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện. Trong tổng số hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, có khoảng 150 ca được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xác nhận dương tính với vi khuẩn tả.

Tuy nhiên, nếu tính tổng số người dương tính với bệnh tả đã được các bệnh viện xét nghiệm xác định, con số có thể cao hơn nhiều.

Về thông tin có bốn bệnh nhân ở Nghệ An và Hà Tây tử vong liên quan đến tiêu chảy cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói chưa có bất kỳ ca tử vong nào liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp từ ngày 23-10 (thời điểm bắt đầu vụ dịch) đến nay.

Theo ông Triệu, một trong hai bệnh nhân ở Nghệ An tử vong do xuất huyết tiêu hóa, người còn lại khi nhập viện có biểu hiện tiêu chảy, nhưng nguyên nhân tử vong không liên quan... tiêu chảy, những người cùng ăn uống với bệnh nhân đến nay không có biểu hiện bệnh. Hai bệnh nhân ở Hà Tây cũng có rối loạn tiêu hóa khi nhập viện, nhưng một người được xác định tử vong do nghẽn mạch phổi. Trả lời Tuổi Trẻ về dư luận Bộ Y tế chưa công bố rõ ràng nguyên nhân gây dịch, ông Triệu nói đây là loại dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, với 15% bệnh nhân mắc vi khuẩn tả, Tổ chức Y tế thế giới cũng tán thành thông điệp này.

Ngày 6-11, dịch có chiều hướng tăng mạnh ở Hà Tây, Vĩnh Phúc..., trong đó Hà Tây với 14/14 huyện, thành phố đã xuất hiện dịch, có 93 trường hợp mắc và nghi ngờ mắc bệnh nhập viện trong ngày. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư có một bé 20 tháng tuổi dương tính với bệnh tả. Em bé này chưa đi nhà trẻ và được chăm sóc tại nhà, chứng tỏ nguyên nhân gây bệnh chính là thức ăn và môi trường tại nhà. Bộ trưởng Triệu rất lo lắng do đường lây phức tạp hơn, ngoài mắm tôm, mắm tép đã xuất hiện mầm bệnh từ thức ăn đường phố, từ giò chả tại các bữa cỗ như nhiều bệnh nhân ở Hải Dương.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, vấn đề xử lý ổ dịch cần nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh trường hợp Thái Bình có một bệnh nhân đến Hà Nội và mắc bệnh tại đây, chưa khỏi bệnh đã xin về làm lây bệnh cho người nhà chỉ sau sáu giờ.

* Ngày 6-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết kết quả kiểm nghiệm 9/18 mẫu mắm tôm lấy từ các quán ăn, siêu thị... của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM chưa phát hiện có vi khuẩn tả. Các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM cũng báo cáo trong ngày 6-11 đã tiếp nhận điều trị 51 ca bị tiêu chảy, nhưng đều không liên quan đến vi khuẩn tả. Cùng ngày, thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục thanh tra các quầy sạp kinh doanh mắm tôm tại chợ Gò Vấp và chợ Bà Chiểu. Đoàn thanh tra đã niêm phong và tịch thu 58,3kg mắm tôm không có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ của các sạp hàng này và giao ban quản lý chợ Gò Vấp, Bà Chiểu quản lý, chờ xử lý tiêu hủy; yêu cầu các sạp tạm ngưng kinh doanh mắm tôm cho đến khi hết dịch tiêu chảy cấp.

24 đoàn thanh tra quận, huyện cũng đang tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mắm tôm và các hàng quán ăn có sử dụng mắm tôm.

L. Anh - L.TH.H.