itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Lũ lại hành miền Trung

Lũ lại hành miền Trung

Tại Thừa Thiên - Huế lũ dâng cao,

chính quyền phải di dời hơn 2.000

hộ dân. Ảnh: T.Lộc

Miền Trung lại hứng chịu thêm một đợt lũ. Có thêm người chết và hàng chục ngàn ngôi nhà ngập trong lũ. Có nơi đường hư, xe chở gạo cứu trợ không đến được trong khi dân đang đói.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương: lúc 16g30 ngày 11-11, tình trạng ngập lụt sâu diễn ra trên diện rộng thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Quảng Nam: 20.000 nhà bị ngập

Đến 15g ngày 11-11, các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên có trên 15.000 ngôi nhà ngập sâu trong lũ từ 0,8-1,5m. UBND huyện Đại Lộc đã di dời khẩn cấp 62 hộ dân ven sông Quảng Huế, xã Đại Cường và 250 hộ dân ở các xã Đại Đồng, Đại Sơn, Đại Phong, Đại Quang… ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trên quốc lộ 1A lũ đã băng qua nhiều điểm, tại Kế Xuyên, xã Bình Tú (Thăng Bình) nước ngập 0,5m gây tắc nghẽn giao thông. CSGT Quảng Nam triển khai lực lượng tại nhiều điểm trên quốc lộ 1A hướng dẫn giao thông. Lúc 10g ngày 11-11, cháu Nguyễn Trần Nhật Kiều (4 tuổi, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) bị nước lũ cuốn trôi.

Mưa lớn trong hai ngày qua khiến nhiều khu vực của tỉnh bị ngập cục bộ. Đã có hơn 5.000 nhà dân ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị ngập. Tại huyện Duy Xuyên, đường 610 đoạn từ Trà Kiệu đi Mỹ Sơn có bốn điểm bị ngập sâu 0,7-1m khiến giao thông bị tê liệt. Tại các huyện miền núi Quảng Nam, mưa lớn liên tục suốt ngày 11-11 khiến tình hình sạt lở nghiêm trọng. Trên quốc lộ 14E đoạn từ xã Phước Hiệp đi thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) khoảng 30km, ngay trong sáng 11-11 đã xuất hiện 20 điểm sạt lở, giao thông hoàn toàn bị tê liệt, trong đó có khoảng 20m đường nhựa bị cuốn trôi xuống vực.

Quảng Ngãi: 6.000 dân thiếu đói

Tại huyện Sơn Tây, lúc 12g ngày 11-11, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi cháu Đinh Văn Bim (12 tuổi) ở xã Sơn Tân. Chiếc cầu treo qua ngầm Ra Nhua tại km14 trên tuyến đường Sơn Hà - Sơn Tây cũng bị lũ cuốn trôi. Tại huyện Ba Tơ có mưa to đến rất to. Cầu sông Liên qua tuyến quốc lộ 24, nước ngập sâu trên 1m gây ách tắc giao thông. Mưa lũ làm gãy đổ trụ điện cao thế gây mất điện ở chín xã khu tây của huyện và một phần thị trấn Ba Tơ.

Trong khi tuyến đường Trà Bồng - Trà Phong chưa được khắc phục xong trong đợt lũ trước thì sáng 11-11 đã có thêm ba điểm sạt lở núi mới, khiến huyện Tây Trà tiếp tục bị cô lập hơn một tuần qua.

Ông Hồ Văn Cảnh, phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết hiện nay có khoảng 6.000 người dân ở huyện này đang thiếu đói trầm trọng. Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm cứu trợ ở đồng bằng hầu như không lên được với Tây Trà. Hiện các xã về trung tâm huyện hầu như không đi được do nước ở các sông dâng cao. Mưa lũ trong hai ngày qua cũng đã làm ngập sâu hàng chục ngàn nhà dân ở các vùng trũng trong tỉnh.

Bình Định: thêm 3 người chết

Các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân, An Nhơn, Phù Mỹ tiếp tục bị cô lập, chia cắt, nhất là các địa phương ven biển. Cho đến thời điểm này, 1.000 tấn gạo của Chính phủ vừa hỗ trợ cho Bình Định vẫn chưa kịp cấp phát. Hàng ngàn hộ gia đình vùng ngập lũ đang thiếu lương thực và nước uống trầm trọng từ nhiều ngày qua.

Trong ngày 9 và 10-11, Bình Định lại có thêm ba người thiệt mạng do lũ cuốn trôi gồm Nguyễn Thành Đô (29 tuổi, xã Cát Minh, Phù Cát), Nguyễn Thị Mỹ (14 tuổi, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn), riêng Võ Thị Thúy (25 tuổi, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) đến chiều 11-11 vẫn chưa tìm được thi thể.

Nhóm PV - CTV TUỔI TRẺ